Chú trọng phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Khác với thiên tai, hỏa hoạn chủ yếu do con người gây ra. Vậy để phòng ngừa và ngăn chặn không ai khác phải là con người và xuất phát từ hành động, trách nhiệm với bản thân và cộng đồng...

Ngăn chặn hỏa hoạn từ ý thức, trách nhiệm

Để hạn chế thiệt hại, những người làm công tác chữa cháy phải chạy đua từng giây, từng phút. Chính vì thế, phương châm “người chữa cháy hiệu quả nhất là người phát hiện cháy sớm nhất” luôn phải đặt lên hàng đầu. Tức là, khi phát hiện vụ cháy thì việc sử dụng phương tiện tại chỗ để dập lửa luôn mang lại kết quả tối ưu. Đó là lý do trong công tác phòng ngừa hỏa hoạn, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH CATP Hà Nội (Cơ quan thường trực BCĐ 197 Thành phố) bao giờ cũng duy trì và tuân thủ phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ), phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân.

CAQ Nam Từ Liêm ra mắt “khu liên gia an toàn PCCC”

CAQ Nam Từ Liêm ra mắt “khu liên gia an toàn PCCC”

Luật PCCC và CNCH quy định rất cụ thể, trách nhiệm PCCC là trách nhiệm công dân, vì thế phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa hỏa hoạn phải xuất phát từ mỗi con người cụ thể. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH là lực lượng quản lý Nhà nước về công tác PCCC, nòng cốt để xây dựng và phát huy sức mạnh tổng thể, xây dựng “Thế trận toàn dân với công tác đảm bảo an toàn PCCC”.

Lực lượng chữa cháy cơ sở, mô hình phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư là những cánh tay nối dài, hiệu quả, để lan tỏa trách nhiệm phòng ngừa hỏa hoạn. Khi người dân nâng cao ý thức, tự trang bị phương tiện và luôn coi hỏa hoạn là hiểm họa khôn lường thì sẽ hạn chế được số vụ cháy, hạn chế được thiệt hại về người và tài sản. Ý thức PCCC của mọi người dân chuyển biến là cách phòng ngừa hiệu quả nhất.

Đại tá Dương Đức Hải - Phó Giám đốc CATP Hà Nội

Đại tá Dương Đức Hải - Phó Giám đốc CATP Hà Nội chia sẻ: “Hỏa hoạn luôn tiềm ẩn và rình rập ở mọi nơi, mọi lúc. Những người lính cứu hỏa mặc dù đã ứng trực 24/24h, nhưng không thể lường trước được nếu như ý thức tự phòng ngừa của người dân còn chủ quan, lơ là. “Giặc lửa” là kẻ thù giấu mặt không ai nhìn thấy được, nhưng để phòng tránh thì không khó, chủ yếu phải luôn nêu cao ý thức chủ động, cẩn thận trong sinh hoạt. Chỉ cần mỗi người dân chấp hành và tuân thủ những quy định về PCCC cũng đã tránh được biết bao thương vong. Mỗi người dân, cơ sở chỉ cần quan tâm đến việc làm của mình trong sinh hoạt như sử dụng thiết bị điện, thắp hương nến, nấu nướng, hàn xì, sắp xếp hàng hóa ngăn nắp… giám sát các hoạt động một cách có ý thức cao về PCCC thì những người lính cứu hỏa sẽ bớt vất vả, mất mát, hy sinh”.

Thật vậy, một đám cháy lớn bao giờ cũng xuất phát từ đốm lửa rất nhỏ. Có khi chỉ từ quên không rút phích điện sau khi là quần áo rồi rời khỏi nhà, bật quạt nhưng vội đi làm quên không tắt, hay thắp hương trên ban thờ với nhiều đồ vàng mã nhưng không lưu tâm... thì hậu quả sẽ khôn lường. Trong đợt diễn tập phương án PCCC và CNCH tại Công ty CP dược phẩm Trung ương 1 tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vừa qua, Đại tá Dương Đức Hải nêu rõ: “Lực lượng chữa cháy cơ sở, mô hình phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư là những cánh tay nối dài, hiệu quả, để lan tỏa trách nhiệm phòng ngừa hỏa hoạn. Khi người dân nâng cao ý thức, tự trang bị phương tiện và luôn coi hỏa hoạn là hiểm họa khôn lường thì sẽ hạn chế được số vụ cháy, hạn chế được thiệt hại về người và tài sản. Ý thức PCCC của mọi người dân chuyển biến là cách phòng ngừa hiệu quả nhất”.

CAQ Hoàn Kiếm vận động người dân mở lối thoát nạn, cắt cửa sổ “chuồng cọp”

CAQ Hoàn Kiếm vận động người dân mở lối thoát nạn, cắt cửa sổ “chuồng cọp”

Khép kín thế trận toàn dân PCCC

Nhằm phát huy hiệu quả nhiệm vụ quản lý Nhà nước về PCCC, ngày 10-1-2021, Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực. Để kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả nghị định nói trên, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 19/KH-UBND về tuyên truyền, phổ biến và triển khai công tác PCCC.

Trong đó, CATP Hà Nội đã nhanh chóng thực hiện phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, phân loại và bàn giao danh sách cơ sở thuộc Phụ lục IV - Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ cho UBND cấp xã để thực hiện quản lý Nhà nước về PCCC theo quy định của pháp luật. Chỉ sau 2 tháng, 30/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã tổ chức bàn giao danh sách 85.812 cơ sở cho 579 UBND phường, xã, thị trấn để thực hiện việc quản lý Nhà nước về PCCC. Ngoài danh sách các cơ sở nêu trên, UBND TP yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND cấp xã, phường tiếp tục tổ chức rà soát, bổ sung và giao công an cấp xã là đơn vị chủ trì, tham mưu để tổ chức thực hiện.

Theo đó, các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao và các hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn sẽ do cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH có trách nhiệm quản lý, theo dõi. Các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ thấp hơn và các hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ sẽ do UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý, theo dõi.

CAQ Ba Đình ra mắt khu dân cư an toàn PCCC

CAQ Ba Đình ra mắt khu dân cư an toàn PCCC

Để triển khai thực hiện Nghị định 136 hiệu quả, ngay từ năm 2019, thực hiện Đề án 106 của Bộ Công an theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, trong năm 2019 - 2020, CATP Hà Nội đã hoàn thành việc bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã. Căn cứ quy định tại các thông tư của Bộ Công an, lực lượng Công an cấp xã có nhiệm vụ thực hiện công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, trong đó có nhiệm vụ quản lý công tác PCCC và CNCH trên địa bàn. Để đảm bảo cho lực lượng Công an cấp xã thực hiện tốt nhiệm vụ này, từ năm 2019 đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tham mưu CATP tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và CNCH cho hàng nghìn Cảnh sát khu vực, Công an xã và gần 6.000 Công an xã bán chuyên trách với kỳ vọng đây là “cánh tay nối dài” của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tại cơ sở. Ngay sau đó, toàn thành phố đã bắt tay vào xây dựng “thế trận an toàn PCCC” tại cơ sở, khu dân cư, tổ dân phố.

Với các chiến dịch kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền người dân mở lối thoát nạn thứ hai trong ngôi nhà của mình, hiện lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH (CATP Hà Nội) đã xây dựng, duy trì 86 mô hình an toàn về PCCC và CNCH. Bước đầu, các mô hình này được triển khai đến cấp xã, khu dân cư, tổ dân phố và từng người dân đã phát huy rất hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”. Từ việc tham mưu, triển khai kịp thời các chỉ thị, nghị định của Chính phủ, Bộ Công an liên quan đến công tác PCCC, CATP Hà Nội đã chuyển hóa bằng hành động tại cơ sở, chú trọng và phát huy hiệu quả công tác PCCC tại cơ sở với nhiều hình thức, biện pháp... Cùng với đó là sự chung tay, lan tỏa các biện pháp PCCC, trang bị kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm cho người dân; tập huấn, huấn luyện cho lực lượng chữa cháy cơ sở; tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời vi phạm, tồn tại, từ đó phát huy hiệu quả phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do các vụ cháy gây ra.