Chưa tính toán khoa học nhưng tỉnh nào cũng muốn có sân bay

ANTĐ - Theo Đề án huy động vốn xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không của Bộ GTVT, sẽ có thêm nhiều sân bay mới tại các địa phương, đồng thời nhiều sân bay hiện tại cũng sẽ được nâng cấp bằng nguồn vốn xã hội hóa. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc kêu gọi tư nhân đầu tư sân bay cần thận trọng.
Chưa tính toán khoa học nhưng tỉnh nào cũng muốn có sân bay ảnh 1

Theo quy hoạch của ngành GTVT, đến năm 2020 sẽ có 81 dự án về sân bay được triển khai

Vừa xây mới, mở rộng đã quá tải?

Số liệu của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, Việt Nam hiện có 22 cảng hàng không (CHK), sân bay, trong đó 21 CHK, sân bay đang có hoạt động khai thác với tổng công suất 56 triệu lượt hành khách/năm, nhưng đến hết tháng 3-2015 công suất đã được nâng lên 58 triệu lượt hành khách. Trong đó có 7 CHK, sân bay quốc tế (Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Cần Thơ), còn lại là 14 CHK, sân bay nội địa.

Cục Hàng không cho rằng, hiện một số CHK, sân bay đã bắt đầu quá tải, kết cấu hạ tầng xuống cấp, nhu cầu khai thác vận tải hàng không tại một số vùng kinh tế trọng điểm đang tăng nhanh. Dự báo đến năm 2020, tổng thị trường hành khách thông qua sân bay sẽ đạt 106 triệu, đến năm 2030 đạt trên 200 triệu lượt hành khách. 

Song, đại diện Bộ KH-ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung đề nghị Bộ GTVT phải có đánh giá cụ thể, chính xác, tránh tình trạng đưa ra nhận định như quá tải, ùn tắc chung chung của các CHK, sân bay dễ dẫn đến hiểu nhầm, sai lệch tình hình thực tế. “CHK quốc tế Nội Bài mới đưa vào khai thác nhà ga T2, công suất 10-15 triệu hành khách/năm, đồng thời cũng mới được nâng cấp hệ thống đường lăn, mở rộng sân đỗ. Vì vậy, không thể khẳng định là CHK này có dấu hiệu quá tải”, ông Nguyễn Văn Trung cho hay.

Trong khi đó, theo quy hoạch mạng lưới sân bay của ngành GTVT, giai đoạn 2015-2020 tổng nhu cầu vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng hàng không là 230.215 tỷ đồng, với 114 dự án (81 dự án về sân bay). Ví dụ, xây dựng CHK Quảng Ninh dự kiến đầu tư với tổng vốn gần 14.000 tỷ đồng, xây dựng CHK quốc tế Chu Lai với số vốn 2.000 tỷ đồng, rồi xây dựng thêm nhiều sân bay tại các tỉnh như Lào Cai, Lai Châu, Kon Tum, An Giang... 

Trong tỷ trọng vốn đầu tư do Cục Hàng không đưa ra, gần 50% số vốn này sẽ huy động từ đóng góp xã hội hóa và đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). “Giai đoạn 2015-2020 ngành hàng không cần lượng vốn đầu tư rất lớn vào kết cấu hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển. Xã hội hóa đầu tư và khai thác để kêu gọi các nguồn vốn khu vực tư nhân (trong và ngoài nước) là một ưu tiên hàng đầu”,  đại diện Cục Hàng không đề xuất.

Không phải cái gì xã hội hóa cũng tốt

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, quy hoạch mạng lưới sân bay của ngành GTVT đang “rất có vấn đề”. Ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH-ĐT nhận định: “Chỗ nào cũng “mọc” ra sân bay, khoảng cách đường bộ chỉ vài ba trăm cây số cũng thấy có sân bay và lên kế hoạch xây dựng sân bay. Hàn Quốc là nước khá đồng bộ và hiện đại về giao thông cũng phải 300-400km mới có một sân bay, nhưng cũng chỉ nho nhỏ. Còn ở Việt Nam thì tỉnh nào cũng muốn có sân bay lớn, nhưng lại không tính toán khoa học về lưu lượng hành khách qua lại và khả năng hoàn vốn ra sao?”. 

Hơn nữa, theo lãnh đạo Bộ KH-ĐT, kinh nghiệm tại một số nước cho thấy, không phải cứ xã hội hóa đầu tư xây dựng sân bay là mang lại hiệu quả kinh tế. Cụ thể như, Campuchia dù thực hiện rất triệt để xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không nhưng đã tạo ra gánh nặng về chi phí cho người dân và sự kiểm soát hạn chế của Nhà nước đối với khu vực này.

Tại Mỹ, các CHK cửa ngõ quan trọng của các thành phố lớn đều thuộc sự quản lý, đầu tư 100% vốn của Nhà nước vì còn liên quan  đến an ninh, quốc phòng. Chỉ có một số sân bay nhỏ, hoặc hạng mục không thuộc kết cấu hạ tầng khu bay mới thuộc sở hữu của tư nhân. Do vậy, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung đề nghị “Bộ GTVT xem xét lại nhận định: tại các nước phát triển như Mỹ, hình thức tư nhân hóa triệt để CHK, sân bay được ưa thích hơn”.

Đặc biệt, theo quy định, Nhà nước sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quản lý, khai thác CHK, sân bay có vai trò, vị trí quan trọng với quốc phòng, an ninh và 75% vốn điều lệ trở lên đối với những doanh nghiệp quản lý, khai thác, bảo trì những sân bay còn lại. Như vậy, tư nhân chỉ được góp không quá 25% vốn  xây dựng những sân bay nhỏ. 

Ngoài ra, Bộ KH-ĐT cũng đề nghị Bộ GTVT, từ nay đến năm 2020 không đưa những dự án như CHK quốc tế Long Thành, xây dựng nhà ga quốc tế CHK Đà Nẵng, Cam Ranh, Lào Cai, xây dựng nhà để xe ô tô T2 Nội Bài, nhà để xe ga quốc nội Tân Sơn Nhất vào danh mục đầu tư trực tiếp theo hình thức PPP.  Việc chuyển nhượng quyền quản lý khai thác một số sân bay cũng được đại diện Bộ KH-ĐT cho hay, cần có bước đi thận trọng. Trước mắt, từ nay đến năm 2020 chỉ đưa một số lĩnh vực phù hợp tại CHK Phú Quốc vào danh mục thí điểm nhượng quyền khai  thác.