CSGT Hà Nội "giải cứu" củ cải cho nông dân

ANTD.VN -Trước tình trạng người nông dân tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội, đang phải đổ bỏ hang nghìn tấn củ cải do không có người mua, đội CSGT số 11 và nhiều người dân đã lập những điểm để “giải cứu” củ cải giúp bà con.

CSGT đi "mua - bán" củ cải giúp người nông dân

Các cán bộ chiến sĩ đội CSGT số 11 cho hay, sau khi nhận được thông tin phản ánh về việc bà con nông dân thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội, đang gặp khó khăn trong việc bán củ cải do bị mất giá, bán không có người mua, nhiều gia đình phải nhổ củ cải đổ xuống sông Hồng gây thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Thượng uý Nguyễn Duy Linh (Bí thư chi đoàn đội CSGT số 11- phòng CSGT Hà Nội) đã chủ động đề xuất với cấp uỷ, ban chỉ huy đội CSGT số 11, phối hợp với đoàn xã của xã Tiến Xuân, xã Thạch Hoà - huyện Thạch Thất, đi thu mua và bán củ cải giúp nhân dân.

Sau đó, trực tiếp Thượng úy Nguyễn Duy Linh, Thượng úy Phạm Chí Hiếu, Trung uý Phùng Chí Bình từ trụ sở đội CSGT số 11 (đóng tại thôn 6 - Thạch Hoà, Thạch Thất, Hà Nội) di chuyển gần 70 cây số lên xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, thu mua củ cải, sau đó mang về 2 xã Tiến Xuân và Thạch Hoà, huyện Thạch Thất, bố trí các điểm bán. Chi đoàn CSGT số 11 cắt cử đoàn viên thay nhau kết hợp với đoàn viên 2 xã Tiến Xuân và Thạch Hoà để bán.

Chi đoàn CSGT số 11 cắt cử đoàn viên thay nhau bán củ cải giúp nông dân.

“Chi Đoàn đội CSGT số 11 nói riêng và đoàn Phòng CSGT- CATP Hà Nội nói chung mong muốn mọi người hãy chung tay "giải cứu củ cải" giúp bà con nhân dân thôn Đông Cao, Xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội” -  một cán bộ chia sẻ.

Năng suất cao... dẫn tới dư thừa

Nói về nguyên nhân dẫn tới việc bà con nông dân nhổ củ cải bỏ đi, ông Vũ Văn Kỳ, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Đông Cao, xã Tráng Việt cho biết, diện tích trồng củ cải năm nay của HTX là khoảng 80 ha.

Do thời tiết từ dịp Tết Nguyên đán đến nay liên tục ấm, nồm ẩm, thuận lợi cho củ cải phát triển. Bên cạnh đó, năm nay, người dân chuyển sang giống củ cải mới nên năng suất cao đã dẫn tới tình trạng dư thừa.

Một sào củ cải trồng với chi phí khoảng từ 3 đến 3,5 triệu đồng. Vào thời điểm trước thời điểm Tết Nguyên đán 2018, người dân bán được khoảng 10 triệu đồng/sào. Nhưng hiện nay, loại củ cải ngon, vừa đến lứa thu hoạch bán tại đồng là 3.000 đồng/kg, còn loại hơi quá lứa thì chỉ còn mức 1.000 -1.500 đồng/kg, thậm chí không bán được vì không có người thu mua.

Uớc tính, số củ cải không tiêu thụ được và bị hư hỏng từ Tết Nguyên đán đến nay là 2.000 tấn. Trong khi đó, hiện diện tích tồn đọng chưa tiêu thụ được còn 30 ha, tương đương 3.000 tấn. Tổng thiệt hại tương đương khoảng 6 tỷ đồng.

Nhiều người dân nhiệt tình ủng hộ mua củ cải.

Rau, củ từ Trung Quốc vẫn nhập số lượng lớn

Không chỉ củ cải, su hào tại các vựa trồng khác như ở tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Hải Dương cũng rơi vào tình trạng tương tự. Giá bán tại ruộng hiện chỉ còn mức 300 đồng/củ. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, người dân không bán được nên đã phải nhổ bỏ để trồng rau khác.

Trong khi rau, củ đang dư thừa phải nhổ bỏ, để thối thì lượng su hào, bắp cải nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn không hề giảm. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, riêng trong tháng 2, Việt Nam vẫn nhập 3.000 tấn rau củ từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khẳng định: “Giá rau trong nước giảm mạnh không liên quan đến việc nhập khẩu rau từ Trung Quốc. Việc nhập 3.000 tấn rau là không đáng kể so với lượng tiêu thụ trong nước".

Một lãnh đạo khác của Cục Trồng trọt cho hay, sau Tết Nguyên đán, bà con nông dân đồng loạt thu hoạch rau màu vụ đông cấp tốc để lấy đất gieo cấy vụ lúa mới vì vậy nguồn cung tăng đột biến dẫn tới giá giảm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có công văn yêu cầu Cục trưởng Cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và Cục Bảo vệ thực vật khẩn trương, tiếp tục kiểm tra nội dung báo chí phản ánh và đề xuất các giải pháp khắc phục.