“Công nghệ cao”, chất lượng đáng ngờ

ANTĐ - Hiện tại toàn xã Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) có hơn 100 cơ sở sản xuất thực phẩm, bao gồm cả loại hình doanh nghiệp, công ty liên kết lẫn sản xuất hộ gia đình. Đến với Dương Liễu, chúng ta có thể nhập được tất cả các mặt hàng thực phẩm, từ dầu ăn, bánh mứt kẹo, mạch nha, bao bì giấy… với giá rẻ hơn nhiều giá trên thị trường. Tuy nhiên, chất lượng và độ an toàn của sản phẩm ra sao thì vẫn là mối lo ngại thường trực...

Các cơ sở sản xuất bánh kẹo rộn ràng trong vụ cao điểm

Bánh kẹo “cao cấp” giá rẻ

Theo số điện thoại mà Thủy cung cấp, tôi hẹn gặp được Quảng lúc anh này đang ngồi đợi nhập hàng ở một cơ sở ngay đầu xóm Chàng Chợ. Trong câu chuyện, Quảng cho biết, trước kia các xưởng bánh kẹo trong xóm 7 rất nhiều nhưng bây giờ đa phần họ chuyển ra ngoài khu lò gạch (phía ngoài đê, giáp bãi sông Đáy). Các cơ sở ở Dương Liễu có thể sản xuất được hầu hết tất cả các mặt hàng bánh kẹo, thực phẩm hiện đang có trên thị trường, có thể làm giống hệt các sản phẩm bánh mứt kẹo của những hãng nổi tiếng, từ bánh xốp thông thường đến các loại sô cô la hảo hạng, tất nhiên với giá rẻ hơn nhiều lần. Cũng nhờ thế mà sản phẩm bánh kẹo của xã làm ra luôn tìm được thị trường trong bối cảnh cạnh tranh rất khốc liệt hiện nay.

Tìm cách lân la dò hỏi về công nghệ làm bánh kẹo của Dương Liễu, cuối cùng chúng tôi cũng thu thập được chút ít thông tin khi Quân tiết lộ: “làm sô cô la bây giờ là lãi nhất. Vốn bỏ vào chẳng đáng bao nhiêu nhưng bán ra toàn vài trăm nghìn, thậm chí tiền triệu mỗi hộp. Tôi cũng chẳng rõ thứ bột mà họ cho vào bánh kẹo là chất gì nhưng nói thật, có những thứ bột mà động tay vào thì 3 ngày chẳng dám sờ tay lên mặt…”. Hướng ánh mắt vào kho nguyên liệu của hộ sản xuất bánh kẹo mà tôi và Quân đang ngồi uống nước ngay trước cửa, gần chục bao tải bột, những can dầu nguyên liệu không hề có nhãn mác bày ngổn ngang. Tôi thoáng giật mình khi nhớ lại trước đó chưa đầy 2 tháng, tại xã Sơn Đồng cách Dương Liễu không xa (cùng huyện Hoài Đức), đoàn thanh tra liên ngành TP Hà Nội đã phát hiện trong xưởng sản xuất của một công ty tư nhân gần 10 tấn nguyên liệu, phụ gia sản xuất bim bim không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Một xe công nông chở vỏ can đựng dầu ăn rời Dương Liễu

Dầu ăn tái chế giá 20.000 đồng/ lít

Buổi trưa, lân la ở một quán bán bánh rán, bánh gối ven đê, đoạn ngay ngã tư chợ Sấu, dò hỏi về loại dầu ăn giá rẻ nhập về để làm hàng, chúng tôi thu nhận được thông tin khá “sốc” khi chị bán bánh rán cho biết: “Nếu anh muốn nhập loại dầu ăn giá rẻ để làm hàng thì có thể đến Công ty T.N. Từ dốc chợ Sấu đi ngược lên phía Cát Quế vài trăm mét là thấy. Đây là đại lý bán dầu ăn rẻ nhất ở Dương Liễu nhưng chẳng biết họ nhập hàng từ đâu về. Dầu ăn ở cơ sở này được đựng trong các can 20 lít với giá 410.000 đồng, còn mua lẻ thì họ rót ra bán bằng túi nilon…”. Chỉ tay vào can dầu ăn 5 lít đang dùng dở, chị bán hàng giãi bày “loại dầu ấy chỉ những nhà làm hàng mua sử dụng thôi chứ em chưa bao giờ dám mua dùng. Nhìn mắt thường là nhận ra ngay, loại dầu tái chế đục hơn dầu thông thường nhiều”.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Danh Dương, Công an xã Dương Liễu khẳng định, tại Dương Liễu không hề có cơ sở nào tái chế dầu ăn. “Quá trình làm công tác tạm trú, tạm vắng cho những lao động ở địa phương khác về làm thuê tại các cơ sở sản xuất trong xã, hơn 100 cơ sở sản xuất ở xã chúng tôi đều nắm rất rõ, tuy nhiên không thấy có cơ sở nào tái chế dầu ăn” – anh Dương chia sẻ. Tuy nhiên, anh Dương tiết lộ, qua công tác nắm tình hình với tất cả những xe vận chuyển hàng hóa ra vào xã Dương Liễu mỗi ngày, anh biết có một xe tải nhỏ thường xuyên chở dầu ăn loại can lớn, từ nơi khác vào bán tại Dương Liễu, song không rõ đó là loại dầu ăn gì, cũng không rõ người dân mua dầu đó sử dụng với mục đích gì. Làm việc với UBND xã Dương Liễu, chúng tôi nhận được lời xác nhận từ phía UBND rằng, gần đây có tình trạng một số thương lái từ nơi khác đến Dương Liễu thu mua dầu ăn đã qua sử dụng tại các cơ sở chế biến thực phẩm trong xã, tuy nhiên trong xã trước nay chưa hề phát hiện cơ sở nào tái chế dầu ăn. 

Chính quyền xã gặp khó

Nói về công tác đảm bảo ATVSTP tại các cơ sở sản xuất thực phẩm ở Dương Liễu, bà Hồ Thị Huê, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Liễu cho biết, Ban chỉ đạo của xã vẫn thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động, nhắc nhở bà con tuân thủ quy trình đảm bảo ATVSTP trong sản xuất, không sử dụng dầu ăn tái chế để sản xuất thực phẩm. Vào dịp Tết, năm nào xã cũng tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất này, khi thanh tra, kiểm tra có yêu cầu các cơ sở sản xuất trình giấy chứng nhận đảm bảo ATTPVS, hóa đơn chứng minh đầu vào của nguyên vật liệu làm thực phẩm. Tuy nhiên, theo lời bà Huê, nếu các cơ sở không xuất trình được thì ở xã chỉ có thể nhắc nhở, lập biên bản chứ không có chế tài gì đủ mạnh để có thể xử phạt. Đặc biệt, việc xác định các loại nguyên phụ liệu, hóa chất, phụ gia để sản xuất thực phẩm, “ở cấp độ địa phương thì có kiểm tra chúng tôi cũng không thể biết được loại phụ gia, hóa chất nào là độc hại hay an toàn, cái này cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng ở cấp cao hơn” – bà Huê lý giải.