Chuyện chưa từng xảy ra ở Venezuela: Khủng hoảng... giấy vệ sinh

ANTĐ - Ngày 21-5 mới đây, Quốc hội Venezuela đã thông qua kế hoạch chi 79 triệu USD (hơn 1.600 tỷ đồng) để nhập khẩu giấy vệ sinh và các sản phẩm vệ sinh cá nhân khác nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt những sản phẩm này tại đất nước dầu mỏ. Khoản tiền trên sẽ được sử dụng để mua 39 triệu cuộn giấy vệ sinh, 50 triệu hộp giấy ăn, 10 triệu bánh xà phòng, 17 triệu chiếc tã giấy trẻ em và 3 triệu tuýp kem đánh răng.

Tích trữ giấy vệ sinh để đề phòng

Bất thường

Hãng tin AP ngày 16-5 đưa tin, người dân Venezuela nhiều ngày qua đã đổ xô đi tích trữ giấy vệ sinh do lo ngại tình trạng khan hiếm sẽ còn kéo dài, gây tâm lý lo ngại bất thường. Bà Maria Rojas, 70 tuổi, cho biết: “Ngay cả ở tuổi của tôi, tôi cũng chưa từng chứng kiến chuyện này”. 

Sau khi Chính phủ Venezuela tuyên bố sẽ nhập 760.000 tấn lương thực và 50 triệu cuộn giấy vệ sinh. Bộ trưởng Thương mại Alejandro Fleming cho biết “nhu cầu tăng vọt” đối với mặt hàng giấy vệ sinh là do “các chiến dịch truyền thông được tạo ra để gây bất ổn đất nước”. Ông khẳng định, hàng tháng nhu cầu tiêu thụ giấy vệ sinh của nước này chỉ khoảng 125 triệu cuộn nhưng sức mua hiện tại “khiến chúng tôi nghĩ rằng phải cần thêm 40 triệu cuộn nữa”. “Chúng tôi sẽ nhập về 50 triệu cuộn để cho những nhóm đó thấy rằng họ không thể làm chúng tôi khuất phục”.

Dù vậy thì người tiêu dùng chưa mấy yên tâm khi họ vẫn khó tìm mua được thứ hàng thiết yếu này. Một số siêu thị tại Thủ đô Caracas tất cả đều trong tình trạng “cháy” giấy vệ sinh. Những siêu thị nào nhập được hàng về đều bị mua hết sạch. 

Chiến dịch chống nạn đầu cơ hàng hóa

Chính phủ Venezuela cho rằng, nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt các sản phẩm thiết yếu là do nhiều công ty tư nhân tích trữ sản phẩm để đợi bán ra thị trường với giá cao hơn. Có một thực tế là lương thực và các nhu yếu phẩm khác ở Venezuela được Chính phủ bán với giá bao cấp, nên nhiều tư thương đã lợi dụng chính sách này để đầu cơ, tích trữ hàng hóa rồi bán sang nước láng giềng Colombia kiếm lời, góp phần gây ra tình trạng khan hiếm.

Thế nhưng cũng có ý kiến cho rằng một số doanh nghiệp tư nhân giảm sản xuất với lý do Chính phủ kiểm soát giá cả, khiến công việc kinh doanh thua lỗ, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Mặt khác, chính sách kiểm soát tiền tệ của Chính phủ khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu không có ngoại tệ để nhập hàng, dẫn tới tình trạng thiếu hụt hàng hóa trên thị trường. 

Với sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang và thuế quan, ngày 13-5 vừa qua, hàng nghìn nhân viên đã tham gia thanh tra các cơ sở kinh doanh lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm khác tại Venezuela nhằm ngăn chặn tình trạng khan hiếm do nạn đầu cơ gây ra. Chiến dịch trên nằm trong kế hoạch thanh tra được triển khai từ ngày 7-1-2013 tại Venezuela với sự tham gia của 250.000 nhân viên nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu các mặt hàng thiết yếu của người dân như: bột ngô, bơ, dầu ăn, đường, cà phê, thuốc tân dược, sản phẩm vệ sinh cá nhân.

Một trong những doanh nghiệp bị tố cáo vi phạm quy định kinh doanh, gây ra cảnh thiếu thốn hàng hóa trên thị trường là tập đoàn Polar. Ðây là doanh nghiệp tư nhân đứng đầu trong chế biến và phân phối lương thực, thực phẩm và đồ uống tại Venezuela. Trước đây, ông Chávez và mới đây Tổng thống Nicolás Maduro đã tố cáo Polar giảm sản lượng và đầu cơ tăng giá, thậm chí dọa sẽ quốc hữu hóa doanh nghiệp này nếu phát hiện bằng chứng vi phạm quy định kinh doanh. 

Bộ trưởng Tài chính Venezuela Nelson Merentes cho biết, hiện nhiều nhà máy tại nước này chỉ hoạt động 50% công suất do các biện pháp quản lý ngoại hối khiến họ gặp khó khăn trong thanh toán nguyên liệu, phụ tùng nhập khẩu.

Ðúng là trên thực tế, sau khi dầu mỏ được phát hiện tại Venezuela, ngành trồng trọt và chăn nuôi đã bị bỏ bẵng trong một thời gian dài, khiến quốc gia Nam Mỹ này phải nhập rất nhiều lương thực và thực phẩm mới đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước. 

Nhận thức được sự cần thiết khôi phục nền nông nghiệp, sau khi lên cầm quyền, ông Chávez đã phát động các chương trình được biết đến với cái tên như: “Sứ mệnh Zamora” (tận dụng đất nông nghiệp chưa được khai thác, thậm chí thông qua quốc hữu hóa), “Sứ mệnh trở lại đồng ruộng” (thúc đẩy trồng trọt) và “Sứ mệnh lớn về nông nghiệp” (cung cấp cho các nhà sản xuất vừa và nhỏ yếu tố “đầu vào” để phát triển nông nghiệp). Đồng thời, Venezuela cũng đã ký các thỏa thuận hợp tác với các nước có truyền thống trong lĩnh vực này như Argentina, Brazil, Belarus...

Thế nhưng, có một thực tế là cùng với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, đời sống của người dân Venezuela được cải thiện, thu nhập của họ không ngừng gia tăng, vì vậy tiêu thụ cũng tăng mạnh. Như vậy, với nhu cầu tăng cao hơn nhiều so với tốc độ gia tăng sản xuất, Venezuela tiếp tục phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực và thực phẩm. Việc này đồng nghĩa với việc, Chính phủ và người dân Venezuela tiếp tục đối mặt với sự khan hiếm hàng hóa tiêu dùng cơ bản.

Tuy là quốc gia rất giàu tài nguyên dầu mỏ, nhưng Venezuela đã và đang lâm vào tình cảnh thiếu hụt trầm trọng các nhu yếu phẩm vệ sinh cá nhân. Venezuela hiện cũng đang chịu đựng tình trạng cắt điện không thường xuyên, tỷ lệ lạm phát lên đến 20% (năm 2012) và nợ công 150 tỷ USD, tương đương 1/2 GDP của quốc gia 29 triệu dân này.