Cô giáo trẻ nhóm lên tương lai cho những trẻ em mắc hội chứng Down

ANTD.VN - “Nhờ cô mà em biết thêm nhiều kiến thức. Những lời khuyên, lời động viên của cô chính là động lực của em. Em yêu cô nhiều ạ !”; “Nhờ cô mà em đã  làm được những điều tưởng chừng không thể”... đó là những lời chia sẻ đầy cảm xúc của các em học sinh gửi đến một cô giáo trẻ khi được cô dìu dắt, dạy dỗ. Điều đặc biệt, lũ trò nhỏ này đều là các em mắc hội chứng Down.

Cô giáo trẻ nhóm lên tương lai cho những trẻ em mắc hội chứng Down ảnh 1

Trong một buổi chiều bận rộn, cô Dương Thị Thu Hà - giáo viên Trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đông, TP Hà Nội tiếp chúng tôi giữa bộn bề công việc. Nữ giáo viên trẻ đang tất bật với giáo án và những dự án vì cộng đồng.

Nguồn cảm hứng từ nỗ lực của chàng trai bại não

Câu chuyện của cô Hà bắt đầu từ một lần đi từ thiện ở Thái Bình. Lần đó, khi bắt gặp hình ảnh một bệnh nhân bại não do di chứng chất độc da cam từng nỗ lực trong 15 năm ròng để được đọc những cuốn sách, rồi mở không gian đọc sách miễn phí... cô vô cùng cảm phục. Hình ảnh ấy thôi thúc cô cùng học trò bắt tay tạo ra thiết bị hỗ trợ tập đọc cho trẻ mắc hội chứng Down. 

Cô Hà tâm sự, cũng như bao nhiêu trẻ em bình thường khác, trẻ mắc Down cũng có quyền được học tập, vui chơi. Chúng cần có sự quan tâm nhiều hơn của người thân, nhà trường và cộng đồng xã hội, đặc biệt là quan tâm đến việc dạy cho trẻ biết đọc và kĩ năng sống thiết yếu để chúng có thể tự phục vụ bản thân, vượt qua những khó khăn cuộc sống.

Vì vậy, từ tháng 4-2018, cô Hà cùng các học trò đã nghiên cứu xây dựng thiết bị mang tên PSE (picture - sound - expressive) tích hợp cả hình ảnh - âm thanh - cảm biến để giúp trẻ mắc bệnh Down học chữ cái thông qua các chủ đề của kĩ năng sống. Thiết bị này tương tác trực tiếp với trẻ thông qua thảm thông minh được gắn chíp cảm biến và sỏi mát xa giúp tăng khả năng vận động, tuần hoàn máu dưới lòng bàn chân từ đó tác động đến não bộ, có tác dụng tích cực trong việc cải thiện giấc ngủ, sức đề kháng…

Nội dung chương trình học của trẻ bao gồm 15 chữ cái được xây dựng tương ứng với 15 chủ đề kĩ năng sống. Hình thức thể hiện là sự kết hợp giữa âm thanh, hình ảnh và video hướng dẫn học của nhóm nghiên cứu. Thiết bị sẽ đưa ra cảnh báo, hướng dẫn, động viên và khích lệ khi trẻ làm sai, đồng thời khen ngợi khi trẻ làm đúng.

Để làm ra được sản phẩm thiết thực này, cô Hà cho biết đã nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người. “Có những nhà khoa học chưa từng quen biết, nhưng khi tôi liên hệ để được giúp đỡ, họ đã rất nhiệt tình cùng chung tay xây dựng sản phẩm. Nhất là những cô giáo ở Làng trẻ Hòa Bình, chính họ đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu về các em mắc bệnh Down để giúp chúng tôi hoàn thiện sản phẩm”, cô Hà chia sẻ.

Qua nhiều lần thử nghiệm, hủy nhiều sản phẩm lỗi, cô Hà và nhóm của mình đã hoàn thiện thiết bị và khi nhìn các em nhỏ bị Down thích thú với sản phẩm của mình, lúc đó hạnh phúc như muốn vỡ òa. “PSE gồm có tivi hoặc máy chiếu kết nối với máy tính. Một thiết bị cảm ứng không dây gồm 4 chip cảm biến sẽ được gắn với tấm thảm có bề mặt là những viên sỏi. Những viên sỏi đầy màu sắc này được thiết kế dựa trên chiều dài xương chân kích thích trẻ vận động. Khi trẻ di chuyển, sỏi sẽ tác động vào các huyệt đạo ở lòng bàn chân, giúp các em được mát xa, sảng khoái, tăng tuần hoàn máu, từ đó tác động đến não bộ, khả năng nhận thức cũng như cải thiện giấc ngủ của trẻ", cô Hà giải thích.

Đến nay sản phẩm đã được đánh giá là 1 trong 4 dự án xuất sắc nhất toàn quốc trong Chương trình Tri thức trẻ vì sự nghiệp giáo dục năm 2018. “Càng làm chúng tôi cảm thấy trách nhiệm càng lớn. Sau khi thử nghiệm, chúng tôi rất mong được sự quan tâm để sản phẩm này được đánh giá nghiêm túc, khoa học để có thể áp dụng trong hệ thống giáo dục”.

Cô giáo trẻ nhóm lên tương lai cho những trẻ em mắc hội chứng Down ảnh 2

Live stream để dạy học

Không chỉ luôn hướng về những dự án giúp đỡ trẻ em không may mắn, cô Hà còn là một giáo viên dạy giỏi với nhiều sáng kiến thiết thực. Năm học 2017-2018, cô giáo Dương Thị Thu Hà xây dựng mô hình lớp học trải nghiệm tại trường THPT Lê Lợi. Đó là hướng dẫn học sinh thực hiện chuyên đề “Học sinh Thủ đô trồng hoa tulip gắn với hoạt động từ thiện” bằng cách đưa học sinh sang học Học viện Nông nghiệp Việt Nam, gặp gỡ các nhân vật thành công, nổi tiếng trong lĩnh vực trồng hoa tulip, chia sẻ về quá trình khởi nghiệp và kĩ thuật trồng giống hoa này. Việc làm ấy giúp học sinh nhận rõ mối liên hệ giữa kiến thức trong nhà trường với thực tế cũng như ý nghĩa của hoạt động từ thiện. 

Bản thân cô đã đầu tư vốn để học sinh mua củ giống, nguyên liệu rồi cho các em tự tay chăm sóc trong 1 tháng. Sản phẩm thu hoạch sau đó được các em mang bán và thu về số tiền là 4,75 triệu đồng. Với số tiền này, các em đã đi làm từ thiện cùng Đoàn Thanh niên tại Thanh Sơn (Phú Thọ). Sáng kiến của cô được Sở Khoa học và Công nghệ xếp loại đạt Sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố năm 2018.

Mười ba năm gắn bó với bảng xanh, phấn trắng, cô Hà luôn quan niệm “Làm thế nào để mỗi học sinh đến trường đều thấy vui vẻ và hạnh phúc”. Thời đại công nghệ bùng nổ, cô còn rất chú trọng áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Xuất phát từ mong muốn có thể chia sẻ nhiều hơn những sáng kiến, kinh nghiệm, kiến thức đến với đồng nghiệp và học sinh, cô Hà cùng một số học trò cũ đã thành lập page “Tự học Sinh học 9.0 cùng cô HaBio”. Đây là nơi đăng tải những tài liệu học tập, đề kiểm tra, kiến thức Sinh học thú vị và cũng là cầu nối gắn kết với rất nhiều thầy, cô giáo cùng chia sẻ, giao lưu kinh nghiệm trong dạy học.

Cô cũng chuyển cách dạy offline sang live stream và tham gia dạy học trực tuyến tại Hệ thống Giáo dục hocmai.vn để có thể đưa những kiến thức Sinh học đến gần hơn, nhanh hơn tới học sinh ở khắp các vùng miền trên cả nước

Bằng sự tận tụy với học trò, sáng tạo trong giảng dạy, hai năm liên tiếp (2017 - 2018), cô Hà được vinh danh tại giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo. Cô cũng được Công đoàn Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội tặng giấy khen “Cô giáo giỏi việc nước, đảm việc nhà” và là một trong hai giáo viên Thủ đô được giới thiệu lên Bộ Giáo dục và Đào tạo để khen thưởng.

Chia tay chúng tôi, cô Hà lại tất tả với những hồ sơ, dự án mới của mình. Đó là cuốn sách “Cẩm nang cho bà mẹ có con mắc hội chứng Down” - những kinh nghiệm quý báu sẽ được phát miễn phí đến các bà mẹ ở nông thôn để thắp lên ngọn lửa tương lai cho các trẻ em không may mắn...