Chưa thể bỏ “chiếc khiên đại dương”

ANTĐ - NATO sẽ tiếp tục chiến dịch “Chiếc khiên đại dương” chống cướp biển ở Ấn Độ Dương bởi cho rằng cướp biển vẫn là một mối đe dọa đối với an toàn và an ninh hàng hải ở đại dương này.

Lực lượng hải quân NATO bắt một nhóm cướp biển Somalia

Tổ chức Hiệp ước 

Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 4-6 đã quyết định tiếp tục kéo dài sứ mệnh chống cướp biển tại Ấn Độ Dương mang tên “Chiếc khiên đại dương” thêm 2 năm, tức là tới cuối năm 2016. Bởi theo NATO, cướp biển ở vùng biển tấp nập hàng chục nghìn tàu bè qua lại mỗi năm này vẫn là một mối đe dọa, bất chấp việc các vụ tấn công cướp biển đã giảm mạnh thời gian qua. 

Quyết định trên đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO tổ chức ở Brussels (Bỉ) ngày 4-5. Theo quyết định này, các tàu chiến của NATO sẽ tiếp tục tuần tra ở khu vực ngoài khơi vùng Sừng châu Phi để cùng tàu chiến của các quốc gia khác tiến hành trấn áp, bắt giữ các nhóm cướp biển có hang ổ tại Somalia.

Chiến dịch “Chiếc khiên đại dương” được NATO triển khai từ tháng 10-2008 nhằm chống lại nạn cướp biển hoành hành trên Ấn Độ Dương, đặc biệt là vùng biển ngoài khơi Somalia và vùng Sừng châu Phi. Đây là một trong những tuyến hàng hải tấp nập nhất thế giới với khoảng 20.000 tàu thuyền chở đầy hàng hóa, nhất là nguồn nhiên liệu chiến lược là dầu mỏ, qua lại mỗi năm.

Tổ chức Hải dương Quốc tế cho biết, trong năm 2010 – tức là hơn 1 năm sau khi NATO và cộng đồng quốc tế triển khai các hoạt động chống cướp biển ở Ấn Độ Dương, trên thế giới vẫn xảy ra 276 vụ cướp biển và hơn 200 vụ cướp bất thành, gây thiệt hại tổng cộng 12 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới. Trong đó, theo số liệu của LHQ, chỉ riêng cướp biển ở ngoài khơi Somalia đã gây thiệt hại 7 tỷ USD.

Sau 6 năm, chiến dịch chống cướp biển ở Ấn Độ Dương đã thu được những kết quả rất tích cực. Theo báo cáo thường niên của Cơ quan Hàng hải Quốc tế (IMB), năm 2013 vừa qua, số vụ cướp biển trên thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm nhờ chính sách khẩn cấp chống cướp biển ngoài khơi Somalia, tại vùng biển này chỉ xảy ra 15 vụ hải tặc tấn công tàu thuyền, giảm mạnh từ mức cao điểm 273 vụ năm 2011.

Tuy nhiên, theo đánh giá mới nhất của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) công bố ngày 3-5 vừa qua, cướp biển vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh toàn cầu. Dù cộng đồng quốc tế đã tăng cường hợp tác trong hoạt động tuần tra trên biển và trên không nhằm kịp thời trấn áp hải tặc, song số vụ tấn công có vũ trang vẫn có nguy cơ tăng cao.

Theo nhận định của giới chuyên gia, tình trạng nghèo đói và lạc hậu ở những cộng đồng dân cư dọc bờ biển như Somalia là nguyên nhân căn bản dẫn đến nạn cướp biển. Tình trạng này đang đặt ra nhiều thách thức an ninh khi các nhóm cướp biển điều chỉnh phương thức hoạt động và chiến thuật tấn công. Điều đó đòi hỏi các nước phải tiếp tục các nỗ lực cũng như tìm ra các biện pháp mới nhằm tăng cường an ninh và đảm bảo an toàn cho các tuyến hàng hải quan trọng, trong đó có tuyến huyết mạch đi qua Ấn Độ Dương.