Công nghệ thời 4.0 giúp chống dịch Covid-19 như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Hàng loạt ứng dụng “make in Vietnam” đã ra đời trong thời gian ngắn phục vụ công cuộc chống dịch Covid-19 của ngành y tế. Đây là một điều bất ngờ bởi lẽ trước đại dịch, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế dường như còn khá mới mẻ so với nhiều lĩnh vực khác.
Lắp đặt camera giám sát tại các điểm cách ly

Lắp đặt camera giám sát tại các điểm cách ly

Công nghệ giúp phòng, chống dịch "make in Vietnam"

Hôm qua (24-5), Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội (Viettel) cho biết, Viettel đã hoàn thành việc lắp đặt và kết nối tích hợp 3.000 camera giám sát tại các khu vực cách ly thuộc các tỉnh phía Bắc. Khối lượng công việc khổng lồ này được Viettel hoàn thành trong vòng 7 ngày.

Riêng đối với 130 cơ sở cách ly tại 125 xã của tỉnh Bắc Giang- địa phương đang có diễn biễn căng thẳng nhất trong cả nước, Viettel đã huy động tối đa nguồn lực để lắp đặt thêm 1.000 camera trong vòng 5 ngày, nhanh gấp đôi so với tiến độ thông thường.

Viettel cho biết, toàn bộ dữ liệu hình ảnh từ camera được tích hợp lên hệ thống quản lý tập trung tại Trung tâm điều hành giám sát. Hệ thống ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, cho phép Ban chỉ đạo Quốc gia, Ban chỉ đạo tại tỉnh và bộ phận quản lý tại khu vực cách ly giám sát hình ảnh 24/7 theo phân cấp.

Bằng việc triển khai camera của Viettel, các cơ quan quản lý phòng chống dịch có thể theo dõi toàn bộ hoạt động tại các khu cách ly từ hệ thống quản lý 24/24 giờ, hạn chế tối đa các diễn biến có thể làm trầm trọng hơn tình hình dịch bệnh trong điều kiện nhân lực, vật lực dành cho việc giám sát của tỉnh đã được huy động tối đa khả năng.

Đây chỉ là một trong những hoạt động ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực y tế, góp phần phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với việc tăng cường xét nghiệm trên diện rộng và thực hiện chiến lược vaccine, ứng dụng công nghệ được Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 xem là một trong 3 mũi giáp công giúp phòng, chống dịch tại Việt Nam.

Trước đó, ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam đã được giao nhiệm vụ xây dựng phần mềm phục vụ công tác phòng, chống dịch. Ứng dụng “khẩu trang điện tử” Bluezone giúp phát hiện, cảnh báo người tiếp xúc gần người nghi nhiễm Covid-19 đã được triển khai. Tính đến thời điểm 17h00 ngày 14-5, cả nước đã có 32,19 triệu lượt tải và cài đặt ứng dụng Bluezone.

Để phục vụ việc truy vết, bên cạnh ứng dụng Bluezone còn có tokhaiyte.vn, NCOVI (hệ thống quản lý tờ khai y tế tự nguyện), khai báo y tế cho người nhập cảnh, hệ thống ghi nhận người đến, đi các địa điểm công cộng, lưu lại “mốc dịch tễ” thông qua quét mã QR và cuối cùng là hệ thống bản đồ chống dịch an toàn Covid-19.

Mới đây, Bộ TT-TT đã có văn bản gửi Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 đề xuất áp dụng vòng đeo tay chuyên dụng hỗ trợ giám sát người cách ly tập trung và sau cách ly tập trung.

Đẩy lùi dịch bệnh nhờ công nghệ

Thực tế cho thấy, các ứng dụng này đã được nhiều địa phương đẩy mạnh để phục vụ công tác phòng, chống dịch và góp phần truy vết thần tốc. Chẳng hạn, khi có một ca nghi mắc Covid-19, căn cứ vào khai báo y tế của người dân (chủ yếu khai báo trực tuyến), lịch trình di chuyển của người này được xác định nhanh chóng, giúp lực lượng chức năng khoanh vùng, truy vết, cách ly người tiếp xúc gần, ngăn chặn dịch bệnh lan ra cộng đồng một cách chủ động.

Do đó, nhiều địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác phòng, chống dịch. Tại Hà Nội, TP yêu cầu tất cả các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức nghiêm việc khai báo y tế bằng mã QR và ứng dụng CNTT trong phòng chống dịch.

Hà Nội cũng yêu cầu người dân khi đi, đến (check in, check out) những địa điểm công cộng như chợ, siêu thị, nhà hàng, công viên, bến xe, bến tàu, bệnh viện… phải quét mã QR để ghi nhận nhằm khai báo y tế. Đây là cách lưu lại “mốc dịch tễ” của người dân để phục vụ trong công tác truy vết người có khả năng nghi nhiễm Covid-19. Giải pháp này được thực hiện đồng thời với việc ghi nhận tiếp xúc gần bằng ứng dụng Bluezone trên smartphone.

Với Bắc Ninh, UBND tỉnh này đã chỉ đạo Sở TT-TT tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn tỉnh cài đặt, sử dụng và khai báo y tế trên các ứng dụng NCOVI, Bluezone hoặc website tokhaiyte.vn.

Sở TT-TT Bắc Ninh còn thiết lập các “điểm kiểm dịch” bằng việc quét mã QR tại 4 chốt kiểm soát ở những vị trí tiếp giáp tỉnh.

Ngoài ra, hàng nghìn cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, đo thân nhiệt tự động, quét mã QR khai báo y tế khi ra vào tòa nhà...

Kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy, khi Covid-19 bắt đầu lây lan ở Vũ Hán, Trung Quốc bên cạnh việc áp dụng các giải pháp hành chính, đã ứng dụng rất mạnh công nghệ để giám sát, khoanh vùng và cách ly người dân trong thành phố, giữa các tỉnh lân cận nhờ hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu dùng giám sát vận tải hàng hóa, phân luồng giao thông.

Đặc biệt, Trung Quốc có một hệ thống camera nhận diện khuôn mặt đặt ở mọi nơi. Kết hợp với dữ liệu lớn, máy học nhằm phân tích lịch trình di chuyển, thân nhiệt, số người tiếp xúc, Trung Quốc có thể dễ dàng phân vùng và cô lập F1, F2, F3 ngay khi phát hiện ca F0.

Tại Mỹ, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ trên phạm vi toàn cầu, họ đã biết tận dụng vị thế siêu cường công nghệ của mình để đi tắt đón đầu trong việc chế tạo vaccine ngừa virus. Sau Trung Quốc và Mỹ, rất nhiều nước đã học theo, đó là lấy công nghệ để chống dịch.

Mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng hiện Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia chống dịch tốt nhất thế giới. Đại dịch Covid-19 bất ngờ tạo nên “chất xúc tác” để quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế diễn ra nhanh và mạnh mẽ hơn. Điều này cũng cho thấy, chuyển đổi số là lựa chọn bắt buộc trong giai đoạn mới.