‘Chuyện người Hà Nội’: Bộ sách làm ‘sống dậy’ những hồi ức xưa cũ về mảnh đất Kinh kỳ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với văn phong giản dị, gần gũi, bộ sách “Chuyện người Hà Nội” đã làm “sống dậy” những hồi ức đẹp đẽ về một Hà Nội xưa cũ, cổ kính và đầy hoài niệm.

Tư liệu quý giá về một Hà Nội xưa cũ

Sau thành công của “Chuyện người Hà Nội” tập 1, mới đây, Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam phối hợp với nhóm tác giả Hà Nội Tri Thức, đã tiếp tục cho ra mắt “Chuyện người Hà Nội” tập 2 với mong muốn đi sâu hơn vào ngõ ngách văn hóa, đời sống sinh hoạt của mảnh đất Kinh kỳ. Từng trang sách như quay ngược thời gian, giúp độc giả có thể cảm nhận chân thực, sâu sắc về bức tranh Hà Nội xưa cũ, dung dị và rất đỗi quen thuộc.

“Chuyện người Hà Nội” tập 1 và tập 2 (Ảnh: M.Đ.)

“Chuyện người Hà Nội” tập 1 và tập 2 (Ảnh: M.Đ.)

“Chuyện người Hà Nội” có thể viết về người Hà Nội, cũng có thể là chuyện của các tác giả - những người Hà Nội viết về chính họ, về Hà Nội dấu yêu. Đó là những mảnh kí ức mang tên gánh hàng rong với thức quà vặt tuổi thơ; những tà áo dài thướt tha; những con phố cũ đầy hoài niệm; hay kí ức về những người ông, người cha, người thầy đáng kính; và những người bà, người mẹ, người chị tần tảo, suốt đời hi sinh cho gia đình.

Nhắc đến Hà Nội xưa là không thể bỏ qua những “đặc sản” một thời như: rạp chiếu bóng Hòa Bình; bãi chiếu bóng Khương Thượng; các khu nhà tập thể chật hẹp xây theo kiểu lắp ghép, đầy “chuồng cọp”... Với nhiều người Hà Nội, đó chắc chắn là những hồi ức không thể quên của một thời khốn khó nhưng đáng nhớ và đầy ắp kỉ niệm.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử với những dâu bể thăng trầm, người Hà Nội vẫn duy trì được phẩm chất hào hoa, phong nhã cùng ý chí mạnh mẽ, phi thường, vượt lên mọi hoàn cảnh khắc nghiệt. Nét đẹp ấy là sự kết tinh tinh hoa của gia giáo nhiều đời và được hun đúc từ trí tuệ, đạo đức của nhiều thế hệ người Hà Nội.

Một số công dân Thủ đô tiêu biểu sẽ được nhắc đến trong “Chuyện người Hà Nội”. Đó là câu chuyện về Nhà giáo Ưu tú, Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc - người thầy giáo say mê đầu tư công sức cả đời để khám phá một Hà Nội “sang trọng và lam lũ”, hay nghệ sĩ Ngọc Bảo - bằng giọng hát và phong thái tao nhã, hào hoa đã khiến người Hà Nội yêu quý và trân trọng vinh danh ông là “tài tử”.

Bên cạnh các bài tản văn, “Chuyện người Hà Nội” còn có rất nhiều bài viết cung cấp thông tin, mang tính chất khảo cứu cho những người yêu quý Hà Nội và muốn tìm hiểu kỹ về mảnh đất này. Nguồn gốc, thân thế chiếc xe tay - một phương tiện giao thông của Hà Nội xưa; địa danh lịch sử Bác cổ với kiến trúc đặc sắc và độc đáo; một cây cầu Thăng Long với vô vàn “cái nhất”; diện mạo văn học Hà Nội từ năm 1947-1954... Tất cả đều được gói gọn trong 2 tập sách nhỏ xinh “Chuyện người Hà Nội”.

Nơi gặp gỡ của những tâm hồn đồng điệu

“Chuyện người Hà Nội” nhưng lại không dành riêng cho người Hà Nội, mà dành cho tất cả mọi người - những ai đã, đang và sẽ sinh sống tại đây cũng như yêu mến mảnh đất này. Bộ sách sẽ là cầu nối đưa những tâm hồn đồng điệu đến gần nhau, để cùng tâm sự, sẻ chia các kí ức, kỉ niệm đẹp đẽ, hay đơn giản chỉ là tìm những người bạn có chung đam mê, tình yêu to lớn với Hà Nội.

Sự ra đời của bộ sách cũng là một cái duyên gắn kết đầy bất ngờ giữa các tác giả - nhóm Facebooker mang tên Hà Nội Tri Thức. Từ những dòng tâm sự như để trải nỗi lòng mình với Hà Nội, họ đã thấu hiểu được cảm xúc, nỗi nhớ nhung của nhau.

Nỗi nhớ ấy có khi rất thực, có khi mơ hồ nhưng đầy thao thức, đầy ám ảnh. Và chính các tác giả cũng không thể ngờ rằng, những câu chuyện mà họ chia sẻ lại nhận được sự đồng cảm của rất nhiều người, nỗi nhớ mà họ đau đáu cũng là nỗi nhớ của vô vàn mảnh đời khác.

Nhóm Hà Nội Tri Thức trong buổi giao lưu, gặp gỡ các tác giả (Ảnh: M.Đ.)

Nhóm Hà Nội Tri Thức trong buổi giao lưu, gặp gỡ các tác giả (Ảnh: M.Đ.)

Từng trang sách, từng con chữ đều thấm đượm tình cảm của người viết. Mỗi câu chuyện là một mảnh ghép kí ức thật đẹp về Thủ đô ngàn năm văn hiến. Qua đó, người đọc càng thêm yêu mến, trân trọng hơn các giá trị văn hóa truyền thống và cả những con người nơi đây.

“Hà Nội đang lớn rộng từng ngày, mỗi lần gặp lại tôi không khỏi ngỡ ngàng dù đã quá quen thuộc… Nhưng chỉ cần ngồi quán cà phê nhìn theo gánh hàng hoa mỗi sáng trên phố cổ, dạo bước trên vỉa hè vàng lá rụng, uống cốc bia hơi trưa nắng hanh hao... bỗng lòng nao nao nhận ra vẻ đẹp một Hà Nội xưa cũ vẫn hiện diện đâu đó và bạn bè vẫn nguyên vẹn sự tinh tế và chân tình của người Hà Nội. Chỉ thế thôi mà mỗi lần trở về là mỗi lần ngập ngừng khi nói lời từ biệt”, (trích “Ký ức Hà Nội trong ngày hôm nay” của tác giả Nguyễn Thị Hậu trong “Chuyện người Hà Nội” tập 1).

“Chuyện người Hà Nội” chắc chắn là bộ sách không thể bỏ qua đối với những ai đã trót “phải lòng” mảnh đất này. Dù xưa hay nay, Hà Nội vẫn luôn giữ được “cái hồn”, nét đẹp riêng vốn có, bất chấp sự khắc nghiệt của dòng chảy thời gian. Tình yêu dành cho Hà Nội cũng vậy, nó sẽ luôn cháy rực, bền bỉ và không bao giờ nguội tắt.