Cựu Tổng thống Blaise Compaore bị xét xử vắng mặt sau khi bị lật đổ và chạy ra nước ngoài năm 2014 |
Ông Sankara, một biểu tượng của chủ nghĩa Mác-xít ở châu Phi đã bị bắn hạ cùng với 12 đồng nghiệp ở Thủ đô Ouagadougou của quốc gia Tây Phi. Khi đó, ông Sankara 37 tuổi và nắm quyền sau cuộc đảo chính được 4 năm. Vụ thảm sát trùng hợp với một cuộc đảo chính khác đưa ông Compaore cùng những người bạn thân thiết của ông Sankara lên nắm quyền.
Cựu Tổng thống Compaore, hiện sống ở Bờ Biển Ngà, đã bị xét xử vắng mặt cùng với cựu Giám đốc an ninh Hyacinthe Kafando và ông Gilbert Diendere, một trong những chỉ huy quân đội trong cuộc đảo chính năm 1987. Tổng cộng có 14 người bị buộc tội ám sát ông Sankara trong phiên tòa bắt đầu vào tháng 10-2021. Trong đó, 8 người bị kết tội với một loạt tội danh như đưa ra lời khai gian dối và đồng lõa phá hoại an ninh nhà nước. Ba người được tuyên không có tội, bao gồm cả bác sĩ bị buộc tội giả mạo giấy chứng tử của ông Sankara trong đó xác nhận rằng vị lãnh đạo tử vong vì nguyên nhân tự nhiên.
Trong suốt 27 năm nắm quyền, cựu Tổng thống Compaore đã cố tình ngăn chặn các nỗ lực điều tra về cái chết của người tiền nhiệm, bao gồm cả những lời kêu gọi dai dẳng về việc khai quật khám nghiệm lại hài cốt, làm dấy lên suy đoán về vai trò của ông trong vụ giết người này. Đến năm 2014, ông Compaore bị lật đổ trong một cuộc đảo chính và chạy trốn đến Bờ Biển Ngà. Ngay năm sau, chính phủ chuyển tiếp Burkina Faso đã mở lại cuộc điều tra và vào năm 2016, chính quyền Burkina Faso đã ban hành lệnh bắt giữ quốc tế đối với ông Compaore. Các nhà chức trách của Bờ Biển Ngà đã từ chối yêu cầu dẫn độ đối với người đàn ông 70 tuổi, hiện là công dân nước này.
Ông Sankara lên nắm quyền ở Burkina Faso vào năm 1983 sau một cuộc tranh giành quyền lực nội bộ vào cuối cuộc đảo chính. Ở tuổi 33, ông là một trong những nhà lãnh đạo trẻ nhất trong lịch sử châu Phi hiện đại. Chương trình xã hội chủ nghĩa của ông về quốc hữu hóa, phân chia lại đất đai và phúc lợi xã hội được ca ngợi là có tính chất làm thay đổi bộ mặt của một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Chính phủ của ông Sankara cũng được ghi nhận vì những bước nhảy vọt trong giáo dục và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng như cải cách xã hội nhằm chấm dứt chế độ đa thê.
Nhà lãnh đạo 37 tuổi còn là tấm gương được nhiều nước châu Phi ngưỡng mộ khi chủ trương giành độc lập, tách khỏi chế độ thực dân, quyết định từ chối chương trình hoạt động “France-Afrique” - duy trì ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Pháp ở các thuộc địa cũ - và lập trường chống lại viện trợ từ các tổ chức tài chính phương Tây như Quỹ Tiền tệ quốc tế. Dù có những bước phát triển tiến bộ như vậy nhưng hiện nay Burkina Faso nằm trong tầm ngắm của một cuộc nổi dậy thánh chiến đang hoạt động ở khu vực Sahel rộng lớn hơn và đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo khó tránh khỏi.
Sau phán quyết hôm 6-4, một cộng sự cũ của Sankara tuyên bố: “một trang trong lịch sử của Burkina… vừa được lật lại”. Bà Mariam Sankara, góa phụ của ông Sankara nói rằng công lý đã được thực thi. “Các thẩm phán đã làm tròn trách nhiệm của họ và tôi hài lòng về điều đó. Tất nhiên, tôi ước nghi phạm chính sẽ có mặt ở đây trước các thẩm phán. Không thể chấp nhận được việc giết hại người khác và ngăn chặn quá trình phát triển của một đất nước mà không bị trừng phạt”.