Chuyên gia Nga: Tham vọng của Trung Quốc khiến biển Đông căng thẳng

ANTĐ - Ngày 18-1, Khoa Phương Đông và Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint-Peterburg đã chủ trì cuộc hội thảo khoa học với chủ đề “Quần đảo Hoàng Sa 40 năm qua: Sự leo thang tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông và hệ quả tác động địa chính trị khu vực”.

Tham dự hội thảo có các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực nghiên cứu châu Á, lịch sử và luật biển đến từ Đại học Tổng hợp quốc gia Saint-Peterburg, Đại học Công nghệ Quốc gia Baltic - Voenmekh, Học viện Quan hệ Quốc tế - Bộ Ngoại giao Nga, Viện các vấn đề địa chính trị, Viện các nước Á-Phi thuộc Đại học tổng hợp Quốc gia Moskva, Viện Đông phương học, Viện Viễn Đông - Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Viện nghiên cứu chiến lược Nga, Học viện Công vụ trực thuộc Tổng thống Nga và đại diện lãnh đạo thành phố Saint-Peterburg.

Trong một ngày làm việc, Hội thảo đã nghe các tham luận về lịch sử tranh chấp chủ quyền ở biển Đông; chính sách của Trung Quốc và các nước liên quan trong giải quyết xung đột; phản ứng của các cường quốc ngoài khu vực và cộng đồng quốc tế trước những diễn biến ở biển Đông; vai trò của luật pháp quốc tế trong giải quyết xung đột...

Các chuyên gia Đông phương học hàng đầu của Matxcơva và Saint-Peterburg đã sôi nổi thảo luận về hậu quả địa chính trị do tham vọng bành trướng mở rộng lãnh thổ của Trung Quốc tại biển Đông.

Chuyên gia Nga: Tham vọng của Trung Quốc khiến biển Đông căng thẳng ảnh 1

Tham vọng của Trung Quốc là tác nhân gây ra căng thẳng trên biển Đông


Các nhà khoa học Nga nhận định rằng, tranh chấp lãnh thổ ở Đông Nam Á và Đông Bắc Á mà một trong những bên ráo riết là Trung Quốc đã tác động làm thay đổi cán cân lực lượng vốn có và gây ảnh hưởng đến lợi ích then chốt của các nước trong khu vực cũng như toàn cầu.

Tham luận của các chuyên gia đều nhấn mạnh việc Trung Quốc công bố bản đồ “đường lưỡi bò” có nguy cơ gây ra cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực, đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải quốc tế. Đồng thời, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khiến tiến trình xử lý tranh chấp ngày càng trở nên phức tạp.

Hội thảo bày tỏ quan ngại sâu sắc trước sự leo thang căng thẳng ở biển Đông và nguy cơ bất ổn trong khu vực, cho rằng biện pháp tốt nhất giải quyết tranh chấp là đàm phán hòa bình trên cơ sở tính đến lợi ích hợp pháp của các bên liên quan trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và tiếp tục nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Chuyên gia Nga: Tham vọng của Trung Quốc khiến biển Đông căng thẳng ảnh 2

Một số học giả Nga tham gia Hội thảo


Các chuyên gia nổi tiếng về châu Á-Thái Bình Dương như nhà lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Australia và châu Đại Dương từ Viện Phương Đông Dmitry Mosyakov, nghiên cứu viên cao cấp từ Viện Viễn Đông Gregory Lokshin (Viện Hàn lâm khoa học Nga), Giáo sư Khoa Phương Đông, Đại học Tổng hợp Saint-Peterburg, Tiến sĩ khoa học Vladimir Kolotov, Giáo sư Yuri Dubinin từ trường Quan hệ Quốc tế Matxcơva (MGIMO)... đều có bài viết tham gia thảo luận.

Các tham luận đều nhấn mạnh đặc điểm gia tăng căng thẳng trong tình hình ở Đông Nam Á và Đông Bắc Á hiện nay, và yêu cầu cần thiết phải thực thi những biện pháp kịp thời để ngăn chặn đà leo thang xung đột khu vực trở thành đụng độ quy mô lớn toàn cầu.

Các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng các cường quốc ngoài khu vực như Nga, Mỹ, Ấn Độ hết sức quan tâm đến sự phát triển hòa bình và ổn định ở biển Đông vì lợi ích chính trị, kinh tế-thương mại với các nước trong khu vực, mong muốn các nước liên quan giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình.