Cổ phiếu vốn hóa lớn đã trở lại "đường đua"?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phiên giao dịch bứt phá ngày 11/10 khi VN-Index tiến sát 1.400 điểm, còn VN30-Index vượt 1.510 điểm đã khiến nhà đầu tư thêm kỳ vọng về thị trường, nhất là sự trở lại ngoạn mục của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sau 3 tháng sụt giảm.

Phiên giao dịch bứt phá

Trong phiên giao dịch ngày hôm qua (11/10), lần đầu tiên sau 3 tháng nỗ lực, VN30-Index không những lấy lại được mốc 1.500 điểm mà còn vượt khá xa, chốt phiên tại trên mức 1.510 điểm. Chỉ số của hóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn này đã đạt mức tăng tới 2,28% trong phiên, tương đương 33,73 điểm với 29/30 mã tăng chỉ có NVL (Novaland) giảm nhẹ.

VN-Index cũng đã tăng hơn 21,36 điểm (1,56%) lên 1.394 điểm. Nếu thị trường tiếp tục diễn biến tích cực thì mốc điểm 1.400 có thể sẽ được “công phá” ngay trong phiên hôm nay.

Trong phiên hôm qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã bứt phá mạnh mẽ, trở thành lực đẩy chính của thị trường, với 26/27 cổ phiếu tăng giá, chỉ có SSB (SeABank) đứng giá. Nhiều cổ phiếu có mức tăng mạnh như CTG (VietinBank), HDB (HDBank) tăng 5,3%; TCB (Techcombank) tăng 4,5%, MBB (MB) tăng 4%, ACB (ACB), STB (Sacombank) cũng tăng trên 3%... Thanh khoản nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng bứt phá tăng trở lại.

Sở dĩ nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt “dậy sóng” là do dòng tiền quay trở lại mạnh mẽ khi mà các báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán đều đồng thuận nhận định nhiều ngân hàng tiếp tục đạt lợi nhuận cao trong mùa báo cáo tài chính quý III/2021 này.

Thời điểm tích lũy cổ phiếu bluechip?

Thị trường chứng khoán thời gian qua chịu nhiều áp lực từ diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19, từ áp lực chốt lời, sự rút ròng của nhà đầu tư ngoại...

Tuy nhiên, bước sang tháng 10, thị trường đã có nhiều khởi sắc, bất chấp đón nhận tin tức về tăng trưởng kinh tế quý III đạt mức âm sâu nhất trong lịch sử. Theo các chuyên gia, sở dĩ thị trường diễn biến tích cực là nhờ kỳ vọng tăng trưởng phục hồi vào quý IV khi các thành phố lớn đạt tỷ lệ tiêm chủng cao và mở cửa trở lại nền kinh tế.

Các cổ phiếu bluechip được kỳ vọng sẽ sớm lấy lại "phong độ"

Các cổ phiếu bluechip được kỳ vọng sẽ sớm lấy lại "phong độ"

Theo nhận định của các chuyên gia Công ty Chứng khoán MayBank King Eng (MBKE), thời điểm này đã nhìn thấy cơ hội tích lũy ở các cổ phiếu vốn hóa lớn (bluechip), vốn đã bị điều chỉnh và củng cố trong suốt tháng 7 đến nay. Các công ty này có khả năng sẽ dẫn đầu thị trường trở lại từ quý IV/2021 đến năm 2022.

Theo MBKE, trong quý III/2021, các mã vốn hóa trung bình và nhỏ vượt trội so với các mã vốn hóa lớn lần lượt là 24% và 15%, điều này cho thấy tâm lý đầu cơ đang chiếm ưu thế khi dòng tiền các nhà đầu tư cá nhân dẫn dắt thị trường.

Đặc biệt, nhóm ngân hàng (tỷ trọng 1/3 VN-Index) đã bị định giá không hợp lý do nhận thức không đúng về rủi ro nợ xấu, khả năng sinh lời và cách định giá.

Trên thực tế, cổ phiếu ngân hàng giảm 13,6% trong quý III đã cho hiệu suất kém hơn so với cổ phiếu phi ngân hàng (giảm 0,8%) do những lo ngại của thị trường chung về rủi ro nợ xấu.

Tuy nhiên, MBKE cho rằng lo lắng này là thiếu cơ sở và chưa thấu đáo. Bởi vì những những khách vay (phi ngân hàng) trước tiên phải rơi vào rắc rối sâu sắc trước khi các khoản nợ của họ được ghi nhận là nợ xấu trên bảng cân đối kế toán của bên cho vay (ngân hàng). Trong trường hợp này, cổ phiếu của các doanh nghiệp phi ngân hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ lẽ ra phải cho thấy hiệu suất kém hơn cổ phiếu ngân hàng.

Với mức nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn được Ngân hàng Nhà nước dự báo lên đến 7,7% vào cuối năm, MBKE cho rằng đây là mức nợ xấu có khả năng xảy ra trong kịch bản xấu nhất, khi giãn cách xã hội kéo dài đến quý IV. Mức nợ xấu này sẽ không gây ra rủi ro hệ thống, dẫn đến sự đổ vỡ trong hoạt động của các ngân hàng như giai đoạn 2012-2014, khi tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 17,2%.

Thêm vào đó, bộ đệm dự phòng rủi ro của các ngân hàng hiện đã cao hơn nhiều ( 151% nửa đầu 2021 so với 50% trong giai đoạn 2012-2014). Trong khi đó, giai đoạn 2016-2017, khi tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống trên 7,4% và tỷ lệ bảo phủ nợ xấu thấp hơn nhiều thì cả nền kinh tế và các ngân hàng vẫn hoạt động tốt.

“Ngược lại, các ngân hàng hiện nay đã có bộ đệm rủi ro cho vay cao hơn đang kể và được hỗ trợ thêm bởi các chính sách giúp giải tỏa gánh nặng trích lập dự phòng (như chính sách giãn nợ, Thông tư 14) để quản lý tăng trưởng ổn định. Do đó, chúng tôi duy trì quan điểm rằng ngành ngân hàng Việt Nam vẫn đang trong chu kỳ tăng trưởng và sinh lời mạnh mẽ” – MBKE nhận định.

Do đó, các chuyên gia cho rằng định giá không hợp lý đối với các cổ phiếu vốn hóa lớn và các ngân hàng đang tạo ra cơ hội mua tích lũy cho các nhà đầu tư dài hạn. MBKE cũng duy trì mục tiêu của VN-Index là 1.500 điểm cho năm 2021.