Cố NSND Trịnh Thịnh: Nghề diễn không phải nghề bắt chước

ANTĐ - Thời mà chiếc tivi đen trắng còn được xem là thứ của cải đáng giá trong nhà thì Trịnh Thịnh là một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất, từ người già đến con trẻ. Thời ấy, nếu có khái niệm “sao” thì hẳn ông phải được xếp vào hàng “ngôi sao” của màn ảnh nhỏ…

Nụ cười trên gương mặt ngây ngô và chiếc mũi to quá khổ của ông
 luôn khiến người đối diện phải bật cười

Nụ cười ngây ngô, hài hước

Cách đây 3 năm, trong lần tìm đến nơi ở của NSND Trịnh Thịnh, khi ấy sức khỏe ông đã yếu lắm, phải ngồi xe lăn và không thể tự đi. Căn hộ nằm trên tầng 3 một khu tập thể cũ trên đường Nguyễn An Ninh (Hà Nội) cũng là nơi ông cùng người bạn đời cư ngụ lúc về già. Trong căn phòng vỏn vẹn vài chục mét vuông không có đồ đạc gì thật sự đáng giá, mọi vật dụng đơn giản được sắp xếp gọn gàng, riêng chiếc giường “di động” của người nghệ sĩ già được kê sát bên cửa sổ, nơi có thể đón ánh sáng nhiều nhất. Vị trí trang trọng nhất trên bức tường chính giữa nhà được ông dành để treo ảnh, từ ảnh ông, ảnh vợ đến ảnh các con các cháu trong gia đình. Ông bảo những lúc không đóng phim, ông mê chụp ảnh nên những bức ảnh đời thường ông chụp cùng gia đình phải dầy bằng mấy cuốn album gộp lại. 

NSND Trịnh Thịnh có 5 người con, đều là con gái nên khi con cái trưởng thành và có tổ ấm riêng thì căn nhà nhỏ chỉ còn lại ông và vợ. Khẽ nói vui với ông: “con gái là con người ta”, ông cười hiền rồi xua tay lắc đầu quầy quậy: “con người ta nhưng mình đẻ ra thì đi đâu mà mất”. Nụ cười hiền trên gương mặt ngây ngô nghền nghệt và chiếc mũi to quá khổ của ông khiến người đối diện bật cười. Chẳng vậy mà người bạn đời của ông tâm sự mấy chục năm chung sống với nhau, vợ chồng ông chưa một lần to tiếng với nhau, bởi chưa kịp giận thì nhìn mặt ông đã thấy buồn cười rồi. 

Lần gặp ấy, NSND Trịnh Thịnh đã quên quên nhớ nhớ nhiều thứ lắm rồi, ngay cả tên các cô con gái, trầm ngâm hồi lâu ông mới nhớ, âu cũng là bệnh của tuổi già. Duy nhắc đến chuyện đóng phim, ông nhớ lắm. Ông bảo lâu rồi sức khỏe yếu nên ông không đóng phim, nhưng thỉnh thoảng vẫn ngồi lẩm nhẩm đọc thoại một vai mình từng diễn, như thể chỉ mới đây thôi. Thậm chí có nhiều lúc ngồi nói chuyện với vợ con mà ông còn nói nhầm cả những câu thoại trong phim. Rồi thoáng chốc suy tư, ông nói lâu rồi không xem tivi, mà hễ vô tình bật tivi đúng vào lúc chiếu phim Việt Nam là thế nào ông cũng tắt. Mà chung quy cũng chỉ vì sợ xem xong, ông sẽ bực, sẽ tức vì không chịu nổi diễn xuất dễ dãi của nhiều diễn viên trẻ bây giờ. Vậy nên ông chọn nghe đài radio. Chiếc radio nhỏ cũ kỹ luôn thường trực trên đầu giường chỗ ông nằm cũng là vì thế. 

Say mê dù vai thứ hay vai phụ

NSND Trịnh Thịnh là vậy, ông từng tâm sự nghề diễn không phải nghề bắt chước, không phải diễn cho đúng với nhân vật mà phải hóa thân vào nhân vật bằng cả tâm hồn và tình cảm chân thực nhất của mình. Chẳng phải vì ông kỹ tính và chỉn chu như vậy mà ngay cả vị đạo diễn nổi tiếng khó tính như NSND Khải Hưng cũng phải ngả mũ kính phục. NSND Khải Hưng nhớ lại khi mời Trịnh Thịnh tham gia vai ông già vạn chài trong bộ phim “Lời nguyền của dòng sông”, dù đoàn làm phim chủ động gợi ý tìm người đóng thế ông ở một vài cảnh vất vả và nguy hiểm nhưng NSND Trịnh Thịnh vẫn một mực nhận để tự mình diễn xuất. Nhớ nhất cảnh ông uống rượu khi đang lênh đênh trên con thuyền giữa sông, uống hết một vò rượu thật vẫn chưa đạt, ông liều uống no cả vò nước sông cho đến khi diễn đạt mới thôi. Mà phim nào cũng vậy, hễ nhận lời là ông đóng say sưa và hết mình, dù là vai thứ hay vai phụ. Như trong phim “Vợ chồng A Phủ”, ông được đạo diễn mời đóng vai A Sinh, dù không phải vai chính nhưng ông vẫn kiên trì cùng đoàn làm phim đi thực tế với người Mông ở Tủa Chùa hàng tháng trời. Đó cũng là điều mà NSND Trần Phương - người bạn diễn cùng ông trong vai chính A Phủ cứ bùi ngùi nhớ mãi. 

Tuổi già ập đến, từ ngày bước qua tuổi 80, sức khỏe của NSND Trịnh Thịnh giảm sút dần. Trước khi mất gần một tháng, ông nhập viện cấp cứu sau một cơn đau tức ở ngực. Nằm điều trị ở viện được vài ngày, khi tỉnh táo lại, ông vẫn vui vẻ trò chuyện với mọi người, vẫn nở nụ cười ngây ngô hài hước. Nhớ lại câu chuyện ông kể, rằng khi có người bảo ông không đóng được vai tử tế, ông đã giận đến phát khóc và bảo: “Sao tôi không làm ai rơi nước mắt được à mà cứ bắt tôi đóng vai hài suốt đời. Sống làm gì nữa, thà chết quách cho xong”. Giờ thì người nghệ sĩ tài hoa chân chính ấy đã không còn nữa, ông đã ra đi để lại niềm tiếc thương cho biết bao người trân quý tài năng và đạo đức của mình. Ở một nơi rất xa, có thể giờ ông đang mỉm cười, nụ cười quen thuộc trên khuôn mặt nghền nghệt và chiếc mũi to quá khổ. Nụ cười ấy cũng sẽ không bao giờ tắt trong dòng chảy điện ảnh Việt Nam và trong lòng người hâm mộ.