Cúm H7N9 là dịch bệnh nguy hiểm nhóm A

ANTĐ - Thông tin này được ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội thông báo tại buổi tập huấn cho 5 đội cơ động chống dịch của Hà Nội chiều 10-4. Theo đó, Bộ Y tế đã xếp cúm A/H7N9 là dịch nguy hiểm nhóm A cùng với cúm A/H5N1, đây là những bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh, phát tán rộng, tỉ lệ tử vong cao.
Cúm H7N9 là dịch bệnh nguy hiểm nhóm A ảnh 1
Phòng xét nghiệm virus cúm tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương


Virus có đột biến gene

GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, virus cúm A/H7N9 xảy ra ở Trung Quốc vừa qua là virus mới, hoàn toàn khác với virus A/H7N9 lưu hành trước đây ở gia cầm. Đồng thời các chuyên gia cũng đã phát hiện thấy virus này có đột biến gene làm tăng khả năng thích nghi và phát triển trên tế bào đường hô hấp của động vật máu nóng và ở người. Xét nghiệm ở gia cầm chưa phát hiện được virus A/H7N9 mới này, trừ việc phát hiện được ở chim bồ câu tại chợ ở Thượng Hải (Trung Quốc). Cũng theo ông Hiển, mặc dù hiện chưa có vaccine phòng virus này, nhưng các kết quả xét nghiệm cho thấy virus cúm A/H7N9 vẫn nhạy cảm với các thuốc ức chế men neuramidaza (oseltamivir and zanamivir). Do đó, Tamiflu vẫn đáp ứng trong điều trị.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc TTYTDP Hà Nội cho biết, do được Bộ Y tế xếp là dịch bệnh nguy hiểm nhóm A nên các ca nghi nhiễm virus cúm này sẽ được điều trị cách ly nghiêm ngặt, có đầy đủ phương tiện phòng hộ theo tiêu chuẩn của bệnh tối nguy hiểm. Ngoài ra, tại cửa khẩu sân bay Nội Bài, hiện Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế cũng đã bố trí 2 máy đo thân nhiệt hồng ngoại và 2 phòng cách ly đặt tại sân bay, tất cả khách nhập cảnh đều được tiến hành đo thân nhiệt qua máy đo thân nhiệt tự động. Trong trường hợp phát hiện khách qua cửa khẩu có sốt hoặc có biểu hiện cúm, nhân viên y tế sẽ khám sàng lọc, cách ly những trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm A/H7N9 hoặc cúm A/H5N1 sẽ vận chuyển bệnh nhân đến các BV được quy định để điều trị. 

Đã có phác đồ điều trị 

Ngày 10-4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã ký Quyết định Ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A/H7N9 ở người để áp dụng cho các cơ sở điều trị và Sở Y tế các tỉnh, thành. Theo đó, sẽ thực hiện việc xét nghiệm, chẩn đoán các ca cúm A/H7N9 đối với những người có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp, bao gồm: sốt, ho, khó thở, có tổn thương nhu mô phổi (viêm phổi hoặc hội chứng suy hô hấp cấp, tiến triển nhanh dựa trên lâm sàng hoặc hình ảnh Xquang); không tìm được bằng chứng nhiễm trùng do các căn nguyên khác gây viêm phổi; có tiền sử đi vào vùng dịch tễ hoặc sống trong vùng dịch tễ có ca bệnh cúm A/H7N9; tiếp xúc với gia cầm và chim bị bệnh; tiếp xúc với người nghi ngờ bị bệnh. Ngoài ra, Hướng dẫn cũng quy định rõ phác đồ điều trị bằng thuốc kháng virus, điều trị suy hô hấp ở 3 mức (nhẹ, trung bình và nặng), điều trị suy đa phủ tạng và điều trị hỗ trợ. 

Tại Hà Nội, Sở Y tế thành phố cũng vừa hướng dẫn các BV trực thuộc sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân cúm A/H7N9 theo phác đồ mà Bộ Y tế ban hành. BV Đống Đa sẽ là BV đầu ngành của Hà Nội điều trị các bệnh truyền nhiễm, trong đó có cúm A/H7N9. Bên cạnh đó, trong ngày 10-4, Sở Y tế, TTYTDP Hà Nội cũng đã quyết định thành lập và tập huấn cho 5 đội cơ động phòng chống dịch cúm A/H7N9 của thành phố. Các đội cơ động này sẽ túc trực 24/24 giờ, khi có thông tin về một ổ dịch nào đó thì chậm nhất 30 phút kể từ khi nhận lệnh các thành viên phải lên đường đến xử lý các ổ dịch.

Hà Nội quyết liệt phòng chống cúm A /H7N9

Chiều 10-4, UBND TP Hà Nội đã có công điện yêu cầu triển khai phòng chống dịch cúm A/H7N9 trên người. Theo đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu siết chặt kiểm tra, giám sát nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm. Cần đẩy mạnh các hoạt động quản lý mua bán gia cầm, hạn chế tối đa việc lưu thông gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường. Phải giám sát chặt chẽ để phát hiện sớm các ổ dịch cúm gia cầm, trong đó có nguyên nhân từ cúm A/ H7N9 kịp thời thông báo cho ngành y tế khi có dịch trên gia cầm và thực hiện xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế lây lan. TP yêu cầu Sở Y tế giám sát nhằm phát hiện các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng; phối hợp với các cơ quan liên quan tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài giám sát chặt tất cả hành khách, phương tiện, hàng hóa nhập cảnh, nhập khẩu. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ, phải tổ chức khám sàng lọc cách ly và triển khai biện pháp hạn chế lây lan.