Cú phản đòn của cựu Tổng thống Brazil?

ANTĐ - Chủ tịch Hạ viện Brazil Eduardo Cunha, người đi đầu trong kế hoạch phế truất nữ Tổng thống Dilma Rousseff, đã từ chức bởi cáo buộc tham nhũng và rửa tiền. Phải chăng đây là kết quả  đòn phản kích của bà D. Rousseff? 

Cú phản đòn của cựu Tổng thống Brazil? ảnh 1Chủ tịch Hạ viện Brazil E. Cunha đã phải từ chức vì cáo buộc tham nhũng và rửa tiền

Ông E. Cunha đã bị Tòa án Tối cao Brazil đình chỉ chức vụ từ đầu tháng 5 do các cáo buộc tham nhũng trong vụ bê bối khổng lồ của Tập đoàn dầu khí Petrobras. Là một trong những thủ lĩnh của đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB) của Tổng thống lâm thời M. Temer, ông E. Cunha đã buộc phải ra đi trước sức ép của các chính trị gia Brazil. Hiện tại, ông E. Cunha đang tìm cách nhằm không để mất chức nghị sĩ, bởi muốn dùng quyền miễn trừ của các thành viên Quốc hội để tránh bị bắt giam. 

Trở lại với vụ bê bối Petrobras, vụ việc bị phanh phui từ tháng 3-2014 và ngay lập tức nó đã gây cơn địa chấn trên chính trường Brazil. Theo tiết lộ của cảnh sát, hơn 100 cá nhân chính thức bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil. Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có nhiều nghị sĩ và thống đốc bang, nằm trong diện bị điều tra. Theo cảnh sát, đường dây này đã dùng khoảng 4 tỷ USD hối lộ hàng loạt chính trị gia và quan chức lãnh đạo Petrobras. 

Trong vụ bê bối Petrobras, đảng Phong trào dân chủ Brazil của Tổng thống lâm thời                 M. Temer có nhiều thành viên bị dính líu nhất. Ngay bản thân ông M. Temer cũng bị tố cáo là trong thời gian diễn ra chiến dịch tranh cử năm 2014 đã nhận tiền tham ô trong vụ bê bối của Petrobras. Còn với ông E. Cunha, cơ quan điều tra đã phát hiện 5 tài khoản của ông và người thân tại ngân hàng Thụy Sĩ, trong đó có nhiều khoản thu bất chính. Hiện nhà chức trách Thụy Sĩ đã phong tỏa những tài khoản trên, có tổng giá trị khoảng 5 triệu USD.

Diễn biến của vụ bê bối Petrobras sẽ không có gì bất ngờ nếu như không có cuộc “đảo chính” chống lại bà D. Rousseff, người kiên quyết theo đuổi đến cùng vụ bê bối này. Đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB) của ông M. Temer đã tố cáo bà D. Rousseff thường xuyên chậm thanh toán các khoản vay của Ngân hàng Brazil, Kho bạc liên bang, Ngân hàng Phát triển kinh tế và Xã hội (BNDES) và đã dùng số tiền đó tài trợ cho các chương trình xã hội trong năm bầu cử 2014, nhằm che đậy tình trạng thâm hụt ngân sách cao. Với lời tố cáo này, bà D. Rousseff đã bị lưỡng viện Quốc hội đình chỉ chức vụ để xem xét khả năng đưa bà này ra xét xử và phế truất. 

Tưởng đã giành được ưu thế nhưng phe của ông M. Temer đã bất ngờ gặp trở ngại khi các đoạn băng video được báo chí Brazil đăng tải cho thấy dường như âm mưu lật đổ Tổng thống D. Rousseff là nhằm ngăn cản quá trình điều tra vụ Petrobras. Chưa hết, hôm 27-6 vừa rồi, báo cáo điều tra của Thượng viện Brazil khẳng định không có bằng chứng cho thấy bà D. Rousseff, người đang bị bãi miễn chức Tổng thống, có liên quan tới cáo buộc vi phạm tài chính. Báo cáo khẳng định bà D. Rousseff đã ký vay tiền của các ngân hàng nhà nước mà không được Quốc hội thông qua, tuy nhiên bà không hề liên quan tới việc chậm trễ trong thanh toán các khoản vay tín dụng như cáo buộc của phe đối lập, lý do khiến bà bị bãi miễn chức vụ.

Với việc ông E. Cunha, nhân vật thân tín với Tổng thống lâm thời M. Temer, bị đình chỉ chức vụ vì dính líu đến tham nhũng trong vụ Petrobras và bản thân ông M. Temer cũng đang bị công kích mạnh với cáo buộc tham nhũng, xem ra bà D. Rousseff lại đang giành lại ưu thế. Kết quả thăm dò dư luận cho thấy chỉ sau hơn 6 tuần điều hành đất nước, tỷ lệ phản đối Tổng thống M. Temer của người dân đã tăng tới 9%, từ mức 61% lên 70%. Nếu đến tháng 8 tới, Thượng viện nhóm họp để bỏ phiếu thông qua báo cáo điều tra bà D. Rousseff mà không quyết định tiếp tục quá trình xét xử cũng như tiến hành phế truất thì bà D. Rousseff sẽ được trở lại cầm quyền.