Cũng nên nhìn từ hai phía

ANTĐ - Sau khi Báo ANTĐ và nhiều cơ quan báo chí khác thông tin về việc Hải quan Thái Lan quy định khách du lịch Việt Nam phải xuất trình tiền mặt khi làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu đường bộ giữa Campuchia và Thái Lan, nhiều bạn đọc cũng đã phản hồi và nói lên suy nghĩ, đánh giá của mình. Đáng nói là, dù phản đối việc làm thiếu thiện chí của phía Thái Lan, nhưng không phải ý kiến nào cũng “bênh” người Việt. 

Một số công ty lữ hành cho biết lượng du khách Việt đến Thái Lan đã giảm trong mấy ngày qua

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt (TP.HCM): Cần nâng tính tự tôn dân tộc

Việc Hải quan Thái Lan không chấp nhận các loại thẻ, bắt buộc du khách người Việt phải xòe 700USD, giơ tiền lên ngang mặt để chụp ảnh lưu lại trước mắt cả trăm du khách chờ nhập cảnh, là hình ảnh không mấy thiện cảm, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của đất nước giàu truyền thống văn hóa như Thái Lan. Tuy nhiên khi nói bạn chưa văn hóa, ta cũng phải nhìn lại mình. Chính chúng ta cần nâng tính tự tôn dân tộc. Vẫn còn du khách Việt khi ra nước ngoài vứt rác bừa bãi, lấy đồ ăn rất nhiều nhưng không ăn hết, trộm đồ trong siêu thị… Chúng ta cần lên tiếng mạnh mẽ để bài trừ những thói xấu thiếu văn minh. Bên cạnh đó, du lịch là cách tìm về những nét riêng độc đáo, tiềm ẩn văn hóa của một dân tộc, một đất nước. Vì sao, Việt Nam có nhiều tài nguyên du lịch: văn hóa, biển, địa sinh thái đa dạng, phong phú, thích hợp với các loại hình du lịch mạo hiểm, chữa bệnh… nhưng ta chưa làm cho đồng bào ta cảm thấy thích thú, phải sang những nước không hơn gì chúng ta như Thái Lan, Campuchia, Singapore… để khám phá, nghỉ dưỡng. Thiên nhiên và văn hóa của người Việt quá đẹp, song chính ngành du lịch chưa tạo được sức bứt phá và chưa nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn. Phải thay đổi để vừa làm giàu cho nước mình, vừa quảng bá hình ảnh đất nước thân thiện, mến khách và hòa bình. Đó chính là nội lực văn hóa cho những giá trị du lịch bền vững.

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng tròn Việt (TP.HCM): Du khách Việt có thể tẩy chay

Hàng năm có gần 500.000 du khách Việt Nam tới Thái Lan, đóng góp một lượng lớn ngoại tệ cho nước này, ở nhiều trung tâm mua sắm còn có nhân viên nói tiếng Việt để phục vụ du khách Việt. Thế nhưng, những hành động của Hải quan Thái Lan vừa qua là một hành động phản văn hóa, một hình ảnh không đẹp cho ngành du lịch Thái Lan. Công ty tôi sẽ hủy một số chương trình tour đưa du khách Việt Nam sang tham quan Thái Lan và đã thông báo cho các điểm tham quan nước bạn cũng như cho du khách được biết. Sự việc này là danh dự, là thể diện của ngành du lịch, của đất nước. Vì vậy tôi đề nghị cơ quan chức năng Việt Nam nên vào cuộc, yêu cầu phía Thái Lan gỡ bỏ chữ Việt Nam trên tấm bảng ở cửa khẩu Aranyaprathet, bỏ quy định có tính miệt thị chụp ảnh người Việt cầm tiền đưa lên ngang mặt. Nếu phía Thái Lan vẫn giữ quy định này, khách Việt cần khởi động phong trào tẩy chay du lịch Thái Lan.

Cô  giáo Hoàng Thị Oanh (trường Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp - TP.HCM): Khi đã đi du lịch, không thể không có 700 USD

Khi đọc được những thông tin trên báo chí trong nước phản ánh hình ảnh thiếu văn hóa của Hải quan Thái Lan, tôi rất phẫn nộ. Người Việt Nam có câu “Đói cho sạch, rách cho thơm”, người Việt Nam trong cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng không vì khó khăn mà không đi du lịch. Mà khi đã đi du lịch thì không thể không có 700USD. Cũng có trường hợp nhiều người ham mê cờ bạc sợ sang Campuchia đánh bạc bị cướp nên đi đường bộ sang Thái Lan dạng du lịch, vừa đi chơi lại dễ kiếm tiền hơn, nên họ thường chỉ mang vài trăm USD, có thể người Thái có hành động ngăn chặn... Nhưng dù thế nào, hành động miệt thị như thế, không thể chấp nhận được. Một dân tộc, đất nước muốn phát triển thì phải cởi mở với các dân tộc khác. 

Thái Lan thừa nhận và chấn chỉnh sai sót của cửa khẩu Aranyapathet

Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao Việt Nam) vừa nhận được công hàm 57001/292 của Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội trả lời về việc công dân Việt Nam bị phân biệt đối xử khi làm thủ tục nhập cảnh. Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đồng thời cử tổ công tác đến làm việc với Sở Xuất nhập cảnh tỉnh Sakaeo, cơ quan cấp trên của cửa khẩu Aranyapathet nơi công dân Việt Nam bị kiểm soát. 

Cơ quan chức năng Thái Lan thừa nhận sai sót của cửa khẩu Aranyapathet, cụ thể là thái độ thiếu lịch sự của một số nhân viên cửa khẩu cũng như việc đặt bảng thông báo công dân một số nước (trong đó có Việt Nam) có thể bị thẩm vấn là phản cảm, gây dư luận xấu. Các cơ quan chức năng Thái Lan cũng cho biết, theo quy định pháp luật của Thái Lan trong đó có Thông báo của Bộ Nội vụ ngày 8-5-2000 các cơ quan chức năng Thái Lan yêu cầu khách du lịch nước ngoài không phân biệt quốc tịch phải đáp ứng yêu cầu chứng minh tài chính. Đối với người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực du lịch phải có tiền hoặc tài chính tương đương 20.000 baht (tương đương 600USD). 

Sở Xuất nhập cảnh Sakaeo khẳng định với cán bộ ngoại giao của Việt Nam rằng, Sở sẽ yêu cầu cửa khẩu Aranyapathet nghiêm túc chấn chỉnh thái độ làm việc, gỡ bỏ ngay bản thông báo nói trên thay bằng văn bản thông báo của Bộ Nội vụ Thái Lan ngày 

8-5-2000, đồng thời chấm dứt ngay việc chụp ảnh khách cùng tiền mặt và cho phép khách du lịch được xuất trình thẻ tín dụng thay cho tiền mặt.