Nghịch lý trong đào tạo lái xe

Có bằng lái cũng như không

ANTĐ - Có bằng lái xe, chị Nguyễn Bích Loan (ở phường Quảng An, quận Tây Hồ) vẫn chưa một lần đủ tự tin ngồi sau vô lăng để lái chiếc xe Toyota - Corolla Altis mua trước đó cả năm. 

Học một đằng, lái xe một kiểu

Có lẽ, những ai đã từng học qua khóa đào tạo lái xe tại các trung tâm mới có thể hiểu được lý do mà chị Loan đưa ra. Đây cũng là nghịch lý trong chương trình đào tạo lái xe tại các cơ sở đào tạo ở Việt Nam hiện nay. Chị Loan tâm sự: “Lúc đầu, tôi rất háo hức muốn lấy tấm bằng lái xe để đưa hai đứa nhỏ đến trường những lúc mưa, nắng hay những khi chồng đi công tác xa nhà.

Thế nhưng xe đã mua, bằng đã có trong tay nhưng cả năm nay xe vẫn mới coóng phủ bụi trong gara vì không có ai hướng dẫn tôi lái xe số tự động trong trường dạy lái. Xem ra tấm bằng lái xe của tôi vô dụng. Giờ tôi chỉ còn cách tự học ở ngoài hay nhờ một ai đó có kinh nghiệm lái xe số tự động chỉ bảo…”. Tình trạng có xe nhưng không thể lái, hoặc không đủ tự tin và lo lắng khi lái xe số tự động có lẽ không còn là tâm trạng của riêng chị Loan, mà đó là tình trạng chung của rất nhiều người.

 Nhiều người khá lúng túng trong việc điều khiển xe số tự động do không được đào tạo trong trường lái xe

 Nhiều người khá lúng túng trong việc điều khiển xe số tự động
do không được đào tạo trong trường lái xe

Chính bản thân phóng viên cũng đã theo học khoá đào tạo lái xe tại một trung tâm tại Hà Nội, và mặc nhiên, chương trình đào tạo tại các trung tâm đào tạo lái xe đều tuân theo một chuẩn mực chung mà ở đó tất cả những gì các thầy dạy lái truyền thụ lại cho học viên cốt làm sao điều khiển phương tiện ô tô số sàn cho thật nhuần nhuyễn.

Khi tôi đem thắc mắc hỏi thầy giáo trực tiếp hướng dẫn mình: Làm cách nào có thể lái xe số tự động an toàn và thành thạo trong khi học viên chỉ được học cách lái xe số sàn, thì được giáo viên trả lời: “Bất cứ ai khi bắt đầu học lái xe đều phải học lái xe số sàn trước, bởi lẽ khi đã lái được xe số sàn, mọi người đều có thể lái được xe số tự động một cách dễ dàng.

Hơn nữa xe số tự động đơn giản hơn nhiều chỉ có chân ga và chân phanh, giống như dòng xe máy ga dành cho nữ…”. Với cách giải thích đơn giản như vậy, chẳng có học viên nào băn khoăn về trình độ lái xe của mình sau khi kết thúc khoá đào tạo lái xe, nhưng chỉ đến khi ngồi sau vô lăng, mọi người mới thấy rằng thực tế không giống như vậy.

Ông Nguyễn Văn Việt, giáo viên lâu năm một trường đào tạo lái xe nằm trên địa bàn quận Long Biên nhận xét: “Những hạn chế trong đào tạo, cấp giấy phép lái xe hiện nay chứa đựng những hiểm hoạ được báo trước, bởi trong chương trình đào tạo lái xe hiện hành không theo kịp xu hướng phát triển của các dòng xe đời mới đang lưu hành trên thị trường.

Thông thường, các học viên đã theo học lái xe hạng B2, khi tốt nghiệp đều có thể điều khiển các loại xe ô tô từ 4-9 chỗ, song hạn chế nằm ở chỗ kiến thức này chỉ áp dụng với dòng xe số sàn. Số lượng thông tin ít ỏi về dòng xe trang bị số tự động trong giáo trình đào tạo lái xe hiện hành ở Việt Nam khiến học viên sẽ rất vất vả khi chưa một ngày làm quen với dòng xe này”.

Lỗ hổng trong đào tạo lái xe

Chị Nguyễn Thanh Tú, ở phường Giảng Võ, quận Ba Đình đã ví: “Có tấm bằng lái xe cũng giống như xoá nạn mù chữ, còn nếu để lái được xe số tự động thành thạo chắc người học phải tự học bên ngoài”. Với những người theo học khoá học đào tạo lái xe để cho biết, hay chỉ để chuẩn bị trước khi mua xe thì đi một lẽ, nhưng với một số người đó là nghề nghiệp để họ mưu sinh, kiếm sống.

Do vậy, công sức, tiền bạc bỏ ra để có tấm bằng đôi khi chưa hẳn đã giúp họ có được công việc tốt chỉ bởi loại phương tiện mà họ được đào tạo không phù hợp với loại phương tiện mà họ được thuê lái. Anh Trần Anh Dũng buồn bã: “Mặc dù, giấy phép lái xe cho phép tôi có thể điều khiển các loại xe từ 4-9 chỗ, nhưng do chưa làm quen với dòng xe số tự động bao giờ nên tôi đã rất lúng túng khi xử lý tình huống trên đường khi được nhận vào làm lái xe riêng cho giám đốc một công ty liên doanh.

Chính vì vậy, cách đây 1 tuần, công ty đã cho tôi nghỉ việc để về học thêm cách lái xe số tự động. Bạn bè tôi thì không ai có xe ô tô đời mới để mượn tập dượt, còn thuê một chiếc xe đời mới học thêm thì lấy đâu ra tiền. Tôi chưa biết phải tính sao…”.

Ông John Nguyễn, một người Việt đang sinh sống và làm việc tại Mỹ đã chia sẻ về việc đào tạo lái xe ở Việt Nam: “Ở Mỹ mọi công dân đủ 16 tuổi trở lên đều phải có bằng lái, tất cả đều tập và lái xe trên dòng xe số tự động vì đây là dòng xe sử dụng thông dụng tại Mỹ. Bạn có thể đăng ký thi sát hạch tay lái bất kỳ lúc nào nếu đủ tự tin lái xe trên đường với vị giám khảo ngồi cạnh. Vấn đề là phải thể hiện cho giám khảo thấy được khả năng điều khiển chiếc xe và quan sát giao thông trên đường.

Vượt qua kỳ thi thực hành, sẽ được cấp bằng lái tạm thời, nhưng với tấm bằng này không có nghĩa bạn có đủ điều kiện lái xe một mình trên đường. Bạn sẽ phải mất từ 3-6 tháng lái xe với người đã có bằng trước đó để có kinh nghiệm xử lý khi tham gia giao thông. Sau đó, bạn phải vượt qua một kỳ thi cuối cùng mới có bằng lái xe chính thức...”. Với quy trình khắt khe như vậy, ông John Nguyễn cho rằng các trường đào tạo lái xe ở Việt Nam còn quá dễ dãi trong khâu đào tạo, cấp bằng, chưa kể đến nghịch lý học viên được học xe số sàn nhưng lại ra lái xe số tự động.

Được biết, đối với một số nước họ thường đào tạo đón đầu công nghệ, tuy nhiên ở Việt Nam điều này chưa được thực hiện. Nguyên lý của việc đào tạo là phải cập nhật thông tin cho phù hợp với thực tế, nhưng trong các văn bản của các cấp quản lý thì cũng chưa có yêu cầu bắt buộc các cơ sở phải có xe số tự động để dạy học viên. Điều này thể hiện sự thiếu đồng bộ giữa phương thức giảng dạy của các cơ sở và các văn bản pháp luật quy định, và không ít vụ tai nạn liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây… đang cảnh báo lỗ hổng trong đào tạo lái xe tại các cơ sở đào tạo hiện nay.

(Còn nữa)