"Cửa hẹp" cho doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng của Samsung, Panasonic?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển chuỗi giá trị bền vững” diễn ra ngày 24-7 có sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam, song đáng chú ý, chỉ có 2 doanh nghiệp trong số này đã tham gia được vào chuỗi cung ứng của Samsung và Panasonic.

"Cửa hẹp" cho doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng của Samsung, Panasonic? ảnh 1

Còn "cửa" cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Công ty đa quốc gia muốn tìm kiếm đối tác tại Việt Nam

Tình trạng doanh nghiệp Việt Nam khó “chen chân” để trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia đang có mặt tại Việt Nam đã diễn ra nhiều năm song mức độ cải thiện rất thấp.

Tại hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển chuỗi giá trị bền vững” vừa diễn ra, dù tại hội trường có hàng trăm doanh nghiệp tham gia, nhưng theo ban tổ chức, chỉ có 2 doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi cung ứng của Samsung và Panasonic.

Con số này lần nữa cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu còn quá ít.

Bà Đào Thị Thu Huyền- Quản lý cấp cao của Canon Việt Nam cho biết, công ty đa quốc gia này có 340 nhà cung cấp trên toàn cầu, trong đó tại Việt Nam có 147 nhà cung cấp. Trong số này có 20 nhà cung cấp thuần Việt Nam.

“Con số này chưa tăng lên trong mấy năm qua. Canon đã nội địa hóa 65% nhưng phần lớn lại “rơi” vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Canon hiện có 59 hạng mục cần nội địa hoá tại Việt Nam.

Công ty luôn đăng tải công khai thông tin trên website, các nhà cung cấp Việt Nam hiện nay chỉ dừng lại ở linh kiện nhựa và một số linh kiện đơn giản. Qua sự kiện này, chúng tôi hy vọng tìm được những nhà cung cấp mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Canon”- bà Đào Thị Thu Huyền nói.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn- Trưởng phòng Hỗ trợ chiến lược, Tổ hợp Samsung Việt Nam, Samsung cởi mở và có môi trường cạnh tranh bình đẳng dành cho các đối tác. Tính cạnh tranh của doanh nghiệp là giá thành và chất lượng sản phẩm. Song theo ông Nguyễn Anh Tuấn, việc thay đổi dây chuyền, công nghệ là một trong những thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Khi đã xác định cung ứng linh kiện điện tử cho Samsung thì chúng ta chúng ta phải từ thay đổi tư duy và nâng cao năng lực sản xuất của mình”- ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Tình trạng doanh nghiệp Việt Nam khó tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu không chỉ diễn ra với trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử mà còn ở nhiều lĩnh vực khác như: ô tô, xe máy, dệt may, nông nghiệp... 

E dè sẽ cản trở thành công

Thừa nhận mức độ tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế, Bộ trưởng Bộ KH- ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, có 2 nguyên nhân lớn dẫn tới điều này.

Một là, các doanh nghiệp FDI thường có sẵn hệ sinh thái, chuỗi khép kín nên doanh nghiệp Việt Nam khó “chen chân”. Hai là bản thân các doanh nghiệp Việt Nam quy mô nhỏ bé, nguồn lực hạn chế nên khó đáp ứng yêu cầu khắt khe của các khách hàng lớn.

Đặc biệt, “đôi lúc doanh nghiệp còn tâm lý e dè, chưa dám chấp nhận rủi ro để đầu tư nâng cấp tiêu chuẩn nên chưa thể có những bước đi đột phá”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Dù đã trở thành một “mắt xích” trong chuỗi cung ứng của Panasonic, song ông Lê Cảnh Dương- Tổng giám đốc công ty VPMS thừa nhận, khi gặp các đơn hàng lớn của các tập đoàn lớn, doanh nghiệp Việt Nam thường e dè. Doanh nghiệp sẽ phải bình tĩnh để xử lý từng bước các yêu cầu của bên mua hàng.

Bà Hoàng Thu Thủy- Phó Tổng giám đốc bộ phận mua hàng toàn cầu, Panasonic Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp FDI rất tích cực và muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, tiêu chuẩn lựa chọn đối tác của công ty cũng rõ ràng, chỉ cần doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được, tự tin chứng minh cho nhà mua hàng thấy được khả năng của mình thì có thể tham gia vào chuỗi.

Doanh thu tăng trưởng 200% trong dịch Covid-19

Thân Văn Hùng- Chủ tịch Công ty Tập đoàn VISIMEX: “Chúng tôi thấy rằng chuỗi cung ứng là rất tốt, rất hiệu quả. Công ty chúng tôi chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu (nông sản) là chính, chúng tôi tự lớn, tự hoàn thiện mình để có thích nghi được với nhu cầu của các đối tác.

Trong giai đoạn covid-19 chúng tôi vẫn tăng trưởng 200%, xây dựng được những vùng nguyên liệu hữu cơ, chất lượng cao, khi dịch xảy ra các thị trường có nhu cầu về nguyên liệu chất lượng cao nên hoạt động kinh doanh của công ty khá tốt. Hàng thành phẩm, hàng giá trị cao đem lại sự ổn định cho doanh nghiệp”.