Chung tay, góp sức gìn giữ môi trường sống bền vững

ANTD.VN - Tốc độ đô thị hóa cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội khiến Thủ đô Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong công tác bảo vệ môi trường. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội cam kết tuyên truyền, vận động các tín đồ chức sắc tôn giáo chung tay góp sức giữ gìn môi trường sống bền vững.

Chung tay, góp sức gìn giữ môi trường sống bền vững ảnh 1Những sáng kiến của Xí nghiệp Môi trường số 2 về thu gom rác thải đã tạo hiệu ứng tốt trong thời gian qua. Ảnh: Lam Thanh

Ô nhiễm môi trường: Những thách thức lớn 

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn đánh giá, Việt Nam là một trong nhiều quốc gia đang đối mặt trực tiếp với những thách thức lớn về ô nhiễm môi trường và sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Là một trong hai đầu tàu kinh tế của đất nước, Hà Nội đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện nay, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố khoảng 6.400 tấn/ngày. Rác thải công nghiệp phát sinh khoảng 750 tấn/ngày, trong đó lượng rác không nguy hại khoảng 646 tấn, còn 104 tấn là rác thải nguy hại. Hiện tại, tỷ lệ thu gom rác thải không nguy hại đạt khoảng 85-90%, trong khi đó tỷ lệ thu gom rác thải nguy hại chỉ đạt khoảng 60-70%; số lượng tồn đọng, chưa kịp xử lý được lưu giữ tại các cơ sở phát sinh. Chưa hết, trung bình mỗi ngày thành phố còn phát sinh 900.000m3 nước thải sinh hoạt khu vực đô thị, 75.000m3 nước thải công nghiệp, 156.000m3 nước thải làng nghề và chăn nuôi… 

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, do mật độ tham gia giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp, xây dựng và dân sinh rất lớn, cộng thêm hoạt động nông nghiệp và làng nghề, vấn đề chôn lấp và xử lý chất thải chưa đúng quy trình… chất lượng không khí Hà Nội bị ô nhiễm nặng nề. Trong những năm qua, mặc dù thành phố đã có nhiều biện pháp và hình thức khắc phục song kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Nguồn nước còn bị ô nhiễm.

Một số  công ty, nhà máy, xí nghiệp, các xưởng sản xuất gần khu vực dân cư, xả khói, nước làm ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Một số người dân còn xả rác không đúng nơi quy định làm cho môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng. Việc phun thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu trong tăng gia sản xuất ở một số nơi chưa đúng cách, cũng là nhân tố nguy hại cho môi trường…

Thay đổi hiện trạng: Nhận thức và hành động 

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, để giải quyết những vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường, mỗi quốc gia, tổ chức, con người phải có nhận thức và hành động cụ thể về bảo vệ môi trường. Nhằm phát huy vai trò toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp với các ngành, các tổ chức vận động, hướng dẫn nhân dân nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi theo hướng tích cực bảo vệ môi trường ở các địa bàn dân cư.

Những mô hình, điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư đều cần được tôn vinh đi kèm với xây dựng các mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” lồng ghép với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thi văn minh”.

Nếu mỗi xã, phường, thị trấn đều xây dựng được mô hình nhân dân tự quản bảo vệ môi trường, vận động người dân thay đổi nhận thức, sử dụng nước hợp vệ sinh, thu gom mà xử lý rác thải đúng quy định… chắc chắn sẽ giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Cùng với mô hình trên, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội còn tuyên truyền, vận động các tín đồ, chức sắc tôn giáo chung tay góp sức bảo vệ môi trường Thủ đô.

Từ đó, các tổ chức tôn giáo đã kêu gọi các tín đồ nỗ lực giảm tối đa các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu do các hoạt động của con người gây ra, góp phần vào sự phát triển bền vững, bảo vệ sự sống của cộng đồng bằng các hoạt động thiết thực để góp phần thay đổi hành vi nhằm bảo về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của cộng đồng và xã hội.

Ví dụ, tại các chùa thường xuyên tổ chức các bữa cơm chay an lạc; tổ chức các nhóm phật tử xanh. Trong các nhà thờ, thường xuyên có các buổi thuyết giảng về việc bảo vệ môi trường; tổ chức các hoạt động ngày thứ bảy xanh và các nhóm câu lạc bộ trẻ vì môi trường…

Góp sức người, sức của bảo vệ môi trường

Để phát huy vai trò trách nhiệm của hội đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác bảo vệ môi trường, Hội Cựu chiến binh Việt Nam thành phố Hà Nội đã phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cung cấp những kiến thức cho cán bộ hội về Luật Bảo vệ môi trường, vận động hội viên tham gia bảo vệ môi trường ngay từ khu dân cư bằng các việc làm thực tiễn. Hội Cựu chiến binh đã chủ động chỉ đạo các cơ sở hội thực hiện các chiến dịch xung kích trong bảo vệ môi trường làng nghề, bảo vệ môi trường ao hồ, xây dụng mô hình tự quản làm sạch đường làng, ngõ phố…

Kết quả, Hội Cựu chiến binh đã đóng góp hàng chục tỷ đồng và hàng chục nghìn ngày công để vệ sinh, thu gom rác thải, bóc gỡ quảng cáo sai quy định, cải tạo đường làng, ngõ phố; cải tạo hệ thống thoát nước ở khu dân cư.