Có bội thực ngành học “hot” ở nhóm trường top dưới?

ANTĐ - Hàng loạt các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ngoài công lập mọc lên như nấm, rồi các chương trình liên thông, liên kết đào tạo, các trường đua nhau mở rộng chỉ tiêu, mở ra các ngành “hot”…

Cánh cửa cho những học sinh có học lực trung bình, những học sinh thi trượt đại học có vẻ đã rộng mở hơn nhiều. Nhưng đó có thực sự là cơ hội của các em khi bước vào đời?

Có thể thấy những năm gần đây, Kinh tế là nhóm ngành được thí sinh chọn lựa nhiều nhất. Thí sinh có học lực cao thì chọn các trường tốp trên, còn học lực trung bình thì chọn nhóm trường tốp dưới, trường dân lập hoặc cao đẳng, trung cấp.

Thế mới thấy một thực trạng hiện nay là nơi nơi mở trường, trường nào cũng xin thêm chỉ tiêu, mở ngành học “hot”, thêm hình thức đào tạo để thu hút hồ sơ đăng ký. Trong số chỉ tiêu tuyển sinh xin tăng thêm của các trường năm nay, hầu hết đều rơi vào khối ngành Kinh tế. Số hồ sơ đăng ký vào khối ngành này cũng không ngừng tăng trong khi nhiều ngành học khác, cơ hội việc làm hơn hẳn nhưng nghe tên không hấp dẫn vẫn chịu cảnh đìu hiu.

Không những thế, giờ đây, không đỗ ĐH, học hệ trung cấp hoặc CĐ, sau đó học liên thông lên các cấp cao hơn đã trở thành xu hướng chọn lựa của nhiều học sinh và phụ huynh. Trường trung cấp mở hệ liên thông lên CĐ, trường CĐ mở hệ liên thông lên ĐH... Các trường ở thành phố mở cơ sở ở các tỉnh, các trường tỉnh lẻ liên kết với các trường ở thành phố. Các tổ chức như trung tâm nghiên cứu, viện nghiên cứu chuyên ngành cũng phải chọn lấy một vài trường để liên kết đào tạo…

Các thí sinh không đủ điểm vào ĐH còn được chào mời hệ đào tạo 2+2, một chương trình liên kết đào tạo 2 năm ở Việt Nam và 2 năm ở một trường nước ngoài, tất nhiên là với mức học phí ngất ngưởng. Tuy nhiên mức học phí này “thấp hơn đến 75%  so với du học” nên rất nhiều phụ huynh vẫn quyết định cho con em mình theo học để có một tấm bằng quốc tế.

Ở lĩnh vực đào tạo nghề, sau khi có sự phối hợp giữa Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh thi vào các trường nghề cũng có thể liên thông từ hệ công nhân kỹ thuật lên trung cấp nghề, liên thông từ trung cấp nghề lên CĐ nghề, từ CĐ nghề lên ĐH. Ngay cả những học sinh chưa tốt nghiệp THPT, khi được xét tuyển vào trường trung cấp nghề, sau một thời gian theo học cũng có thể được cấp bằng có giá trị tương đương bằng tốt nghiệp.

 

Song, đáng nói nhất là tình trạng đua nhau mở trường tư thục và cuộc chạy đua hút học viên của những trường này. Đã từng tồn tại thực trạng thí sinh chẳng cần tham gia dự thi hay xét tuyển cũng có thể nhập học tại một trường nào đó. Còn nhớ sau mùa thi năm ngoái, nhiều trường ĐH dân lập đã bị Bộ Giáo dục và Đào tạo phạt vì các vi phạm như gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ ĐKXT vào trường; thông báo nhận hồ sơ ĐKXT trước thời gian quy định, gửi giấy báo trúng tuyển ngay khi thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT…

Lý giải cho thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay đầu tư vào giáo dục quá hấp dẫn (một cuộc khảo sát mới đây đã cho thấy giáo dục đang dẫn đầu danh mục lĩnh vực hấp dẫn đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam). Nhiều người nói vui rằng hiếm có ngành kinh doanh nào mà khi chưa có sản phẩm, chưa biết chất lượng đào tạo ra sao đã được nhận tiền “tươi” như giáo dục. Doanh thu mỗi năm lên đến hàng tỷ đồng, sau khi trừ chi phí thuê mướn mặt bằng, trả tiền giáo viên và nhân viên… khoản lãi ròng thu được vẫn được miêu tả là “siêu lợi nhuận”.

Trái ngược với mức thu cao ngất thì chất lượng của nhiều trường đang ở mức báo động. Trường thuê, thầy thiếu, chủ đầu tư chỉ chăm chăm vấn đề lợi nhuận, những người có tâm huyết với giáo dục thì “ít cổ phần” nên không có tiếng nói… Chỉ có học viên, những người vì chưa có một hình dung cụ thể về mục đích chọn trường học, chọn nghề nghiệp là phải hứng đủ.

Ngành “hot” đang là thị hiếu của nhiều thí sinh

TS Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết:

- Trong cơ cấu lao động của một DN, đội ngũ cán bộ khung trình độ cao thường chỉ chiếm từ 5-10%. Tuy nhiên, xu hướng thích vào đại học, thích học ngành “hot” của không ít học sinh đã khiến thị trường lao động không chỉ thiếu hụt lao động phổ thông mà còn khan hiếm cả đội ngũ lao động kỹ thuật. Theo thông tin từ nhiều báo và dư luận xã hội, nhiều cơ sở đào tạo theo thị hiếu của thí sinh để mở ngành “hot”. Theo thống kê, trong số gần 490 cơ sở đào tạo ĐH, CĐ hiện có, thì có đến 360 cơ sở có đào tạo ngành Quản trị kinh doanh, 298 cơ sở mở ngành kế toán, 297 cơ sở mở ngành CNTT, và 193 cơ sở đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng…

Trong khi đó, nhiều ngành truyền thống ở cả những trường ĐH lớn, nhất là một số ngành khối nông lâm ngư nghiệp lại rơi vào tình trạng thiếu nguồn tuyển. Thậm ch
í, nhiều cơ sở đạo tạo không giữ nổi những ngành đặc thù được xem là thế mạnh của mình.

- Vậy theo ông, giải pháp cần thiết là gì?

- Theo tôi, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp, có chính sách phù hợp để thu hút thí sinh thi vào học các ngành đang cần nhân lực, mở ngành đào tạo phải phù hợp với nhu cầu thực tế và định hướng phát triển nguồn nhân lực của từng địa phương và cả nước, tăng cường gắn kết đào tạo với sử dụng nhân lực…Vì nếu không kịp thời điều chỉnh thì cán cân cung - cầu nguồn nhân lực ngày càng mất cân đối, hệ lụy đến sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội là tất yếu.

Đối với các cơ sở đào tạo ĐH, CĐ phải thực sự đổi mới công tác tuyển sinh để đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tăng cường liên kết giữa nhà trường/cơ sở đào tạo với doanh nghiệp. Đồng thời, chúng ta phải hoàn thiện hệ thống công cụ kiểm tra, giám sát, kiểm định và đánh giá chất lượng và kết quả đào tạo; phải có hệ thống giám sát và đánh giá độc lập về chất lượng giáo dục, đào tạo.

Động lực và năng lực là hai vấn đề quyết định

Xã hội hóa giáo dục có mặt tốt của nó. Nhiều trường, nhiều ngành mở ra tạo cơ hội học tập cho các em học sinh. Nhưng chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc huy động nguồn lực của xã hội mà thiếu hẳn yếu tố giám sát xã hội. Vì vậy, ai cũng “bo bo” lợi ích bản thân chứ không vì xã hội.

Muốn nâng cao chất lượng thì phải có hai yếu tố quan trọng là động lực và năng lực. Hiện nay, chúng ta đều thiếu cả hai yếu tố này. Động lực là gì: Với người học thì số nhiều động lực không phải là chất lượng, mà vì bằng cấp. Cơ sở đào tạo cũng vậy, vì mục đích lợi nhuận là chính chứ chưa đề cao chất lượng.

Còn về năng lực, nhà trường có không, đó là khả năng đào tạo, môi trường đào tạo, chất lượng giảng viên… Năng lực tốt thì mới cho ra những sản phẩm tốt, đáp ứng nhu cầu xã hội. Cũng như học viên, năng lực của anh hạn chế mà anh vẫn muốn học những ngành “hot” thì rất khó đáp ứng nhu cầu xã hội. Nhiều cơ sở đào tạo kém chất lượng vẫn mở ngành “hot” là vì thế. Chúng ta thiếu cả hai yếu tố này thì không dễ có lời giải cho vấn đề đào tạo nhân lực hiện nay.

PGS Nguyễn Hữu Chí,
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đào tạo và Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương

“Mê hồn trận” các trường kinh tế

Trong quá trình tìm hiểu để giúp con lựa chọn trường thi thích hợp, quả thực tôi như lạc vào “mê hồn trận” các trường khối ngành kinh tế ở mức độ đáp ứng cho cả học sinh học lực trung bình, thậm chí dưới trung bình (chưa được công nhận tốt nghiệp THPT, có điểm thi ĐH, CĐ dưới điểm sàn…). Nhiều trường cao đẳng mở cả hệ trung cấp đào tạo các chuyên ngành nghe rất kêu như Kế toán, Tài chính - ngân hàng, Quản trị kinh doanh… Nhiều trường có thể liên thông lên hệ CĐ, ĐH.

Thực sự với những lời quảng cáo trên trời như thế, phụ huynh chúng tôi hết sức hoang mang. Là cơ hội cho các cháu học tập, nhưng khi ra trường liệu bằng cấp của các cháu có được xã hội chấp nhận, trình độ của các cháu có đáp ứng công việc. Các trường đua nhau, bằng mọi cách, bằng mọi giá để có được học viên, vắt kiệt “bầu sữa” của người dân, nhưng liệu trách nhiệm của họ với học viên ra sao thì khó biết được. Tôi rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý chặt hơn nữa chất lượng của các trường này, để khi chúng tôi bỏ đồng tiền bát gạo ra phải được nhận lại xứng đáng.

Bà Đoàn Thị Loan
(Phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội)