Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự “Ngày hội sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sáng 12-2, tại Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khai mạc “Ngày hội sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2022 và phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội tới dự.

Tại lễ khai mạc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu đã gặp mặt, chúc Tết và tặng quà đồng bào các dân tộc tại “ngôi nhà chung”, cắt băng khánh thành nhà truyền thống 2 tỉnh Nghệ An và Quảng Nam, trồng cây lưu niệm hưởng ứng Tết trồng cây năm 2022.

Phát biểu tại ngày hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Đồng thời Chủ tịch nước khẳng định: “Nền văn hiến kỳ vĩ của dân tộc Việt Nam được tạo nên bởi 54 dân tộc anh em đoàn kết, gắn bó. Đó là một nền văn hóa đa dạng, phong phú, có sự thống nhất cao về ngôn ngữ, là một tài sản vô cùng quý giá của dân tộc ta. Tôn trọng một dân tộc, trước hết là tôn trọng nền văn hóa của dân tộc đó. Chính sách dân tộc của Đảng đã tạo mọi điều kiện cho sự gìn giữ và phát triển tính khác biệt trong bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, đồng thời làm cho văn hóa của các dân tộc hòa quyện với nhau, tạo thành văn hóa Việt Nam bền vững và tỏa sáng”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho đại diện các dân tộc

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho đại diện các dân tộc

Nhấn mạnh “văn hóa luôn là bước tiến đầu tiên và là chốt chặn sau cùng cho sự trường tồn của mỗi dân tộc”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, cùng với việc tiếp tục tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đến đồng bào các dân tộc thiểu số, phát triển cơ sở hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa, thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc anh em, coi văn hóa các dân tộc là một phần không thể tách rời của văn hóa Việt Nam.

“Việc tổ chức ngày hội hàng năm cần ngày một sáng tạo hơn, để “ngôi nhà chung” thực sự là điểm hội tụ, lan tỏa truyền thống văn hóa của các dân tộc Việt Nam; giúp chúng ta tìm hiểu, bảo tồn và tương tác một cách có chiều sâu những nét văn hóa riêng của từng dân tộc, tạo ra sự giao lưu, sự tương tác làm nổi bật và làm phong phú thêm vẻ đẹp văn hóa Việt Nam, gìn giữ bản sắc của từng dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế” - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị.

Chủ tịch nước cũng bày tỏ sự tin tưởng và mong muốn các vị già làng, trưởng bản, nghệ nhân tích cực phát huy vai trò vận động đồng bào thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, đặc biệt quan tâm giáo dục các thế hệ trẻ, bởi lẽ, thông qua sự kết nối kỳ diệu của văn hóa, chúng ta mới dễ dàng có được sự gần gũi, hiểu biết và yêu thương lẫn nhau, góp phần vun đắp sức mạnh Việt Nam, giá trị Việt Nam cho hôm nay và mai sau.

Lễ khai mạc đặc sắc với chuỗi hoạt động phục hồi, tái hiện các nghi lễ, phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó giúp công chúng hiểu thêm về những giá trị, nét đẹp văn hóa đặc trưng đã có từ ngàn đời nay, tiêu biểu như: Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô, tỉnh Hà Giang; lễ cưới của dân tộc Ba Na, tỉnh Gia Lai; lễ mừng lúa mới của dân tộc Kho, tỉnh Lâm Đồng…

Tham gia ngày hội, công chúng và du khách còn được trải nghiệm nhiều trò chơi dân gian, ẩm thực ngày Tết của đồng bào dân tộc thiểu số, hòa vào cảnh sắc thiên nhiên qua các không gian sắp đặt với hoa cải, hoa đào, hoa mận…, tìm hiểu các phong tục độc đáo dịp Tết đến, xuân về của đồng bào trên mọi miền Tổ quốc. Sự kiện còn là dịp biểu thị tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, sợi dây cố kết cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, mang đến không khí đậm bản sắc văn hóa dân tộc trong những ngày đầu xuân mới. Ngày hội kéo dài đến hết ngày 13-2 trong bối cảnh thích ứng linh hoạt, hiệu quả, an toàn với dịch Covid-19.