Cứu sống một cháu bé… "đã chết"

ANTĐ - “Cũng may gia đình quyết tâm đưa cháu lên “tuyến trên” nên thằng cu này mới được ngồi đây cho các bác bế” - đó là lời trần tình của bà Nguyễn Thị Trâm, bà nội của bé Hoàng Tuấn Minh (11 tháng tuổi, ảnh), trú tại thôn Lạc Thị, xã Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội.

Ngấp nghé tử thần

Với bà Trâm, có lẽ sẽ không bao giờ quên được cái ngày 18-9. Đó là ngày mà bà chắc như đinh đóng cột rằng, thần chết sẽ cướp đi đứa cháu đích tôn của bà. Ngồi với chúng tôi, bà hồi tưởng dù đã 3 tháng trôi qua, nhưng mỗi khi nghĩ đến bà vẫn run bắn cả người: “Lúc đó, gia đình chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để đưa cháu “ra đồng”. Huyệt đã đào sẵn, quan tài cũng đã để ngay trước cửa. Thế nhưng, cũng nhờ bố thằng cu (tức anh Hoàng Tuấn Trường) xót con, cứ nhất quyết không rút máy thở. Nó bảo: “Các ông các bà cứ để cháu được sống thêm phút nào hay phút ấy”. Đến lúc bình oxy sắp hết, bố nó cứ nhất quyết bắt mọi người đi mua thêm bình khác chứ không chịu để thằng bé “đi”. Lúc mọi người thay quần áo cho cháu, chúng tôi mới phát hiện dưới cổ chân vẫn còn một chiếc kim truyền dịch mắc lại. Rút kim thì thấy máu tươi ri rỉ chảy ra. Máu còn chảy thì thằng bé chưa thể chết được. Nghĩ vậy nên mọi người quyết định mang cháu đến Viện Nhi, Trung ương cấp cứu…”.

Chị Lục Hoài Thương, mẹ bé Minh thì thuật lại câu chuyện như sau: Sáng 17-9  Minh sốt tới 38 độ C. Thấy cháu quấy và có biểu hiện khó thở, gia đình bèn đưa cháu tới Bệnh viện Đa khoa Thanh Trì gần nhà để khám. Tại đây, thấy cháu có vẻ nặng nên các bác sỹ yêu cầu chuyển lên Bệnh viện Saint Paul cấp cứu. Tới bệnh viện cháu được các bác sỹ khám với chẩn đoán ban đầu là viêm phế quản. Tuy nhiên cho tới đầu giờ chiều cùng ngày, sau khi có các kết quả xét nghiệm, các bác sỹ tại đây nhận định: bé Minh bị viêm cơ tim cấp. Lúc này, bệnh của cháu có chiều hướng xấu đi rất nhanh, các bác sỹ liên tục tiêm cho cháu các loại thuốc. Thế nhưng mọi cố gắng đều vô vọng khi toàn thân bé Minh căng mọng, bụng trướng căng và không thể đi tiểu được cho dù đã sử dụng tới 3 lần thuốc lợi tiểu. Nhịp tim của bé cũng không ổn định, lúc lên tới hơn 200 nhịp/phút và cũng đã có lúc ngừng đập. Chị Thương rùng mình: “Đến 4h chiều thì bác sỹ gặp riêng vợ chồng em và cho biết, bệnh tình của cháu rất nặng, khó có thể qua khỏi. Gia đình nên xác định tư tưởng… Lúc đó em thực sự hoảng sợ”.

Đêm 17-9 là một đêm dài  với cả gia đình chị Thương. Suốt đêm hôm đó, bé Minh luôn trong tình trạng có thể “ra đi” bất cứ lúc nào. Tới 8h sáng 18-9, khi thấy các bác sỹ ở đây đã thực sự bó tay, gia đình chị Thương đã đề nghị với bệnh viện Saint Paul cho cháu được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Tuy nhiên các bác sỹ lại từ chối với lý do, cháu quá yếu. 

Chết hụt

1 tuần nằm tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Trung ương, bé Minh dần hồi phục. Cũng với chẩn đoán viêm cơ tim do virus, sau khi đã thoát khỏi tử thần, bé Minh được chuyển tới Khoa Tim mạch và gần 2 tháng sau bé chính thức xuất viện. Trao đổi với chúng tôi về ca cấp cứu hy hữu này, bác sỹ, Tiến sỹ Tạ Anh Tuấn - Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Lúc tiếp nhận bé Minh tôi cũng xác định rõ với gia đình là khả năng sinh tồn của cháu chỉ còn chưa tới 1%. Tuy nhiên chúng tôi cũng sẽ cố hết sức. Qua hỏi bệnh sử của cháu bé cùng với kinh nghiệm, Khoa Hồi sức cấp cứu quyết định tiến hành lọc máu cho cháu bé. Đây là biện pháp mà theo quan điểm của chúng tôi từ khi tiến hành điều trị bệnh chân tay miệng và một số ca viêm cơ tim khác thì nó sẽ giúp cho cơ thể của cháu cải thiện khả năng trao đổi dịch và đào thải các độc tố. Cho tới ngày 19-9, bệnh tình của cháu vẫn rất xấu. Tai, mũi, miệng… liên tục xuất huyết. Thế nhưng có một tín hiệu khả quan là bé Minh đã đi tiểu được, cơ thể bớt phù nề. Tới ngày 21-9 thì đã có tia hy vọng khi bé đã có thể thoát ly máy, tự thở và có thể uống được sữa”.

Trả lời câu hỏi: Tại sao trong khi vẫn còn biện pháp để cứu bé Minh thay vì trả về gia đình mà Bệnh viện Saint Paul lại không tiến hành? Bác sỹ Tuấn nhận định: “Cách điều trị của Bệnh viện Saint Paul và Bệnh viện Nhi Trung ương cơ bản là giống nhau. Chỉ khác ở chỗ sau khi áp dụng tất cả các biện pháp thì Bệnh viện Nhi Trung ương áp dụng thêm cách lọc máu. Đây chính là mấu chốt cơ bản để cứu sống cháu bé. Tuy nhiên Bệnh viện Saint Paul là tuyến dưới, họ thực hiện điều trị căn bệnh theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Mà đối với viêm cơ tim thì phác đồ hiện nay không có việc lọc máu”. 

“Thực ra, đây là một ca rất khó, cá nhân tôi cũng cho rằng cháu bé sống được là một sự thần kỳ. Có lẽ đây cũng là một kinh nghiệm quý báu cho các bác sỹ khi có một ca bệnh tương tự” - bác sỹ Tuấn cho biết.

Bác sỹ Nguyễn Trung Thành, Trưởng Khoa Hồi sức nhi, Bệnh viện Saint Paul: “Chúng tôi đã chẩn đoán đúng bệnh của cháu Minh, đã điều trị rất tích cực và đúng phác đồ của Bộ Y tế đưa ra. Việc cháu bé được đưa về là do gia đình ký vào đơn xin về. Chúng tôi đồng ý vì dựa trên thực trạng bệnh tình thì trường hợp cháu Minh gần như không còn khả năng cứu chữa. Cháu bé đã 3 lần tim ngừng đập, chúng tôi đã cứu được nhưng sau đó cháu lại rơi vào tình trạng quá xấu. Nói thật, cháu Minh sống được là trường hợp hy hữu. 30 năm trong nghề tôi chưa từng gặp trường hợp nào tương tự”.