- Vì sao?
- Vui vì đúng là một xã hội học tập, đâu cũng nô nức chuẩn bị đón ngày khai giảng, trường chuẩn quốc gia chả nói làm gì, đến các trường làng trường bản nghèo cũng phải chăng đèn kết hoa tạo cảnh quan sư phạm để đón các cháu tới trường. Còn lo thì, cũng nhiều đấy.
- Cụ thể đi!
- Nhiều nơi trường vẫn chưa ra trường, lớp chưa ra lớp, cơ sở vật chất thiếu thốn, học trò đi học bữa đực bữa cái, vừa học vừa phải đi làm kiếm sống, không biết ngày khai trường có bao nhiêu em không có nổi bộ đồng phục học trò?
- Cái ấy đúng là đáng lo, nhưng rồi sẽ khắc phục được. Mà này, ông có để ý qua đợt thi đại học vừa rồi, trong các thủ khoa xuất hiện trên báo chí thấy toàn những em con nhà nghèo, thế con nhà giàu đâu hết cả, hay đã nhà giàu rồi thì khỏi cần lo học?
- Nói thế chỉ đúng một phần, vì báo chí thì phải biết phát hiện, các em con nhà nghèo đỗ thủ khoa là một phát hiện tốt, nên phải qua đấy mà nhân điển hình, làm tấm gương cho các em học sinh nghèo khác lấy đó mà phấn đấu.
- Còn con nhà giàu có thủ khoa thì cũng là lẽ đương nhiên à?
- Tôi không nói thế, nếu giàu hẳn sẽ có điều kiện cho con em mình học tập tốt hơn, nhiều nhà giàu lại có tí chức sắc thuê hẳn thầy giỏi kèm cặp, bồi bổ đến nơi đến chốn nhưng con cái học hành vẫn chẳng ra gì, tốt nghiệp được cái trung học, lo cho học tiếp cái trung cấp nào đấy, rồi vài năm vừa làm vừa học tại chức, học xong là đã có sẵn một cái “ghế” vừa vặn rồi, cần gì thủ khoa (!).
- “Lập trình” kinh nhỉ, nhưng chắc đấy chỉ là số ít, chứ không thì… Tôi tin số thanh niên ỷ lại vào bố mẹ sắp đặt “sẵn nong sẵn né” ấy cũng không có nhiều đâu.
- Vâng, và càng nhà giàu càng phải nỗ lực bản thân chứ không mang tiếng lắm. Học sinh nghèo vượt khó học giỏi đã khó, học sinh giàu vượt qua bao nhiêu cám dỗ để học giỏi càng khó, ông ạ!