Cuộc chiến tin tặc Mỹ-Trung

ANTĐ - Cuộc chiến tin tặc giữa Mỹ và Trung Quốc lại nóng lên sau khi tờ Thời báo New York đưa tin các tin tặc Trung Quốc hồi tháng 3 vừa qua đã xâm nhập mạng lưới máy tính của cơ quan chính phủ Mỹ và tấn công kho lưu trữ thông tin cá nhân của toàn bộ nhân viên liên bang.

Nhiều loại vũ khí mới của Trung Quốc bị coi là đánh cắp công nghệ của Mỹ

Cũng theo tờ Thời báo New York, hoạt động tin tặc từ Trung Quốc đã đạt đến đủ mọi cấp độ, từ ăn trộm dữ liệu của các tập đoàn, cơ quan chính phủ nước ngoài, theo dõi đối thủ cạnh tranh, đến đánh cắp bí mật doanh nghiệp… Nếu như nhóm tin tặc SamuraiPanda tấn công các công ty hóa chất, ngân hàng, công ty công nghệ không gian, thì nhóm AnchorPanda nhằm vào các mục tiêu hàng hải. Còn nhóm NumberedPanda lại tìm kiếm thông tin tình báo nhạy cảm…

Thậm chí tờ Bưu điện Washington còn cảnh báo tin tặc Trung Quốc đã “chọc thủng” một số kho thông tin vũ khí của Mỹ có chứa các mẫu thiết kế vũ khí hiện đại. Trong số các hệ thống bị tấn công có những hệ thống chứa thông tin về mẫu thiết kế của hơn 20 hệ thống vũ khí quan trọng dành cho các tàu chiến, máy bay chiến đấu và hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Các nhà thầu quân sự lớn có mẫu thiết kế bị đánh cắp gồm Boeing, Lockheed Martin, Raytheon và Northrop Grumman.

Giờ đây với Washington, hoạt động của tin tặc Trung Quốc nhằm đánh cắp bí mật công nghệ đã trở thành một trong những mối đe dọa lớn đối với an ninh và kinh tế của nước này. Thực tế cho thấy, những thông tin ăn cắp được đã giúp cho các công ty Trung Quốc phát triển và góp phần đẩy Trung Quốc lên vị trí hàng đầu thế giới về công nghệ. Nhiều mẫu mã máy bay, tàu và vũ khí quân sự của Trung Quốc gần đây mang nhiều dáng vẻ rập khuôn mẫu của Mỹ, cho thấy hệ thống mạng của chính phủ Mỹ đã bị tấn công và chọc thủng.

Chính vì thế không có gì ngạc nhiên khi tin tặc đã trở thành ngòi nổ trong quan hệ Mỹ - Trung. Điển hình như hồi tháng 5 vừa rồi, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc 5 người trong một nhóm “tin tặc quốc doanh” xâm nhập trái phép mạng vi tính những công ty lớn của Mỹ như US Steel, Alcoa, Westinghouse, SloarWorld AG… để ăn cắp bí mật thương mại. Gọi là quốc doanh vì 5 người này thuộc một đơn vị trong quân đội Trung Quốc, một phân ban đặc biệt với nhiệm vụ tin tặc. Hiện Trung Quốc có hàng chục đơn vị tương tự như vậy.

Cùng với đó,  việc tin tặc Trung Quốc giành quyền truy cập vào một số cơ sở dữ liệu Văn phòng quản lý nhân sự Mỹ (OPM), nơi lưu trữ hồ sơ của hàng chục nghìn nhân viên từng ứng tuyển vào các cơ quan an ninh tối mật Mỹ, an ninh mạng của Mỹ đang bị đe dọa nghiêm trọng. Cuộc tấn công vào OPM được Washinton đặc biệt chú ý bởi tin tặc rất hiếm khi có thể xâm nhập thành công vào các máy chủ chính phủ Mỹ.

Dù chưa xác định chính xác nhóm tin tặc đột nhập OPM có liên quan đến chính quyền Trung Quốc hay không nhưng tin tặc đã trở thành chủ đề nóng trong cuộc Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung vừa diễn ra tại Bắc Kinh với sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. Ngay giữa Đại lễ đường nhân dân Trung Hoa, ông John Kerry lớn tiếng tuyên bố: “Các vụ việc đánh cắp qua mạng đã gây hại cho doanh nghiệp của chúng tôi, và đe dọa mức độ cạnh tranh của đất nước tôi”. Đối với Mỹ, cuộc chiến chống tin tặc đã trở thành một trong những mặt trận chính trong nỗ lực bảo vệ an ninh quốc gia trong thế kỷ 21.