Đại án Phạm Công Danh: Tiết lộ sơ đồ dòng tiền 5.190 tỷ

ANTD.VN - Trong phiên tòa ngày 5/8, đại diện của nữ doanh nhân Trần Ngọc Bích đã tung bằng chứng “tố” VNCB che giấu thông tin.

Người đại diện này đồng thời cũng cung cấp sơ đồ dòng tiền, để công chúng có thể hiểu rõ bản chất vấn đề.

Bị cáo Phạm Công Danh tại tòa

Tại tòa, bà Trần Ngọc Bích có việc gia đình nên bà Nguyễn Thanh Thảo được cử làm người đại diện. Bà Thảo đã trả lời các câu hỏi chất vấn của luật sư Phan Trung Hoài, luật sư của bị cáo Phạm Công Danh.

Đại diện của bà Trần Ngọc Bích cho rằng: HĐQT Ngân hàng Xây dựng đã đồng ý tất toán khoản vay của bà Bích, nhưng sau đó lại lén lút chuyển tiền ra khỏi tài khoản mà không có chữ ký của chủ tài khoản.

Và việc thất thoát này là việc của Ngân hàng Xây dựng, ngân hàng phải chịu trách nhiệm, không liên quan đến bà Bích.

Sơ đồ dòng tiền của Bà Trần Ngọc Bích giao dịch với ngân hàng xây dựng

Giải thích sơ đồ:

Mục số 1: 17 người trong đó có bà Bích gửi tổng cộng 5.880 tỷ (124 sổ tiết kiệm). Số sổ này Ngân hàng Xây dựng vẫn giữ và không gây tranh cãi.

Mục số 2: 14 người trong số đó vay 5.190 tỷ để kinh doanh. Việc này có giấy tờ đầy đủ và khoản vay hợp lệ. Vì thủ tục duyệt vay rất phức tạp và kéo dài, nên khi được Ngân hàng đồng ý là những người này triển khai ngay. Mặc dù thời điểm đó, dự án cần đầu tư chưa phải sử dụng đến tiền.

Mục số 3: Sau khi vay được 5.190 tỷ, nhóm bà Bích lập tài khoản ở Ngân hàng Xây dựng để cất giữ tiền. Khoản tiền này được gửi kì hạn 2 tháng tại ngân hàng.

Mục số 4: Ngày 21/4/2014, đến hạn phải trả khoản tiền ở mục 2, bà Bích đã đến Ngân hàng Xây dựng và làm thủ tục tất toán. Khoản tiền bà Bích dùng để trả nợ chính là khoản tiền bà Bích đang cất giữ trong ngân hàng ở mục 3. Nhưng, lãnh đạo VNBC viện lý do là Ngân hàng đang bị thanh tra nên không thể tất toán.

Tuy nhiên, lãnh đạo VNBC đồng ý kí biên bản ngày 22/4/2014 với bà Bích xem như chấp thuận việc tất toán, không tính thêm lãi cho khoản vay ở mục 2. VNBC sau đó cũng ra nghị quyết về việc này.

Như vậy, thông qua sơ đồ dòng tiền do bà Nguyễn Thanh Thảo cung cấp, có thể thấy rằng, bà Bích đã tất toán khoản tiền 5.190 tỷ với Ngân hàng Xây dựng. Tài sản còn lại của bà còn nằm ở ngân hàng Xây dựng chính là 124 cuốn sổ tiết kiệm.

VNCB tự ý chuyển 5190 tỷ đồng của bà Bích ra khỏi tài khoản

Trong phiên xét xử sáng 5/8, luật sư bào chữa cho bị cáo Danh đặt câu hỏi với đại diện của bà Bích rằng: Có thừa nhận số tiền không có chữ ký của bà Bích mà VNCB đã chuyển cho ông Danh không? Đại diện của bà Trần Ngọc Bích xác nhận bà Bích chưa bao giờ yêu cầu ngân hàng chuyển số tiền này ra cho bất kỳ ai.

“Khi biết sự việc, bà Bích có yêu cầu ngân hàng giải quyết. Ngân hàng có biên bản cam kết giải quyết, có HĐQT của ngân hàng. Ngân hàng đã cố tình che giấu việc chuyển tiền trái ý muốn của bà Bích. Tôi đề nghị HĐXX, luật sư xem lại biên bản này. Tất cả những chứng cứ này đã được cung cấp cho cơ quan điều tra”.

“Ngày 21/4, khi bà Bích lên làm việc thì ngân hàng hẹn lại ngày hôm sau vì bảo là ngân hàng đang bị thanh tra. Hôm sau bà Bích tiếp tục lên thì ngân hàng chủ động ký cam kết với nội dung khách hàng yêu cầu thanh toán các khoản vay nhưng ngân hàng chưa thể thanh toán được mà không nói rõ lý do”.

Đại diện bà Bích nêu ý kiến, vì có biên bản ngày 22/4 này nên bà Bích đã từng kiện ngân hàng qua mặt vì tạo cho khách hàng cảm giác yên tâm giả tạo. Bà Bích cũng không hiểu lý do ngân hàng cố tình chuyển tiền mà chưa có sự đồng ý của bà.

Vi bằng thể hiện việc Ngân hàng Xây dựng xác nhận, bà Trần Ngọc Bích không sử dụng dịch vụ tin nhắn thông báo của ngân hàng (SMS).

Bút lục từ số 011756 đến 011761 thể hiện nghị quyết của HĐQT của VNCB đã thông qua, không đề cập đến việc bà Trần Ngọc Bích và các cá nhân gửi tiền có liên quan đến bà Bích nợ chứng từ, không đề cấp đến việc nhóm này cho bị cáo Danh vay tiền.

Đại diện của bà Bích nhấn mạnh, việc VNCB tự ý chuyển tiền khỏi tài khoản của bà Bích trong khi bà này không hề biết hay đồng thuận đã thể hiện ngân hàng cố ý giấu, và VNCB cũng không hề cho nhóm này nợ chứng từ.

Đại điện của bà Bích đồng thời cũng trưng ra bằng chứng, khẳng định việc bà không sử dụng dịch vụ tin nhắn thông báo của Ngân hàng. Việc này được chính nhân viên ngân hàng VNCB thừa nhận tại buổi làm việc. Buổi làm việc này có sự chứng kiến của các luật sư và đã được lập thành vi bằng.

Điều này góp phần lý giải, vì sao 5.190 tỷ đồng của bà Bích bị VNCB chuyển ra khỏi tài khoản mà bà này không hề hay biết.