“Cú nước rút” quyết định cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tại các bang “chiến địa”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hai ứng cử viên là đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden đang tiến hành vận động con thoi liên tục tại các bang được xem là “chiến địa”, có thể ảnh hưởng rất quan trọng tới kết quả cuộc bầu cử xem ai sẽ là chủ nhân của Nhà Trắng trong nhiệm kỳ 4 năm tới.
Đương kim Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden đang chạy đua nước rút quyết liệt tại các bang “chiến trường”

Đương kim Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden đang chạy đua nước rút quyết liệt tại các bang “chiến trường”

Cuộc đua nảy lửa

Vào thời điểm chỉ còn chưa đầy 1 tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra ngày 3-11, cả đương kim Tổng thống Donald Trump và đối thủ là cựu Phó Tổng thống Joe Biden đều tranh thủ từng giờ từng phút để tung “cú nước rút” cuối cùng tại các bang “chiến trường” mà theo số liệu nhiều cuộc bầu cử gần đây có ảnh hưởng quyết định tới kết quả chung cuộc. Theo giới phân tích, 6 bang gồm Wisconsin, Pennsylvania, Michigan, Bắc Carolina, Florida và Arizona được cho là những nơi sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc quyết định xem liệu ông Donald Trump giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai hay ông Joe Biden sẽ đắc cử.

Chính vì thế, Tổng thống Donald Trump đã tiến hành vận động tranh cử marathon liên tục tới 3 bang Michigan, Wisconsin và Nebraska chỉ trong ngày 27-10. Ông chủ Nhà Trắng rõ ràng muốn tiếp thêm sức mạnh và sự khích lệ tinh thần khi đây là 3 bang mà ông đã giành chiến thắng trong bầu cử vào tháng 11-2016. Ngay trong tối 27-10, ông Donald Trump đã di chuyển tới bang Nevada để chuẩn bị cho một cuộc vận động marathon tiếp theo vào ngày 28-10 tại một số bang miền Tây.

Không chịu thua kém đối thủ, ứng cử viên Joe Biden cũng đã có một ngày 27-10 vô cùng bận rộn với cuộc vận động tranh cử nước rút khi lần đầu tới bang Georgia kể từ khi chính thức được đề cử trong nỗ lực nhằm “lật đổ” bang có “truyền thống” ủng hộ Đảng Cộng hòa này. Ông Biden sau các cuộc vận động chớp nhoáng tại Warm Springs và thành phố Atlanta của bang Georgia đã lại lập tức bay tới bang “chiến trường” Nevada để vận động cử tri bỏ phiếu sớm ở các thành phố Reno và Las Vegas.

Trong “chặng chạy đua nước rút” mang tính chất quyết định cả đương kim Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden đều chủ yếu tập trung vào việc khuếch trương thế mạnh của mình, đồng thời xoáy sâu vào yếu kém của đối thủ. Khó có thể phủ nhận những thành tựu kinh tế trong nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Donald Trump song ứng phó được cho là yếu kém với đại dịch Covid-19 khi để nước Mỹ là quốc gia có số người nhiễm bệnh nhiều nhất thế giới với hơn 9 triệu người và hơn 232 nghìn trường hợp tử vong tính tới ngày 28-10 cùng số ca mắc mỗi ngày hiện nay vẫn trên 80 nghìn người. Ông Joe Biden đã triệt để tập trung vào đây như muốn tạo thành “cơn sóng thần” xóa nhòa những thành tựu, thế mạnh của ông Donald Trump.

Không một dự báo nào có thể xem là tin cậy

Cũng do tình tình đại dịch Covid-19 mà số cử tri Mỹ đi bầu cử sớm trong cuộc bầu cử Tổng thống năm nay lên mức cao kỷ lục. Tính tới ngày 27-10 (giờ Washington), tức là còn đúng một tuần nữa là đến ngày bầu cử chính thức 3-11, song đã có tới 69,5 triệu cử tri gửi phiếu bầu sớm, tương đương 50,4% tổng số cử tri Mỹ đi bỏ phiếu trong năm 2016. Trong năm bầu cử 2016, tổng số phiếu bầu sớm chỉ là 47,2 triệu phiếu.

Theo cuộc thăm dò dư luận tiến hành từ ngày 23 đến 27-10 do Reuters/Ipsos tiến hành cho thấy ông Joe Biden dẫn trước ông Donald Trump trên toàn quốc khoảng 10 điểm % khi 52% cử tri được hỏi ý kiến nói rằng họ ủng hộ ứng viên Joe Biden trong khi 42% cử tri cho biết sẽ bỏ phiếu cho ông Donald Trump. Đáng chú ý là ông Joe Biden đang có sự dẫn trước quan trọng tại các bang “chiến trường”, theo đó tỷ lệ dẫn trước của ứng cử viên Joe Biden so với Tổng thống Donald Trump ở các bang này như sau: 52%/43% ở bang Michigan, 49%/48% ở bang Bắc Carolina, 53%/44% tại bang Wisconsin, 50%/45% ở bang Pennsylvania, 50%/46% ở bang Florida, 49%/46% tại bang Arizona.

Tuy nhiên, cũng rất đáng chú ý là ông Donald Trump cũng đang thu hẹp khoảng cách, theo thăm dò dư luận, tại các bang “chiến địa”. Việc ứng cử viên đảng Dân chủ đang mất dần ưu thế ở ba bang miền Nam là Florida, Georgia và Carolina Bắc cùng kinh nghiệm rút ra từ các cuộc thăm dò dư luận trong cuộc bầu cử năm 2016 cho thấy chặng đua nước rút vào Nhà trắng đang ngày thêm gay cấn và không một dự báo nào có thể xem là tin cậy tại thời điểm nhạy cảm này.

Giáo sư Joseph Campbell - tác giả nhiều cuốn sách và đề tài nghiên cứu về trưng cầu ý dân và xu hướng bỏ phiếu của cử tri trong bầu cử Tổng thống Mỹ - cho rằng hiện mức độ ủng hộ ông Donald Trump và ông Joe Biden tại các bang có ý nghĩa quyết định tới chiến thắng chung cuộc ngày 3-11 tới khá cân bằng và sít sao. Trong khi thời gian đến ngày bầu cử vẫn còn khoảng 1 tuần nữa và cử tri Mỹ hoàn toàn có thể thay đổi ý kiến của họ bất cứ lúc nào, có thể chuyển từ ủng hộ ông Donald Trump sang ông Joe Biden và ngược lại.

Giáo sư Joseph Campbell cho rằng, rất khó để đưa ra dự báo về kết quả cuộc bầu cử vào thời điểm còn một tuần nữa tới ngày bầu cử chính thức 3-11 bởi bầu cử Tổng thống Mỹ luôn là một cuộc đua khó đoán đỉnh, tiềm ẩn những yếu tố bất ngờ như cuộc bầu cử năm 2016 là minh chứng. Trên thực tế, các kết quả thăm dò dư luận có khi không thực sự chính xác và phản ánh đúng tương quan giữa các ứng cử viên, cho nên dù các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ ủng hộ lúc này đang nghiêng về ứng cử viên Joe Biden, song mọi sự đảo chiều vẫn có thể xảy ra. Đương kim Tổng thống Donald Trump sẽ trụ lại Nhà Trắng nhiệm kỳ thứ hai hay cựu Phó Tổng thống Joe Biden trở thành chủ nhân mới của Tòa Bạch ốc thì phải đợi tới ngày 3-11 mới biết được.