58% sản phẩm Trung Quốc ở châu Âu là mặt hàng nguy hiểm

"Cơn ác mộng hàng kém chất lượng"

ANTĐ - Hệ thống cảnh báo nhanh Rapex của Ủy ban châu Âu vừa tổng kết rằng, trong 2.278 mặt hàng nguy hiểm được tìm thấy và được báo động trên thị trường châu Âu, các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, bao gồm cả Hồng Kông chiếm 58%, tăng 4% so với năm trước đó.

Theo Rapex (hệ thống cho phép xác định và rút ra khỏi thị trường các sản phẩm không thuộc loại mặt hàng dinh dưỡng được đánh giá là nguy hiểm), trong năm 2012, số lượng sản phẩm nhiều rủi ro nhập vào châu Âu đã tăng lên 26% so với năm 2011, trong đó các mặt hàng may mặc (34%) và đồ chơi (19%) được cho là chứa đựng nhiều mối nguy hiểm nhất, chủ yếu do có chứa hóa chất độc hại. Ủy ban châu Âu đã cho trưng bày những sản phẩm nguy hiểm này ngay tại lối đi trong trụ sở ở Brussels, Bỉ. 

Đài RFI của Pháp dẫn nguồn từ báo Les Echos trong bài viết với tựa đề “Trung Quốc xuất khẩu ngày càng nhiều các sản phẩm nguy hiểm vào châu Âu” có nêu, mũ bảo hiểm Trung Quốc cho người đi xe đạp chỉ cần một cú đấm nhẹ là có thể bể làm đôi, ổ cắm điện nối dài có thể phát hỏa, phao tắm cho trẻ nhỏ có thể hãm trẻ dưới nước ngay khi đứa bé xoay mình, hay như các dây áo quần có thể trở thành nút thắt trên cổ một bé gái... 

Tờ báo Mayotte của Pháp cũng chỉ rõ, bật lửa Trung Quốc phát nổ chỉ sau vài phút bật lên. 6.000 tấn xi-măng mang nhãn hiệu hàng xuất khẩu Trung Quốc, được nhập trong tháng 9-2012, có hàm lượng crom 6, cao hơn mức cho phép tối thiểu. Crom 6 có thể gây ra bệnh chàm cấp tính, rối loạn dạ dày, hô hấp, lở loét và những di chứng nghiêm trọng khác. Đáng lo ngại hơn, giày dép của trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc có hàm lượng chrom vượt quá 6 lần mức cho phép, trong khi đây là một trong những độc chất gây ung thư nếu có hàm lượng vượt quá 3mg.

Ngoài ra, còn có gần 500 tỷ Euro hàng giả thuộc hầu hết các nhóm ngành hàng đang lưu hành trên thế giới. Dự kiến con số này sẽ tăng gấp đôi trước năm 2015.

Một trong những khẩu hiệu được đưa ra tại chiến dịch chống hàng kém chất lượng có nguồn gốc từ Trung Quốc đợt này là: “Đừng để tai nạn làm hỏng mùa hè của bạn”. Chương trình cũng cho ra mắt một cuốn video hướng dẫn, kèm theo một loạt lời khuyên ví dụ như: Đừng mua đồ chơi không mang nhãn hiệu CE (của cộng đồng châu Âu), đừng tặng đồ chơi tháo rời cho trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, vì chúng có thể nhét vào miệng, và đọc kỹ các ghi chú, cảnh báo khi sử dụng.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, mặc dù Trung Quốc tạo ra các sản phẩm kém chất lượng, song đây vẫn là một thị trường đầy tiềm năng. Steve Jobs từng nói với Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng, Apple sẽ không bao giờ sản xuất iPhone tại Mỹ. Bởi, tại Trung Quốc, một quản đốc có thể đánh thức 8.000 công nhân và cung cấp cho họ trà và bánh quy để họ có làm quen với các thiết kế mới trong màn hình iPhone chỉ trong vòng 12 giờ. Chỉ 3 ngày sau đó, 10.000 chiếc iPhone có thể đã được lắp ráp hoàn chỉnh đưa ra khỏi dây chuyền sản xuất. Lý do này phần nào giải thích được tại sao “cơn ác mộng” hàng kém chất lượng của Trung Quốc vẫn len lỏi và chiếm lĩnh hầu như toàn bộ các thị trường trên toàn thế giới.