“Công nghệ thông tin là một trong những lực lượng quyết định liệu Việt Nam có đi nhanh được hay không”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, không thể đặt hết mọi kỳ vọng phát triển đất nước lên vai ngành công nghệ thông tin (CNTT) nhưng đây lại là một trong những lực lượng quyết định liệu Việt Nam có đi nhanh được hay không.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu tham quan các sản phẩm công nghệ số

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu tham quan các sản phẩm công nghệ số

Sáng nay (8-12), diễn đàn quốc gia về "Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (VFTE)" được khai mạc.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Phạm Đức Long cho biết, ngành công nghiệp công nghệ số tiếp tục là một điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam.

Năm 2022, doanh thu của ngành ước đạt được 148 tỷ USD, tăng trưởng trên 10% so với năm 2021. Hiện ngành có khoảng trên 70.000 doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 136 tỷ USD.

“Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo”- Thứ trưởng Phạm Đức Long nói.

Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, tại diễn đàn năm 2021, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhận nhiệm vụ trước Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đưa người dân lên môi trường số. Tại diễn đàn này, chúng ta khẳng định, với sự sự dẫn dắt của Bộ TT-TT, cộng đồng doanh nghiệp đã triển khai, thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các nhiệm vụ mà Bộ trưởng đã hứa với Thủ tướng Chính phủ.

Ông Phạm Đức Long cho biết: “Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng dựa trên nền tảng của công nghệ số, dữ liệu số, dựa trên ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Cuộc cách mạng này đang mở ra cánh cửa mới, không gian mới cho mọi ngành nghề, lĩnh vực; những khởi tạo mới với những sứ mệnh và tầm nhìn mới.

Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần tiếp tục bắt kịp những chuyển dịch này để có những khởi tạo mới định hướng cho tương lai. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có trách nhiệm và sứ mệnh quốc gia lớn lao.

Đó là tận dụng công nghệ số, cuộc cách mạng số để góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia và đi ra toàn cầu. Lấy chuyển đổi số là phương thức phát triển mới có tính đột phá để đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Lấy thị trường trong nước là cái nôi để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trưởng thành và đi ra toàn cầu”.

Đánh giá Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển kinh tế số, ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn công nghệ CMC cho biết, vào năm 2021, quy mô kinh tế số là 586 tỷ USD, nhưng chỉ khai thác được 30% so với tiềm năng. Tại Việt Nam, kinh tế số mới đóng góp 10% GDP. Đến năm 2030, kinh tế số sẽ đóng góp 3.000 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới.

“Hạ tầng số Việt Nam tương đối tốt nhưng về chính sách và năng lực cạnh tranh mới ở giai đoạn tiềm năng. Do đó, Việt Nam cần có nhiều nỗ lực để thúc đẩy phát triển hạ tầng số. Chúng ta vẫn còn có những khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn, do vậy cần có sự thay đổi chính sách nhanh hơn”- ông Nguyễn Trung Chính nói.

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, các vấn đề phải giải quyết để CNTT, công nghệ số phát triển là: thay đổi thể chế, gỡ vướng từ các thông tư, Nghị định, luật pháp…

Hai là phải tập trung hơn vào nhân lực CNTT, trong đó, Phó Thủ tướng lưu ý cần có giải pháp đặc biệt và đột phá trong đào tạo nhân lực. Chẳng hạn, Đại học số là giải pháp quan trọng nhưng cần lưu ý, không thể duy trì các quy định đào tạo như trước đây mà có thể đạt mục tiêu 1 triệu nhân lực CNTT.

Ba là phải tìm ra cái mới, còn dư địa. “Giờ đây nhiều người kỳ vọng vào chuyển đổi số, vào công nghiệp CNTT và truyền thông. Nếu cứ phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ mà không đi vào các mũi nhọn mới của thế giới, trong đó có CNTT thì không thể đạt mục tiêu tăng trưởng 7%/năm.

Không phải tất cả mọi kỳ vọng đặt hết lên vai giới CNTT nhưng đây là một trong những lực lượng đặc biệt quyết định sự thành bại của cuộc chiến chống nghèo đói. Mục tiêu đặt ra đến năm 2030 là kinh tế số chiếm 30% GDP. Đây là con số thách thức nhưng có thể làm được. Chúng ta chỉ còn 7 – 8 năm thực hiện mục tiêu và không thể không làm. CNTT là một trong những lực lượng quyết định liệu Việt Nam có đi nhanh được đến vậy không”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển cũng là điều đáng mừng vì đây là cơ sở để đặt ra mục tiêu lớn. Dù vậy, “không được quá mơ mộng, chỉ có thể biến nó thành hiện thực bằng các hành động thật”- Phó Thủ tướng nói.

Trong khuôn khổ diễn đàn cũng diễn ra lễ trao giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make In Việt Nam 2022". Ban tổ chức đã nhận 218 hồ sơ với nhiều sản phẩm chất lượng, nhiều sản phẩm đạt giải có tính cạnh tranh so với các giải pháp của doanh nghiệp nước ngoài đang phục vụ tại Việt Nam.