Có kiểm soát được thuốc bị thu hồi?

(ANTĐ) - Liên tiếp những lệnh thu hồi thuốc kém chất lượng được cơ quan quản lý dược phát ra. Nhưng thực tế, không ít loại thuốc đã có yêu cầu thu hồi vẫn tiếp tục đến tay người tiêu dùng.
Không ít lần người tiêu dùng Việt Nam hoảng hốt trước những thông tin các loại thuốc thông dụng buộc phải thu hồi do không đạt tiêu chuẩn hoặc có chứa chất gây hại. Không chỉ lo lắng vì khi có lệnh thu hồi thì các loại thuốc đó đã lưu hành thời gian dài và đã “vào bụng” không biết bao nhiêu bệnh nhân, nhiều người còn đặt dấu chấm hỏi về sự “thiếu quyết liệt” của các bên liên quan trong việc thu hồi thuốc. Mới đây là thông tin kháng sinh Augmentin (dạng bột pha si rô, hàm lượng 457mg/5ml sản xuất tại Anh và loại hàm lượng 156mg/5ml sản xuất tại Pháp) bị thu hồi do do nhiễm chất làm dẻo DIDP và DINP. Viên nén coxicam - 7,5 (meloxxicam tablets BP 7,5mg), lô sản xuất: EUT-11, hạn dùng 12.5.2012, số đăng ký: VN-3887-07 do Công ty Euro Healthcare sản xuất, Công ty cổ phần dược liệu Trung ương 2 nhập khẩu cũng bị đình chỉ lưu hành và yêu cầu thu hồi do không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Thuốc này được chỉ định dùng dài ngày trong bệnh thoái hóa khớp, viêm cột sống dính khớp và các bệnh khớp mạn tính khác… Theo thống kê, mỗi năm, lượng thuốc kém chất lượng tung ra thị trường được Cục Quản lý dược yêu cầu thu hồi tiêu hủy tăng liên tục. Từ năm 2008 đến 2009 có gần 200 lô thuốc; năm 2010 có hơn 900 loại thuốc bị thu hồi. Nhưng thực tế, thuốc không đạt chất lượng vẫn đến tay người bệnh và việc thu hồi với số lượng bao nhiêu vẫn không được công bố cụ thể.
Có kiểm soát được thuốc bị thu hồi? ảnh 1
Nhiều loại thuốc đã có yêu cầu thu hồi vẫn được bán trên thị trường       
Theo quy định, khi có thuốc bị đình chỉ, cơ sở sản xuất và nhà phân phối gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở, đồng thời tiến hành thu hồi toàn bộ. Vậy nhưng, theo một dược sĩ có thâm niên thì “hầu hết các nhà thuốc bán thuốc không có hóa đơn nên khi nhận được lệnh thu hồi thuốc thì không thể biết người mua ở đâu mà tìm”. Cũng theo dược sĩ này thì quy trình thu hồi thuốc kém chất lượng hiện kéo dài cả tháng, thậm chí hơn. Trong thời gian này thì nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đã tranh thủ tẩu tán thuốc về các nhà thuốc vùng sâu vùng xa để đỡ chi phí thu hồi và tiêu hủy. Chưa kể, một số loại thuốc bị đình chỉ lưu hành ở nước ngoài nhưng Bộ y tế lại rất “thận trọng” trong việc đình chỉ lưu hành ở Việt Nam, nhiều trường hợp mới đầu chỉ khuyến cáo hạn chế tối đa việc kê đơn trong khi chờ kết luận cuối cùng. Đến khi có lệnh thu hồi thì thuốc hầu như “không còn một viên”. Hơn nữa, ngay cả khi các loại thuốc bị đề nghị thu hồi, lẽ ra các nhà thuốc sẽ là đơn vị cần kiểm tra xem tình hình thu hồi ra sao, có tiếp tục bán thuốc hay không thì lại không thấy lực lượng chức năng đi kiểm tra. Ngay cả các công ty nhập khẩu, phân phối cũng chỉ có thông báo thu hồi chứ thực tế chưa có doanh nghiệp nào bị xử phạt vì thu hồi chậm nên việc kéo dài thời gian thu hồi để tiêu thụ thuốc là khó tránh khỏi.   Về phía cơ quan quản lý, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, khẳng định các sản phẩm thuốc khi nhập vào Việt Nam đều được kiểm nghiệm chất lượng, theo dõi các phản ứng phụ và thu hồi nếu phát hiện sản phẩm không đạt những chỉ tiêu như công bố. “Thực tế có những loại thuốc, nhất là thuốc mới, có khi phải sử dụng trên người bệnh mới, phát hiện vấn đề. Thậm chí có thuốc khi phát hiện phản ứng gây hại nhưng sau khi cân nhắc với lợi ích thuốc mang lại thì vẫn được chấp nhận. Tuy nhiên có loại thuốc phải cảnh báo và thu hồi ngay”- ông Cường nói. Với những loại thuốc nhập khẩu, việc đưa ra cảnh báo về độc tố vẫn còn nằm ngoài khả năng của hệ thống kiểm nghiệm dược.