Đã đến lúc Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế

ANTĐ - Trung Quốc tiếp tục khiến tình hình trở nên căng thẳng khi quyết định điều tàu tiếp tế Fuchi, tàu tiếp tế quân sự lớn nhất đến biển Đông nhằm tăng cường sức mạnh của hải quân Trung Quốc tại khu vực. Các chuyên gia quốc tế cho rằng, đã đến lúc Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế để dư luận và truyền thông thế giới thấy rõ bản chất hiếu chiến của chính quyền Bắc Kinh.
Trung Quốc "dàn trận" ngăn cản tàu Việt Nam

Trong diễn biến mới nhất quanh khu vực gần nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981), đại diện Cục Kiểm ngư cho biết, Trung Quốc vẫn duy trì với khoảng gần 120 tàu, gồm khoảng 40 tàu Hải cảnh, khoảng hơn 30 tàu vận tải và tàu kéo, 35-40 tàu cá đồng thời vẫn có sự hiện diện thường trực của 4 tàu chiến.

Đã đến lúc Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế ảnh 1
Trung Quốc huy động nhiều tàu lớn dàn hàng ngang quanh khu vực giàn khoan (Nguồn: Canhsatbien.vn)


Tại hiện trường, các tàu Trung Quốc gồm: tàu Hải cảnh, Hải tuần, tàu kéo, tàu vận tải đã tổ chức thành từng nhóm cách giàn khoan 7-8 hải lý và 9-11 hải lý để ngăn cản quyết liệt, sẵn sàng đâm va, phun vòi rồng vào các tàu Kiểm ngư Việt Nam, nhằm đẩy tàu Việt Nam ra xa khu vực giàn khoan. Tuy nhiên, các tàu Kiểm ngư Việt Nam vẫn kiên trì bám trụ tại hiện trường giàn khoan, đồng thời tổ chức hoạt động đấu tranh tuyên truyền với cường độ cao trên khu vực cách giàn khoan 8-11 hải lý để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Qua quan sát, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam đã phát hiện 1 máy bay Y-8 hoạt động trinh sát trong khu vực giàn khoan ở độ cao khoảng 300-500m.

Bên cạnh đó, tàu cá Trung Quốc đã có biểu hiện manh động hơn, nhằm đẩy ép tàu cá của Việt Nam ra cách xa giàn khoan 38-40 hải lý. 

Trung Quốc điều tàu tiếp tế quân sự lớn nhất đến biển Đông

Thời báo Hoàn cầu đưa tin, Trung Quốc sẽ điều tàu Fuchi, tàu tiếp tế quân sự lớn nhất đến biển Đông nhằm tăng cường sức mạnh của hải quân Trung Quốc và giúp cho Hạm đội Nam Hải của nước này trở nên nguy hiểm hơn.

Với khả năng chở theo 11.000 tấn hàng hóa và độ choán nước 23.000 tấn, tàu tiếp tế Fuchi thuộc loại 903A có khả năng tiếp nhiên liệu và hàng hóa cho chiến hạm Trung Quốc đang hoạt động giữa biển.

Đã đến lúc Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế ảnh 2
Tàu tiếp tế loại 903A Thiên Đảo Hồ của hải quân Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình Want China Times


Fuchi có khả năng cung cấp nhiên liệu cùng lúc cho 2 tàu chiến và có thể chở theo 2 trực thăng Z-8, loại dùng để thả hàng tiếp tế cho các tàu khác từ trên không.

Ngoài ra, tờ báo có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa này còn cho rằng, nếu có thêm tàu tiếp tế loại 903A, quân đội Trung Quốc sẽ thừa sức vượt qua “Chuỗi đảo thứ hai” (Second Island Chain). 

Đây là cách mà Trung Quốc gọi một nhóm đảo trải dài từ bắc Nhật Bản đến quần đảo Bonin và Mariana. Còn "Chuỗi đảo thứ nhất" là một nhóm quần đảo lớn đầu tiên nằm ngoài lục địa Đông Á, bao gồm quần đảo Nhật Bản, quần đảo Ryukyu, Đài Loan và phía bắc Philippines.

Việt Nam đưa vấn đề biển Đông ra các Hội nghị khu vực

Phát biểu tại các Hội nghị Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN, SOM ASEAN + 3 và SOM Cấp cao Đông Á (EAS) diễn ra trong hai ngày 7 và ngày 8-6, tại Yangon, Myanma, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh - Trưởng SOM ASEAN-Việt Nam nhấn mạnh, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) và đưa nhiều tàu hộ tống bảo vệ vào sâu trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông; Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động gây hấn, đâm húc và dùng vòi rồng phun nước làm hư hại các tàu kiểm ngư, cảnh sát biển và nhiều tàu cá của Việt Nam. Đồng thời yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Đã đến lúc Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế ảnh 3
Quang cảnh phiên khai mạc hội nghị. (Ảnh: Hữu Hưng-CTV/TTXVN)


Thứ trưởng khẳng định, Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc, nhưng kiên quyết bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và các vùng biển của mình bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Thứ trưởng kêu gọi các nước trong khu vực và Cộng đồng quốc tế tiếp tục phản đối các hành động xâm phạm của Trung Quốc, yêu cầu phải triệt để tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, thực hiện nghiêm túc DOC và sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử COC.

Đã đến lúc Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế

Giới chuyên gia quốc tế nhận định Trung Quốc đang phớt lờ luật pháp quốc tế trên biển Đông, do đó tự đánh mất “quyền lực mềm”.

Trên tạp chí Asia Times, chuyên gia Tim Kumpe thuộc ĐH Goethe (Frankfurt, Đức) nhận định phản ứng cộc cằn của tướng Vương Quán Trung - phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc - tại Đối thoại Shangri-La cho thấy Bắc Kinh không hề tôn trọng luật pháp quốc tế trên biển Đông và biển Hoa Đông. 

Theo chuyên gia Kumpe, các hành động hiếu chiến của Trung Quốc chỉ khiến các nước khu vực buộc phải tăng cường vũ trang để đối phó với nguy cơ xâm lược. Mỹ sẽ càng có cớ để mở rộng sự hiện diện quân sự tại khu vực.

Đã đến lúc Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế ảnh 4
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng công suất cao phun nước vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam tại vùng biển chủ quyền Việt Nam


Trên tạp chí Foreign Policy, nhà phân tích Gary Sands - giám đốc Hãng tư vấn Highway West Capital Advisors - so sánh căng thẳng trên biển Đông hiện nay giống như “trò chơi oẳn tù tì”. Ông đánh giá Trung Quốc đang dùng chiến lược “kéo” và “đá” mang tính gây hấn, do đó đã đến lúc Việt Nam phải phản ứng bằng “giấy”, nghĩa là kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế để dư luận và truyền thông thế giới thấy rõ bản chất hiếu chiến của chính quyền Bắc Kinh.

Mới đây thẩm phán Antonio T. Carpio thuộc Tòa án Tối cao Philippines chỉ rõ rằng Trung Quốc không hề có “cơ sở lịch sử” gì để khẳng định chủ quyền 90% biển Đông. Ông Carpio cho biết trước đó Bắc Kinh liên tục ra rả giọng điệu rằng chủ quyền biển Đông “dựa trên sự thật lịch sử”. Tuy nhiên ông Carpio cho biết tất cả các bản đồ thời cổ của Trung Quốc và các nước khu vực đều ghi rõ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam.