Cựu thủ lĩnh dân quân ở Congo nhận án chung thân vì tội ác chiến tranh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -  Một cựu thủ lĩnh nhóm dân quân ở Congo, Ntabo Ntaberi Sheka vừa bị kết án tù chung thân vì các tội danh như hiếp dâm hàng loạt và tuyển mộ lính trẻ em. Liên hợp quốc cho biết, phán quyết đã mang lại “hy vọng to lớn” cho các nạn nhân.

Ntabo Ntaberi Sheka ra đầu thú năm 2017 sau 6 năm bị truy nã

Ntabo Ntaberi Sheka ra đầu thú năm 2017 sau 6 năm bị truy nã

Một tòa án quân sự ở Congo hôm 23-11 đã kết án cựu lãnh chúa Ntabo Nataberi Sheka án tù chung thân vì các tội ác chiến tranh bao gồm giết người, hãm hiếp hàng loạt, nô lệ tình dục và tuyển dụng lính trẻ em. Các tội ác đã được thực hiện ở tỉnh Bắc Kivu, miền Đông Congo từ năm 2010 đến năm 2014.

Ngoài ra, Sheka và một chỉ huy dân quân khác, Seraphin Zitonda, cũng nhận án chung thân vì tội tổ chức các cuộc đột kích vào lãnh thổ Walikale vào giữa năm 2010, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người nhằm trừng phạt họ vì cáo buộc cộng tác với lực lượng Chính phủ Congo. Nhóm dân quân Tự vệ Congo Nduma (NDC) của Sheka cũng bị cáo buộc đã tuyển mộ ít nhất 154 trẻ em làm chiến binh. Binh lính của ông ta bị cho là đã phá hủy gần 1.000 ngôi nhà và cơ sở kinh doanh đồng thời bắt giữ nhiều phụ nữ và trẻ em gái làm nô lệ tình dục.

Ntabo Ntaberi Sheka, người sáng lập nhóm Tự vệ Congo Nduma đã bị truy nã từ năm 2011 về các tội ác chống lại loài người. Lẩn trốn suốt 6 năm, hắn ta đã tự nộp mình cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc vào năm 2017. Sheka ra đầu thú vì “nhận thức đầy đủ về sự thật rằng ông ta đang bị Chính phủ truy nã… và sẽ phải hầu tòa vì những tội ác bị cáo buộc”, phái bộ Liên hợp quốc cho hay.

Vẫn chưa rõ lý do tại sao nhân vật này lại tự ra đầu thú, nhưng vài năm trước đó, đội quân của ông ta đã thất bại khi bị một nhóm vũ trang đối thủ kìm kẹp, hãng tin Reuters cho biết. Phái bộ Liên hợp quốc cho biết họ sẽ hỗ trợ chính quyền Congo theo đuổi các vụ truy tố hình sự đối với các vi phạm về nhân quyền và có thỏa thuận với Chính phủ để đảm bảo rằng những người được giao cho chính quyền được đối xử theo tất cả các tiêu chuẩn nhân quyền liên quan.

Phiên tòa diễn ra ở thành phố Goma, miền Đông Congo hồi cuối tháng 11-2020 trước đó đã kéo dài gần 1 năm. “Phán quyết này là nguồn hy vọng to lớn cho nhiều nạn nhân của các cuộc xung đột ở Cộng hòa dân chủ Congo: Sự đau khổ của họ đã được lắng nghe và công nhận, và sự trừng phạt là không thể tránh khỏi”, ông Leila Zer nhámui, người đứng đầu lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Congo, cho biết.

Ông Thomas Fessy, nhà nghiên cứu cấp cao người Congo tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết, việc kết tội Sheka là “một bước quan trọng trong cuộc chiến chống lại sự miễn trừ hình phạt và là minh chứng cho thấy nhiều người chấp nhận rủi ro cá nhân để theo đuổi công lý”.

Miền Đông Congo đã phải hứng chịu tình trạng vô số phiến quân có vũ trang nổi lên kể từ sau cuộc diệt chủng ở Rwandan năm 1994. Hàng chục nhóm vũ trang vẫn đang hoạt động ở miền Đông Congo nhiều thập kỷ sau khi cuộc chiến 1998-2003 kết thúc, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.