“Chúng ta không ứng xử theo kiểu luật rừng”

ANTĐ - Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, ông Lê Nam, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa nhấn mạnh, chủ quyền của ta trên Biển Đông là thiêng liêng, bất biến và không thể nhân nhượng. 

- PV: Suy nghĩ đầu tiên của ông khi nhận thông tin Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển của Việt Nam?

- ĐBQH Lê Nam: Không cứ là ĐBQH, bất cứ người Việt Nam yêu nước nào cũng đều phẫn nộ trước hành động bạo ngược của Trung Quốc. Đây là hành động bất chấp đạo lý, bất chấp pháp lý của nhà cầm quyền Trung Quốc. Nó thể hiện dã tâm của họ đối với đất nước chúng ta. Và như chúng ta đã thấy, vừa qua, nhân dân cả nước đã xuống đường tuần hành thể hiện tình cảm yêu nước và thái độ trước hành động của Trung Quốc. 

- Tuy nhiên, Trung Quốc đang rêu rao nơi họ đặt giàn khoan thuộc vùng đặc quyền kinh tế của họ?

- Tôi nghĩ chúng ta phải nói rõ câu chuyện này. Trung Quốc đã xâm lược và chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974. Tới giờ, họ lấy chính những hòn đảo đã chiếm được của chúng ta để gọi là “nằm trong vùng đặc quyền kinh tế” của họ. Họ bảo Hoàng Sa là của họ và lấy từ đó để tính vùng đặc quyền kinh tế thì chỉ là giọng điệu của kẻ cướp thôi. Gốc của vấn đề ở đây là Trung Quốc đã chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

- Ban đầu Trung Quốc nói không có đụng độ nhưng sau lại đổ vấy cho tàu Việt Nam tấn công tàu của họ, đây là kiểu vừa gây hấn vừa lu loa?

- Đó là cách làm của họ. Tôi là người ngưỡng mộ văn hóa Trung Quốc, ngưỡng mộ nhân dân Trung Quốc và chúng ta cũng không bao giờ quên việc nhân dân Trung Quốc đã từng giúp đỡ chúng ta. Song, cách làm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày nay là không thể chấp nhận được. Đó là cách làm lấy thế mạnh của nước lớn để lấn lướt, chèn ép nước nhỏ, không xứng đáng người quân tử. Văn hóa Trung Quốc rất trân trọng hành vi ứng xử của người quân tử. Nhưng ứng xử của các nhà lãnh đạo Trung Quốc gần đây đã đi ngược lại với văn hóa của họ. Nếu chúng ta tuyên truyền để người dân Trung Quốc biết, hiểu được sự thật thì người dân Trung Quốc cũng sẽ không ủng hộ nhà cầm quyền Trung Quốc.

- Có ý kiến cho rằng, Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế như Philippines đã làm, ông nghĩ sao?

- Tôi là người làm công tác pháp luật nhiều năm và tôi chỉ xin nói, tới giờ mà chúng ta chưa kiện Trung Quốc là chậm.

- Vậy nếu Trung Quốc không rút giàn khoan, chúng ta cần phải làm gì?

- Nói về sức mạnh quân sự, Trung Quốc mạnh hơn ta nhiều lần. Đó là sự thật. Trung Quốc có dã tâm và có thể bất chấp luật pháp quốc tế để đưa ra những hành động mà người bình thường khó có thể lường được. Thế nên, ta có thể đặt ra tình huống tình hình sẽ còn căng thẳng hơn nữa. Có thể họ sẽ dùng sức mạnh quân sự, “lấy thịt đè người” để làm những hành động tồi tệ hơn. 

Thái độ của chúng ta phải rất bình tĩnh, không mắc mưu họ. Tôi nghĩ các nhà lãnh đạo Việt Nam bây giờ cần cái đầu lạnh và thái độ rất kiên quyết, kiên trì, không nhân nhượng. Chúng ta phải ứng xử với những người bất chấp luật pháp bằng pháp luật. Tôi nhấn mạnh là chúng ta phải giải quyết với họ bằng ứng xử văn minh của một nước văn minh. Chúng ta không ứng xử theo kiểu luật rừng. Thứ hai, chúng ta bằng mọi cách đảm bảo giữ được hòa bình, ổn định song sự tổn thất phải ở mức thấp nhất. 

Thứ ba, có giữ được nước hay không là do dân. Quan trọng là phải khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân. Phải tập hợp được sự đoàn kết và khơi dậy được lòng tin, sức mạnh của người dân. Nhân dân cần tin vào Đảng, Nhà nước. Vừa qua, người dân đã tuần hành khắp 3 miền để phản đối Trung Quốc. Đó là dấu hiệu tốt, nó thể hiện niềm tin. Rõ ràng, như Bác Hồ đã nói, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, lòng yêu nước của nhân dân lại bùng cháy. Đó là sức mạnh để chúng ta không sợ bất cứ kẻ thù nào.