Công khai đầu tư công

ANTĐ - Sau Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Đầu tư công là văn bản mất nhiều thời gian nhất, tới 7 năm thảo luận, nhiều lần sửa đổi. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư từng nhận định, hiện nay đầu tư công rất tùy tiện, “ăn đong, vung tay quá trán”. Ủy ban kinh tế của Quốc hội cũng khẳng định, cần ban hành Luật Đầu tư công để tạo cơ sở pháp lý, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán,  lãng phí; góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công theo đúng mục tiêu, định hướng chiến lược, đảm bảo công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu.

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, Luật Đầu tư công phải là bước đột phá về thể chế, tác động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu đầu tư; tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương khắc phục triệt để những yếu kém trong quản lý nhà nước, nhất là khâu quyết định chủ trương đầu tư, chuẩn bị và phân bổ vốn đầu tư. Nợ đọng xây dựng cơ bản hiện nay là do đầu tư công chưa hiệu quả, dàn trải.

Nhiều công trình đầu tư xây dựng quá hoành tráng trong khi nhiều địa phương còn nghèo, cần phải quy rõ trách nhiệm để tránh lặp lại hiện tượng lãng phí. Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của Luật Đầu tư công là quy trách nhiệm, quyền hạn của Chính phủ, cơ quan Nhà nước, đặc biệt là xác định cụ thể hơn trách nhiệm của người đứng đầu, người quyết định phê duyệt chủ trương, dự án đầu tư để nâng cao tính chế tài của luật đối với các trường hợp phê duyệt dự án đầu tư sai, kém hiệu quả. Tổng mức đầu tư tăng so với dự toán ban đầu, không cân đối được nguồn vốn, gây thất thoát, lãng phí. Luật quy định 14 hành vi bị cấm từ khâu phê duyệt chủ trương đến khâu theo dõi và đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư đối với từng chương trình, dự án nhằm siết chặt trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư.

Một số đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi: “Quyết định đầu tư sai thì ai là người chịu trách nhiệm? Ai quyết định cuối cùng, ai phân ngân sách thì chính người đó phải chịu trách nhiệm”. Vì vậy, để Luật này có tính khả thi cao thì phải bảo đảm thể chế hóa trách nhiệm cá nhân trong đầu tư vốn Nhà nước, gắn Luật Đầu tư công với Luật Phòng chống tham nhũng và một số luật khác. Luật cũng cần điều chỉnh cả phần vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp Nhà nước vì phần vốn này chưa được quy định, trong khi chưa biết đến bao giờ có một luật riêng về nội dung này trình Quốc hội.

Công khai, minh bạch đầu tư công, không chỉ công khai từng chương trình, dự án như quy mô, tổng mức đầu tư, hiệu quả dự án với báo chí và trên cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành, địa phương để nhân dân giám sát, mà còn phải công khai cả trách nhiệm của chủ đầu tư, người đứng đầu. Nếu không công khai thì không ngăn chặn được hiện tượng “bắt tay, thông đồng” giữa chủ đầu tư và nhà thầu, giữa nhà thầu và tư vấn giám sát. Những cái sai không thể sửa được thì cần xử lý trách nhiệm cá nhân chứ không thể có chuyện “hòa 

cả làng”.