"Cuộc chiến" không cân sức

ANTĐ - Cuộc “tấn công” giấy phép “con”, điều kiện kinh doanh, nhất là cơ chế xin - cho bám rễ dai dẳng hàng chục năm nay chắc chắn sẽ còn diễn ra gay go, quyết liệt mặc dù quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ là rất lớn.

Để tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành phải ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành hai luật trên theo quy trình rút gọn (dùng một nghị định sửa nhiều nghị định), kiên quyết xong trước ngày 1-7.

Đây là một quyết định rất cứng rắn nhằm tấn công trực diện vào cơ chế xin - cho mà chính các bộ, ngành đã “đẻ” ra trong nhiều năm qua gây khó khăn chồng chất cho môi trường kinh doanh.

Không phải ngẫu nhiên mà nguyên Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư được ca ngợi là bộ trưởng cải cách khi ông đã thuyết phục được Quốc hội và Chính phủ thông qua một điều khoản rất quan trọng trong Luật Đầu tư. Đó là các điều kiện đầu tư, kinh doanh đã được ban hành trước ngày 1-7-2015 dưới hình thức thông tư, quyết định sẽ hết hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016.

Điều này có nghĩa, điều kiện kinh doanh sẽ chỉ được gói gọn từ văn bản pháp luật cấp nghị định của Chính phủ, thay vì tràn lan ở các cấp bộ, ngành và địa phương.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, đây là một “cuộc chiến không cân sức”, bởi điều kiện kinh doanh đã “nở rộ” lên tới 6.000 - 7.000 giấy phép “con” hiện nay, sau khi vài trăm điều kiện kinh doanh đã được cắt bỏ cách đây hơn chục năm qua. Thậm chí, gần đây, một số bộ vẫn đang soạn thảo, ban hành các thông tư, trong đó có quy định về điều kiện kinh doanh.

Trên thực tế, nhiều điều kiện đầu tư, kinh doanh vẫn được ban hành trái thẩm quyền hoặc hết hiệu lực nhưng vẫn được áp dụng. Tình hình nghiêm trọng đến nỗi, Bộ Kế hoạch - Đầu tư phải ra một văn bản nhằm  thống nhất cách hiểu về khái niệm “điều kiện đầu tư, kinh doanh”.

Song, những nỗ lực của bộ này không được sự hợp tác của các bộ trong suốt thời gian qua. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã nói thẳng rằng, phải mất cả tháng mới đặt được lịch làm việc với các bộ để rà lại điều kiện kinh doanh. Thế nhưng, khi đến làm việc thì thứ trưởng các bộ cáo bận vào phút chót, chỉ cử cán bộ cấp vụ làm việc nên không thống nhất được.

Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư tỏ ra dè dặt khi cảnh báo, có thể đến ngày 1-7 tới đây, phần lớn các nghị định cần thiết vẫn chưa được ban hành hoặc đã ban hành nhưng chưa có hiệu lực.

Vì vậy các bộ phải tập hợp các quy định về điều kiện kinh doanh được ban hành trái thẩm quyền hoặc không phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ trước ngày 30-9. Thế nên người dân, doanh nghiệp cũng chưa thể mừng ngay.