Chuyện chưa kể về bộ phim tài liệu “Chiến thắng đường 9 - Nam Lào”

ANTĐ - Đại tá Đỗ Anh Dũng nguyên Tham mưu trưởng Lữ đoàn 45 Pháo binh - nhân vật trong bộ phim tài liệu “Chiến thắng đường 9 - Nam Lào” đã kể lại câu chuyện “hậu trường” và những tình huống bất ngờ của các phóng viên khi ghi lại được những cảnh quay hết sức chân thực “có một không hai” của bộ phim.

Gia đình đại tá Đỗ Anh Dũng (Ảnh chụp năm 1973)

Buổi chiếu phim ngoài trời

Gia đình tôi ở thành phố Hải Phòng, từ trước đến nay, Hải Phòng có nhiều rạp chiếu phim trong phố như rạp Cáttthay, rạp Công Nhân, rạp Dân Chủ… nhưng bây giờ do yêu cầu phát triển nhiều đội chiếu phim lưu động để phục vụ nhân dân thời chiến, nên các khu phố, các thôn xóm, các xã ngoại thành đều có bãi chiếu phim ngoài trời.

Hôm ấy, trời chưa tối mà loa ngoài bãi chiếu phim đã nổi nhạc ca hát và cổ động chương trình chiếu phim, trong đó có phim thời sự chiến đấu, đồng thời liên tục nhắc nhở bà con cảnh giác và trật tự chấp hành hướng dẫn của chỉ huy buổi chiếu phim khi có báo động máy bay địch.

Nghe có phim thời sự chiến đấu, vợ tôi nhắc cả nhà ăn cơm sớm để đi xem, cả bố tôi cũng đòi được đi cùng các cháu.

Buổi chiếu phim bắt đầu với phim tài liệu thời sự “Chiến thắng đường 9 - Nam Lào” của xưởng phim Quân giải phóng. Máy chiếu bật lên, đèn sáng vụt tắt, trước đó bãi chiếu phim dòng người đông đúc, ồn ào, tấp nập là thế mà bây giờ ngồi im phăng phắc, tập trung theo dõi trên màn ảnh. Bất ngờ một cậu bé chừng 7 tuổi, bật đứng dậy vừa nhảy vừa vung tay chỉ lên màn ảnh kêu toáng lên: 

- Bố, bố Dũng… Bỗ Dũng, mẹ ơi, bố Dũng kìa!

Mọi người xung quanh cười ồ lên. Mấy bạn của bé tranh nhau nói: 

- Bố tớ cũng là bộ đội đấy.

- Bố tớ cũng đang đánh Mỹ ở trong Nam đấy.

- Nhưng bố tớ được lên phim - Dũng nói.

Bà mẹ trẻ của bé, cô giáo Nguyễn Thị Tạo ngồi ở phía sau cũng xúc động và thì thầm với các cô bạn dạy học cùng trường tiểu học An Dương. Một bạn trêu đùa: 

- Có nhận nhầm ông xã không đấy?

- Sướng nhá, ông xã được lên phim nhé...!

 Trên màn ảnh tiếp diễn trận chiến đấu quyết liệt khi bố của bé Dũng trực tiếp gọi pháo bắn trúng những chiếc trực thăng đổ quân cứu viện của Sư đoàn kỵ binh bay của Mỹ, thì bé lại bật nhảy tung lên gọi: 

- Ông nội ơi, ông nội, bố Dũng… Bố Dũng, ông nội ơi!

- Ông thấy rồi, cháu ngồi xuống cho các bạn xem với… Ông nhắc cháu. Thật ra lúc này ông cũng đang rất xúc động, tự hào lấy vạt áo lau nước mắt.

Thế rồi hàng tuần lễ sau buổi chiếu phim hôm ấy, trong gia đình, bà con hàng xóm và bạn bè đồng nghiệp của vợ tôi không ngớt nói chuyện về buổi chiếu phim, khen ngợi phim chiến đấu và hỏi thăm tôi cùng đồng đội đang chiến đấu ở chiến trường. 

Đến cuối năm 1972, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Quảng Trị, tôi được ra Bắc và được phép về thăm gia đình, tôi cũng rất bất ngờ khi được nghe vợ kể lại câu chuyện về buổi chiếu phim tối hôm ấy, và còn nhấn mạnh một hình ảnh rất ấn tượng trong phim, là khi ở một trận địa, các pháo thủ đang bắn cấp tập, có một pháo thủ nạp đạn bị kẹt đã nhanh trí lấy chân đạp mạnh để tống đạn vào nòng, kết quả bắn tốt và chiến đấu liên tục làm mọi người cười ồ lên thoải mái, vỗ tay nhiệt liệt.

Xuất xứ của những thước phim vô giá 

Thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, Mỹ - Ngụy tiến hành cuộc hành quân quy mô lớn đánh ra đường 9 - Nam Lào, lấy tên là cuộc hành quân “Lam Sơn 719”. Ở thế chủ động, ta mở chiến dịch phản công chiến lược, chiến dịch đường 9 - Nam Lào đầu năm 1971. Trong chiến dịch này, trung đoàn 45 Pháo binh tất thắng chúng tôi được trang bị lại pháo cơ giới 130mm, để tổ chức chiến đấu hợp đồng binh chủng quy mô lớn. Quá trình chiến dịch, trung đoàn nhận chỉ thị tiếp nhận tổ công tác phóng viên mặt trận đến đơn vị quay phim, chụp ảnh, lấy thông tin tư liệu chiến đấu, với yêu cầu quay phim cả ở Đài quan sát, Sở chỉ huy và trận địa pháo. 

Trong lúc các phóng viên đang quan sát và quay phim, chụp ảnh thì bất ngờ xuất hiện dấu hiệu địch đổ quân xuống Điểm cao 500, một ngọn đồi chỉ còn cỏ gianh trơ trụi, không cây cối. Cùng với Bản Đông, điểm cao 500 và đồi không tên là những vị trí vô cùng quan trọng đối với địch, bởi nó án ngữ bảo vệ cứ điểm 543 của chúng và là lá chắn phía Bắc của cuộc hành quân Lam Sơn 719. Mất, còn của cao điểm 500 và Bản Đông là thắng hay bại của Lam Sơn 719 của địch.

Máy bay trực thăng trinh sát của địch rà soát quần thảo, bắn phá, chỉ thị mục tiêu cho pháo và máy bay của chúng, đánh phá dữ dội tất cả những nơi chúng nghi có quân ta phục kích, có các đài quan sát của ta theo dõi. Chúng đánh pháo như muốn bóc tách hết ngọn đồi tổ đài chúng tôi đang bám trụ. Sau nửa giờ đánh phá, như cảm thấy đã yên tâm cho việc dọn bãi đổ bộ, đột ngột chúng dừng đánh phá và một đàn trực thăng đen đặc xuất hiện lần lượt đổ quân xuống đồi 500.

Chớp thời cơ, tôi “nháy” cho đồng chí phóng viên điện ảnh chuẩn bị, đồng thời báo cáo xin ý kiến về Sở chỉ huy cho pháo bắn. Trung đoàn Trưởng Trần Xuân Hồng hạ quyết tâm dùng hỏa lực một tiểu đoàn (12 khẩu) bắn cấp tập 10 phút. Mọi hành động trên đài đều được thu trong ống kính phóng viên. Sở chỉ huy ra lệnh bắn, hàng loạt đạn cấp tập trùm đúng mục tiêu, hai trực thăng tốp đầu trúng đạn, chiếc đổ nghiêng, chiếc lật ngửa, địch chết như rạ. Không chịu được thương vong, địch phải ngừng cuộc đổ bộ ngay tức khắc. Chúng cho phi pháo phản kích ác liệt để chặn quân ta và để bảo vệ cho xe ô tô và xe cứu thương của chúng đến chuyển thương và chở xác địch.

Quên hết mọi hiểm nguy của bom đạn, khói lửa đang bủa vây quanh mình, tôi cùng đồng chí phóng viên quay phim vọt lên khỏi chiến hào, xông lên tiếp cận tìm vị trí gần nhất để quay kết quả của trận pháo kích (pháo đánh độc lập), ghi lại hình ảnh của những chiếc trực thăng trúng đạn pháo nổ tung và trên mình nó còn hiện rõ cả ký hiệu và hình vẽ 2 hàm răng trắng của một loài dã thú ở trước mũi trực thăng. Kết với với đài quan sát theo dõi, phóng viên quay phim còn ghi được đầy đủ 16 chuyến xe ô tô của địch ra vào đồi 500 để tải thương, mỗi xe chở 10 cáng thương, để nhà báo Lão thành Từ Vân ở Sở chỉ huy trung đoàn tính được ít nhất có 160 tên địch bị thương vong trong trận địa pháo kích vừa qua.

Đồng thời cùng một lúc ghi trận đánh diễn ra trên đài quan sát và đồi 500, toàn bộ hình ảnh chiến đấu ở Sở Chỉ huy và trận địa pháo đều được các phóng viên ghi lại. Thế là toàn bộ diễn biến trận đánh đã được các nhà báo và các phóng viên điện ảnh chứng kiến và dựng thành phim tài liệu thời sự chiến đấu “Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào”. Bộ phim đang được lưu giữ tại Điện ảnh Quân đội nhân dân.

Đó là lý do để ông được lên màn ảnh, là nguyên nhân của những tình huống bất ngờ trong cái đêm chiếu phim hôm ấy, là niềm vui, hạnh phúc, và lòng tự hào chính đáng của người cha, người vợ, người con và bà con nhân dân quê hương thân yêu của ông trong những năm đầy gian khổ hy sinh, chiến đấu chống Mỹ cứu nước.