Đa cấp biến tướng lộng hành: Xử phạt nhẹ, khó rút giấy phép

ANTĐ - Hơn 3 tháng qua, tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã công bố những sai phạm của hàng loạt công ty kinh doanh đa cấp. Hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng hiện vẫn đang là vấn đề gây nhức nhối trong dư luận. Đa cấp bất chính có thể bành trướng như vậy một phần xuất phát từ chính những người tham gia. 

Đa cấp biến tướng đang gây nhức nhối trong dư luận

Lỗi tại lòng tham

Sự lôi cuốn của hoạt động kinh doanh đa cấp chưa bao giờ giảm sút, ngay cả khi hàng loạt doanh nghiệp đa cấp biến tướng, vi phạm bị phanh phui. Theo một đại diện của Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam (MLMA), cùng một lĩnh vực kinh doanh đa cấp, có doanh nghiệp làm tốt, gây dựng được uy tín và ngược lại. Thế nên việc sụp đổ hay tiếp tục duy trì của doanh nghiệp trên thương trường là việc bình thường.

Tuy nhiên, vị này cho hay, một trong những nguyên nhân khiến kinh doanh đa cấp biến tướng vẫn ung dung tồn tại là bởi chính người tham gia.

“Lý do nhiều doanh nghiệp đa cấp biến tướng không bị phanh phui là bởi người tham gia dù biết sai phạm cũng không khiếu nại. Họ đóng góp vào doanh nghiệp 1 tỷ đồng, sau 2-3 tháng tham gia mới nhận lại được 200-300 triệu đồng. Lúc ấy dù có hoài nghi, có thấy sai phạm, người tham gia cũng lờ đi. Họ muốn đợi đòi đủ 1 tỷ đồng đã đóng thay vì sẽ bị mất trắng nếu tố cáo” - vị đại diện nói.

Có người thân tham gia mạng lưới của một doanh nghiệp đa cấp lớn, chị Nguyễn Ngọc Duyên (Thanh Trì, Hà Nội) kể: “Chị tôi tham gia kinh doanh đa cấp hơn 1 năm rồi. Đến nay, số điện thoại phải thay đổi liên tục vì sợ bị đòi nợ. Nhưng chị tôi nhất quyết không bỏ, vì vừa tiếc số tiền đã đóng vào công ty nếu bỏ sẽ mất trắng, vừa phải im lặng, giấu giếm vì sĩ diện”.

Lâu nay, người tham gia vào các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp trá hình thường được coi như “nạn nhân”, tuy nhiên, trong nhiều vụ việc, người tham gia lại giữ vị trí chủ động.

Theo đại diện của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), người tham gia hoạt động bán hàng đa cấp là một chủ thể kinh doanh, phải chịu trách nhiệm về quyết định, hành vi của mình liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp chứ không phải với vai trò người tiêu dùng cuối. 

Xử phạt quá nhẹ

Trong khi người tham gia vì quyền lợi của mình mà bưng bít thông tin sai phạm của doanh nghiệp đa cấp nơi họ tham gia, thì các chế tài xử phạt của cơ quan quản lý cũng còn chưa đủ sức răn đe.

Việc Công ty CP Đầu tư Sản xuất và Thương mại MLM Việt Nam bị Sở Công Thương Hà Nội xử phạt 200 triệu đồng, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trường Giang bị xử phạt 420 triệu đồng, Liên kết Việt bị phạt 570 triệu đồng… là ví dụ.

Số tiền xử phạt hành chính không thấm tháp gì so với lợi nhuận kếch xù gấp vài chục lần mà các doanh nghiệp này có được. 

Theo đại diện của MLMA, những sai phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh đa cấp đang bị xử phạt theo 2 hướng: một là xử phạt hành chính và hai là rút giấy phép, đình chỉ hoạt động một thời gian. Tuy nhiên, “cả 2 biện pháp này đều chưa hiệu quả. Xử phạt hành chính thì quá nhẹ, trong khi việc tước giấy phép kinh doanh lại rất khó thực hiện” - vị đại diện MLMA nói.

Theo vị này, biện pháp hành chính được sử dụng chủ yếu với các sai phạm của doanh nghiệp căn cứ trên báo cáo. Nhưng muốn tước giấy phép, cơ quan quản lý phải căn cứ vào hành vi của doanh nghiệp, mà để nắm được những mánh lới, hoạt động trá hình không hề dễ dàng, nhất là khi người tham gia không có ý định phối hợp.

Được biết, Bộ Công Thương đang xem xét sửa đổi Nghị định 42/2014/NĐ-CP về kinh doanh đa cấp, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.

Hiện tại, Thủ tướng Chính phủ cũng đang lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương về việc tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp để ngăn chặn những biến tướng, gây thiệt hại cho hàng nghìn người của hoạt động này.