Cứu lấy hành tinh

ANTĐ - Trong nỗ lực ngăn chặn nạn chặt phá rừng tràn lan trên thế giới, “gã khổng lồ” trong lĩnh vực tìm kiếm thông tin Google đã ra mắt một trang thông tin điện tử cho phép các nhà khoa học và bảo vệ môi trường sử dụng Internet để giám sát các khu rừng trên Trái đất.

Quang cảnh rừng ở Nepal bị tàn phá

Trước đó, hồi tháng 11-2013, Google đã cho ra mắt bản đồ diện tích rừng trên Trái đất, tiền đề của công cụ nói trên. Thông qua tấm bản đồ mới, mọi quốc gia có thể tiếp cận một bộ dữ liệu đồ sộ bao gồm những thông tin liên quan tới những vấn đề nghiêm trọng về môi trường như nguyên nhân làm thay đổi mật độ rừng; tình trạng của các khu rừng tự nhiên trên thế giới; những mối đe dọa đến từ việc thay đổi diện tích rừng; ảnh hưởng từ những nỗ lực ngăn chặn mất rừng...

Rừng hiện bao phủ hơn 30% diện tích Trái đất, và tình trạng phá rừng trên quy mô toàn cầu đã đến mức báo động. Số liệu thống kê của Google và Đại học Maryland (Mỹ) cho thấy trong khoảng thời gian từ năm 2000 - 2012, có 2,3 triệu km2 rừng trên Trái đất đã biến mất, gần bằng diện tích của Argentina, trong khi chỉ có 0,8 triệu km2 được phủ xanh trở lại. Đi vào cụ thể, Indonesia là nước có tốc độ mất rừng nhanh nhất, tăng hơn 50% lên tới 20.000km2/năm vào thời điểm năm 2011. Tuy nhiên, Brazil lại là quốc gia có diện tích rừng mất đi hàng năm lớn nhất, giảm tới 50% từ mức 40.000km2 của năm 2002 xuống còn 20.000km2 vào năm 2010.

Ai cũng biết rừng thực hiện nhiều chức năng, cung cấp các dịch vụ thiết yếu và duy trì sự sống trên hành tinh. Rừng là hệ sinh thái có giá trị đa dạng lớn nhất và là nơi sinh sống của hơn một nửa các loài động vật, thực vật và côn trùng trên cạn. Rừng đóng vai trò quan trọng trong việc tích trữ nước cho các dòng sông, là nguồn cung cấp nước cho gần 50% các thành phố lớn nhất thế giới. Rừng tạo ra và duy trì độ phì nhiêu cho đất; giúp điều chỉnh tác động tiêu cực của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ và hạn hán…Quan trọng hơn, rừng tạo kế sinh nhai cho 1,6 tỷ người trên Trái đất. 

Những giá trị của rừng đối với cuộc sống là rất to lớn. Tuy nhiên, bất chấp những lợi ích vô giá của rừng về kinh tế, xã hội, sinh thái và sức khỏe, con người vẫn đang tàn phá rất nhiều các khu rừng, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Nạn chặt phá rừng bừa bãi được cho là một trong những thủ phạm chính làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu. Diện tích rừng bị mất hàng năm đã làm gia tăng 6 tỷ tấn CO2 gây hiệu ứng nhà kính, gấp 3,6 lần lượng khí thải do các nhà máy điện và các nhà máy công nghiệp của Liên minh châu Âu thải vào khí quyển năm 2010.

Sẽ là quá muộn nếu thế giới không chung tay ngăn chặn nạn phá rừng. Chúng ta cần bắt đầu xây dựng một cuộc sống xanh trong tương lai, mà ở đó những cánh rừng là trọng tâm của sự phát triển bền vững và các nền kinh tế xanh. Để đáp ứng mục tiêu này, thế giới cần đầu tư từ 17-33 tỷ USD mỗi năm để trồng rừng và khôi phục các diện tích rừng bị mất. 

Cũng cần thấy rằng việc bảo tồn và phát triển rừng là một cơ hội kinh doanh. Khi chúng ta đầu tư 30 triệu đô la cho việc chống phá rừng và suy thoái rừng thì chúng ta có thể nhận được 2,5 tỷ đô la từ các sản phẩm và dịch vụ mà nó mang lại. Hơn nữa, việc đầu tư vào lâm nghiệp có thể tạo ra hơn 10 triệu việc làm trên toàn thế giới. Rừng đã thể hiện một cách rõ ràng và mạnh mẽ vai trò không thể thay thế trong cuộc sống của chúng ta. Vì thế, chúng ta không thể cho rằng, rừng chỉ đơn thuần là những cái cây.