Chuyện"người nhà quê" chê người Hà Nội

ANTD.VN - Lâu rồi tôi mới về quê, lại gặp đứa cháu gọi bằng ông trẻ cũng lâu lắm rồi không gặp, nó nói một câu mà giờ vẫn canh cánh trong lòng.

- Cháu nó nói sao? Trách ông quên họ mạc à?

- Trách thì cũng có nhiều người trách, nhưng là trách vui thôi. Đằng này nó bảo: Ông đi “thoát ly” mấy chục năm, bây giờ thành người Hà Nội rồi, bọn cháu chẳng dám ngồi cùng chiếu.

- Ô hay, sao là người Hà Nội thì lại không dám ngồi cùng chiếu?

- Thì lúc đó tôi cũng ngạc nhiên hệt như ông ấy. Sau hỏi chuyện bọn trẻ, mới biết hóa ra dân quê tôi còn “kỳ thị” người Hà Nội kia.

- Dùng từ “kỳ thị” là nặng rồi đấy.

- Biết thế, nhưng trong con mắt của bọn trẻ, người Hà Nội như một dạng “đặc chủng”, đứng cách biệt với cộng đồng. Chúng nó đi ra Hà Nội làm thuê, về quê toàn kể cho nhau nghe chuyện người Hà Nội đanh đá, ghê gớm, lại kiêu căng, chỉ biết mình, không mấy khi qua lại với hàng xóm láng giềng, nhà nào nhà nấy đóng cửa im ỉm, hễ gặp nhau thì chào xã giao  nhạt như nước lã. Nhà nào có công to việc lớn, chỉ biết cặm cụi chủ động lo việc nhà mình. Chẳng như ở quê, tối lửa tắt đèn có nhau.

- Nói vậy cũng không sai…

- Thì không sai, nhưng bọn chúng nó cũng nhìn phiến diện quá, còn bao nhiêu cái hay, cái tốt không nhìn. Mấy chục năm ở đây, chính tôi cũng thấm được bao nhiêu cái thanh lịch, văn minh.

- Ông thấm được, nhưng còn nhiều người chẳng những không thấm được cái hay, mà còn hấp thu thêm cái dở, thế nên mới làm ra một bộ mặt lem nhem. Đã vậy, lại còn bảo nhau “xấu xa đậy lại”, không thừa nhận cái xấu của mình. Muốn hết tiếng xấu thì phải nhìn thẳng vào sự thật rồi cố mà thay đổi đi thôi.