Còn những câu hỏi “treo”

ANTĐ - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn là người mở đầu phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội và cũng là Bộ trưởng đăng đàn nhiều nhất trong 6 kỳ họp Quốc hội khóa XIII. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội cũng như cử tri cả nước đối với lĩnh vực nông nghiệp, một ngành kinh tế giữ vai trò nền móng phát triển, ổn định xã hội, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường và phát huy lợi thế của nước ta.

Bên cạnh câu hỏi “nóng”, 1.200 hồ đập nước như những “quả bom nước” treo lơ lửng liệu có đảm bảo an toàn hay không, một vấn đề đã được chất vấn từ các kỳ họp trước là: “Khi nào người nông dân hết cảnh được mùa mất giá?”, ông Bộ trưởng không đưa ra mốc thời gian khắc phục cụ thể. Như vậy vấn đề cũ này đã được chất vấn nhiều lần nhưng chưa “nhúc nhích” được bao nhiêu dù thực tế lợi nhuận của người trồng lúa sụt giảm từ 40% xuống 20% trong thời gian 5 năm qua, trong khi giá lúa tăng gấp rưỡi. Ngay tại vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long, mức thu nhập trung bình của nông dân chỉ là 535.000 đồng/tháng, bằng một nửa mức lương tối thiểu và không hơn ngưỡng nghèo bao nhiêu.

Theo kết quả điều tra, để làm ra hạt lúa, nông dân phải bỏ ra 63% mức chi phí, trong khi thương lái và doanh nghiệp xuất khẩu cùng gánh 37% chi phí. Hơn thế, mỗi hộ nông dân chỉ thu được 27,3 triệu đồng cho cả năm lao động quần quật, còn mỗi thương lái trung bình bỏ túi 300 triệu đồng và mỗi doanh nghiệp xuất khẩu “ngồi mát” vẫn thu lợi nhuận tới 25 tỷ đồng một năm. Chưa hết, phần lớn những đợt giá gạo xuất lên cao đều do tác động từ tăng giá xăng dầu, giá phân bón hoặc mất mùa. Từ đầu năm 2008 đến cuối 2012, Chính phủ đã ban hành khoảng 20 chính sách can thiệp và bình ổn thị trường lúa gạo. Thế nhưng, nông dân lại không được hưởng lợi, bởi họ ít bán trực tiếp cho doanh nghiệp mà chủ yếu bán cho thương lái. Trong khi đó, doanh nghiệp chỉ thu mua khi giá lúa thấp, thời gian thu hoạch ở các tỉnh khác nhau, nhưng thời gian áp dụng chính sách thu mua lại cố định. Cơ chế này tưởng là  nhằm hỗ trợ nông dân nhưng trên thực tế các doanh nghiệp mới là người được hưởng lợi. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, mức lãi suất hỗ trợ gạo của Chính phủ giúp doanh nghiệp tham gia tạm trữ gạo khoảng 15 USD/tấn. Tức là, lãi suất hỗ trợ thu mua 1 triệu tấn gạo đã mất 15 triệu USD, tương đương 57% ngân sách nhà nước dành cho khuyến nông cả năm 2012, phục vụ gần 10 triệu nông hộ trong cả nước.

Mặc dù nông dân là người làm ra hạt gạo, song họ không có tiếng nói trong các quyết sách liên quan đến sản xuất và xuất khẩu. Hội Nông dân không được tham gia mà chỉ có Hiệp hội Lương thực, đại diện cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Còn đó những câu hỏi “treo” đối với ngành nông nghiệp: Ai được hưởng lợi từ giá gạo tăng cao? Bao giờ nông dân hết cảnh được mùa, mất giá?