Chưa biết có bao nhiêu công chức “ngồi chơi xơi nước”

ANTĐ - Hôm qua (20-11), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã trả lời trước Quốc hội về chất lượng cán bộ, viên chức, nạn chạy chức, chạy quyền, tình trạng công chức sáng cắp ô đi tối cắp về... Dù trình bày khá dài song thông tin Bộ trưởng mang lại chưa làm hài lòng các vị ĐBQH. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhiều lần nhắc nhưng phần trả lời của Bộ trưởng vẫn không sao trôi chảy được.

“Không phải 30% thì là bao nhiêu?”

Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nóng ngay từ đầu khi các ĐB Danh Út (Kiên Giang), Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nêu câu hỏi: “Một Phó Thủ tướng cho biết, đến nay, có 30% cán bộ, công chức không làm được việc, con số này thực hư ra sao?”. Bộ trưởng đáp: “Thực ra đây không phải là ý kiến của Phó Thủ tướng, đồng chí nói là có dư luận như thế thôi. Chúng tôi cho rằng đây là những phản ảnh, kiến nghị, đòi hỏi, mong muốn cần phải có đổi mới, cải cách công vụ công chức nhiều hơn…”. Liệt kê hàng loạt văn bản pháp quy liên quan, Bộ trưởng nhận “có trách nhiệm của Bộ Nội vụ  trong vấn đề này”. Ông cũng nêu 2 nhóm giải pháp để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm.

Không hài lòng với trả lời của Bộ trưởng, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) tiếp tục bám đuổi vấn đề: “Nếu tỷ lệ công chức ngồi chơi xơi nước không phải là 30% thì là bao nhiêu? Giải pháp trong thời gian tới để khắc phục việc này?”. Bộ  trưởng lúng túng: “Bây giờ nói con số là bao nhiêu thì không có cơ sở, nhưng với giải pháp tương đối toàn diện, tổng hợp như tôi đã trình bày, đến thời điểm nhất định, có thể tạo được tiếng nói chung về tỷ lệ này”. 

Nghe vậy, ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận) vẫn chưa thông: “Bộ trưởng có thay đổi ý kiến kết luận chỉ có 1% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ và Bộ có tính điều tra dư luận về 30% hay không?”. Vẫn không thể đưa ra một con số cụ thể nào, Bộ trưởng tiếp tục lòng vòng với luật, nghị định, văn bản hướng dẫn... Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng buộc phải ngắt lời: “Bộ trưởng nên tạm thôi quy định với hướng dẫn đi… ĐB chỉ hỏi ý kiến Bộ trưởng thế nào về tỷ lệ 1% thôi?”. Bộ trưởng đáp: “Con số 1% số liệu tập hợp của các bộ, ngành. Quan điểm của Bộ là phải có kế hoạch, lộ trình để tạo sự thống nhất trong tỷ lệ phần trăm…”. Chủ tịch Quốc hội đành “cắt nghĩa” giúp Bộ trưởng: “Bộ trưởng trả lời bây giờ phải kiểm tra lại, có nghĩa là số đó (1%) chưa chính xác. Còn con số 30% là theo dư luận. Vậy thì bao nhiêu phần trăm? Đây là câu hỏi mà Bộ trưởng hứa sẽ kiểm tra và trả lời sau...”.

Không tiền, khó vào Nhà nước?

Tiếp mạch vấn đề công chức, ĐB Nguyễn Trung Thu (Long An) nêu hiện tượng: “Với chế độ tuyển dụng hiện nay, con thường dân không tiền, không quen biết rất khó xin vào nhà nước, mua bằng cấp, mua chức quyền vẫn diễn ra với nhiều hình thức tinh vi. Bộ trưởng có biết vấn đề này không?”. Bộ trưởng lại đưa “các đề án” ra trình bày: “Đấy là dư luận nhưng chúng tôi cho rằng, phải đảm bảo công khai trong tuyển dụng. Yêu cầu này cũng đã nêu trong đề án của Bộ Nội vụ”.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) phản ánh: “Ai cũng kêu thiếu biên chế hành chính Nhà nước. Đang có cái gọi là Hội chứng lực lượng mỏng. Cái gì sai sót, khuyết điểm đều do… lực lượng mỏng! Có nơi than Bộ Nội vụ không cho thêm biên chế, quan điểm của Bộ trưởng?”. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) tiếp: “Mỏng và dày không đều. Có chỗ đang dày quá với hơn 600.000 công chức, viên chức tăng thêm trong 3 năm qua. Bộ trưởng phải làm rõ thông tin này”. Bộ trưởng đáp nhanh: “Nguyên tắc giải quyết nơi thừa, nơi thiếu, chúng tôi đã báo cáo là có đề án rồi. Các đơn vị phải triển khai ngay, xác định được nơi thừa nơi thiếu để bố trí, giải quyết cho tương xứng. Còn về số lượng công chức, viên chức, chúng tôi sẽ có báo cáo bằng văn bản sau”.

ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) nêu: “Người dân kêu ca trách nhiệm cơ quan công quyền, nhất là thái độ, năng lực cán bộ. Công dân tới làm việc không thể hài lòng. Biên chế tăng nhưng chất lượng giảm. Giải pháp nào khắc phục?”. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình thừa nhận: “Thực tế có diễn biến như vậy. Chúng tôi đã có giải pháp về giáo dục, thanh tra, kiểm tra… để mỗi cán bộ, công chức tu dưỡng đạo đức, nâng cao trình độ năng lực, xây dựng tư tưởng hết lòng hết sức phục vụ nhân dân…”.

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội): Có tham nhũng trong công tác cán bộ không?

Chưa biết có bao nhiêu công chức “ngồi chơi xơi nước” ảnh 1

“Bộ trưởng đánh giá thế nào về tình trạng chạy chỉ tiêu biên chế, chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ hiện nay? Có tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ không? Nếu có thì ở mức độ nào? Có thuốc nào chữa được không? Chữa như thế nào? Bao giờ bệnh sẽ khỏi? Bộ trưởng       Bộ KH-ĐT đã nói chạy dự án là có nhưng đến bây giờ chưa phát hiện được, chưa xử lý được. Phải dũng cảm như thế! Vì thế, tôi nhắc lại là có hay không có? Nếu là có, vậy giải pháp khắc phục của Bộ trưởng như thế nào? Tôi cho rằng đó là gốc của việc phòng, chống tham nhũng, chọn được cán bộ tốt thì sẽ không có cán bộ tham nhũng”.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: Đang nghiên cứu giải pháp khắc phục

Chưa biết có bao nhiêu công chức “ngồi chơi xơi nước” ảnh 2

Ghi nhận “đây là lĩnh vực nhạy cảm, tế nhị”, Bộ trưởng trình bày khá lâu về nội dung các văn kiện, tài liệu và hứa “nghiên cứu đề ra các biện pháp, giải pháp để khắc phục”, song không thể làm sáng tỏ vấn đề. Chốt lại vấn đề chống tiêu cực trong công tác cán bộ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Có đấy. Tiêu cực, tham nhũng, nhũng nhiễu không ở bộ máy công quyền, đơn vị sự nghiệp thì ở đâu? Bộ trưởng nên tiếp tục có đánh giá kỹ hơn. Đây là vấn đề rất nhức nhối. Hệ thống pháp luật chúng ta đã có, chỗ nào cũng nói thanh tra, kiểm tra song Bộ trưởng phải có nhiều biện pháp hơn nữa để đẩy lùi hiện tượng này trong bộ máy và tạo chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới…”.

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng): Tôi thấy, Bộ trưởng còn quanh co

Chưa biết có bao nhiêu công chức “ngồi chơi xơi nước” ảnh 3

Cách trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình không đi thẳng vào vấn đề ĐBQH nêu. Bộ trưởng trả lời chung chung và theo tôi Bộ trưởng làm như vậy là không hoàn thành nhiệm vụ. 

Liên quan đến cải cách hành chính, Quốc hội đã ban hành những luật mới, nhưng Bộ Nội vụ vẫn áp dụng các luật cũ. Tại sao không triển khai thực hiện các luật mới? Như thế thì Bộ Nội vụ đã tham mưu những vấn đề gì, nhất là trong vấn đề cải cách hành chính. Chủ tịch Quốc hội đã nói rõ, Bộ trưởng phải trả lời trực tiếp các câu hỏi chất vấn của ĐBQH nhưng tôi thấy Bộ trưởng còn quanh co. Tôi không hài lòng với cách trả lời của Bộ trưởng. Theo tôi, Bộ trưởng phải nói rõ trách nhiệm của mình trước Quốc hội. 

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh): Trả lời của Bộ trưởng vẫn chung chung

Chưa biết có bao nhiêu công chức “ngồi chơi xơi nước” ảnh 4

Không biết có phải vì thời gian gấp gáp quá, hay vì Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình chưa quen trả lời chất vấn trực tiếp trên nghị trường Quốc hội, nên khi trả lời các câu hỏi chất vấn của ĐBQH về những vấn đề đang vướng mắc trong thực tiễn, Bộ trưởng chỉ trả lời sẽ nghiên cứu, đưa vào đề án. Câu trả lời của Bộ trưởng không trực tiếp đi sâu vào những thắc mắc, bức xúc của ĐBQH và chỉ nhắc đến những kế hoạch, dự kiến mang tính chung chung. Do vậy, cách trả lời của Bộ trưởng chưa làm thỏa mãn cử tri và ĐBQH. Điều ĐBQH muốn là Bộ Nội vụ thấy cần phải chấn chỉnh những tồn tại trong thực tế không? Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng phải tự thấy họ đã chủ động đề xuất các biện pháp gì với Chính phủ, nhằm giải quyết rốt ráo các vấn đề!

Ông Giàng Seo Phử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Cán bộ vùng dân tộc thiểu số thiếu và yếu

Chưa biết có bao nhiêu công chức “ngồi chơi xơi nước” ảnh 5

Đảng, Nhà nước và Chính phủ dành nhiều chính sách để phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi đồng ý với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, nhưng vấn đề này làm rất chậm và còn nhiều việc phải làm. Đội ngũ cán bộ  vùng dân tộc thiểu số còn rất thiếu. Với vùng đã có chính sách như cử tuyển, chúng ta có chính sách cử tuyển và được tuyển dụng vào làm việc ngay nhưng đào tạo xong vẫn chưa bố trí được công việc. Hiện nay đã yếu, thiếu, lại không có điều kiện bố trí công ăn việc làm cho con em là người dân tộc thiểu số. Đây không phải là vấn đề quá phức tạp và chúng ta phải nhìn vào nhu cầu và có kế hoạch đào tạo. Phải có quy hoạch, chiến lược để đào tạo. Thiếu loại cán bộ gì thì đào tạo loại đó. 

Chủ tịch Quốc hội  đánh giá

Về phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, các vị ĐBQH đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan tới những vấn đề hệ trọng của ngành. Vừa qua, chúng ta cũng có nhiều thuận lợi trong chấn chỉnh để tiếp tục nâng cao chất lượng bộ máy, cán bộ, công chức. Bộ trưởng đã trả lời đầy đủ các câu hỏi của ĐBQH. Bộ trưởng đã kể đến rất nhiều nghị quyết, chủ trương, chương trình, đề án đã  và đang thực hiện. Nhiều ĐBQH và Bộ trưởng cũng chưa bằng lòng về đánh giá tình hình hiện nay đối với công tác tổ chức cán bộ, chất lượng bộ máy nên cần rà soát đánh giá thêm. Cử tri chắc cũng chưa thật sự hài lòng…