Chủ động nguồn vaccine nội địa để sớm đẩy lùi hoàn toàn dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong bối cảnh nguồn vaccine Covid-19 trên thế giới khan hiếm, yêu cầu tiêm nhắc lại để duy trì khả năng miễn dịch khiến nhu cầu vaccine sẽ còn ở mức cao trong nhiều năm tới, việc chủ động nghiên cứu và sản xuất vaccine nội địa là giải pháp cơ bản và lâu dài để Việt Nam có thể đẩy lùi hoàn toàn đại dịch Covid-19.
Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen đang đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine Covid-19 nội địa Nanocovax

Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen đang đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine Covid-19 nội địa Nanocovax

Tập trung mọi nỗ lực để sản xuất vaccine Covid-19 càng sớm càng tốt

Khống chế thành công dịch bệnh Covid-19 trong một năm rưỡi qua nhưng Việt Nam có thể mất đi lợi thế trong mở cửa nền kinh tế nếu không có đủ vaccine Covid-19 tiêm cho người dân để đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng (khoảng 70% dân số được tiêm). Chính vì thế, bên cạnh nỗ lực tìm các nguồn cung cấp vaccine từ bên ngoài, Việt Nam cũng cần chủ động để sớm tự sản xuất được vaccine Covid-19.

Mới đây, khi đến thăm Công ty vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhắc lại yêu cầu thực hiện nhanh nhất chiến lược vaccine, trong đó có việc sản xuất vaccine Covid-19 trong nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Phải tập trung cho việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19 càng sớm càng tốt, chậm nhất là tháng 6-2022 phải có”.

Tiếp đó, trong buổi làm việc với Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen, đề cập đến mục tiêu sớm có vaccine Covid-19 nội địa, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu thành lập một tổ hành động (task force) hỗ trợ sản xuất vaccine do một lãnh đạo có thẩm quyền làm Tổ trưởng, có thể là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng. Mục đích là hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất vaccine Covid-19; phấn đấu có vaccine sản xuất trong nước nhanh nhất, đồng thời đảm bảo khoa học, an toàn, quy trình và hiệu quả.

Thực tế thì ngay từ khi dịch Covid-19 mới xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine Covid-19. Việt Nam có yếu tố thuận lợi là một trong rất ít các quốc gia trên thế giới có hệ thống nghiên cứu đủ năng lực về công nghệ, kỹ thuật sản xuất, nhân lực và nguyên liệu bào chế trong sản xuất vaccine. Năm 2015, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức công nhận có hệ thống quản lý chất lượng vaccine được trang bị đầy đủ, đồng nghĩa với việc vaccine được sản xuất tại Việt Nam bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất, an toàn và hiệu quả.

Trong nỗ lực sản xuất vaccine Covid-19, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả. Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam có 3 loại vaccine Covid-19 đang trong quá trình thử nghiệm là Nanocovax của Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen, Covivac của Viện vaccine và sinh phẩm Nha Trang và Vabiotech của Công ty TNHH một thành viên vaccine và sinh phẩm số 1, Bộ Y tế. Trong đó, vaccine Nanocovax có tính khả thi nhất. Giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng vaccine

Nanocovax bắt đầu ngày 11-6 và sau 2 tuần đã có hơn 1000 tình nguyện viên được tiêm. Nhờ kết quả tích cực đó, việc tiêm thử nghiệm cho toàn bộ 13 nghìn tình nguyện viên sẽ được đẩy nhanh để trong tháng 8 có đủ các dữ liệu thử nghiệm cần thiết. Hiện mẫu vaccine Nanocovax của Nanogen đã được gửi cho WHO kiểm tra. Theo ông Hồ Nhân, Tổng Giám đốc Công ty Nanogen, Công ty có 4 nhà máy sản xuất vaccine với công suất hiện tại 8-12 triệu liều/tháng và có thể đạt tới 30-50 triệu liều/tháng vào tháng 10 tới, giá một liều vaccine Nanocovax là 120.000 đồng.

Tìm phương cách phục hồi nền kinh tế nhằm thực hiện “mục tiêu kép”

Cùng với nỗ lực đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19, Việt Nam cũng đang tích cực tìm các phương cách khôi phục nền kinh tế nhằm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế. Trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội, mới đây Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu cho thí điểm sử dụng “hộ chiếu vaccine” với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc, Kiên Giang. Bộ Y tế thì ban hành Quyết định 3092/QĐ-BYT về triển khai thí điểm “Hướng dẫn cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh”. Theo đó, triển khai thí điểm trong thời gian từ ngày 1 đến 31-7 việc rút ngắn thời gian cách ly còn 7 ngày với người nhập cảnh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine đến tỉnh Quảng Ninh.

Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng “hộ chiếu vaccine” với hy vọng giúp phục hồi nền kinh tế và sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường. Dưới dạng giấy chứng nhận hoặc dạng thẻ, app công nghệ…, “hộ chiếu vaccine” cung cấp thông tin xác thực chứng minh một người đã tiêm đủ số mũi vaccine Covid-19 để có thể di chuyển qua biên giới mà không phải thực hiện các yêu cầu kiểm dịch và thử nghiệm kéo dài.

Các chuyên gia cho rằng việc áp dụng “hộ chiếu vaccine” có thể giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế thế giới, đặc biệt là của ngành Du lịch và lữ hành. Hiện nay, ở châu Âu, Italia, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Croatia, Iceland đã mở cửa cho khách du lịch từ Mỹ. Còn Liên minh châu Âu (EU) thì dự kiến sẽ triển khai “hộ chiếu vaccine” từ ngày 1-7 tới để chuẩn bị cho mùa du lịch hè trở lại sau thời gian dài người dân bị hạn chế đi lại để phòng, chống dịch.

Với Việt Nam, áp dụng “hộ chiếu vaccine” là vấn đề mà chúng ta cũng cần tính đến bởi theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, do tác động của Covid-19, ngành Du lịch đang phải chịu thiệt hại nặng nề nhất. Theo con số thống kê, có tới 90% doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn không hoạt động,10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng; các doanh nghiệp làm dịch vụ đại lý tour, đại lý bán vé phần lớn cho 100% lao động nghỉ việc; doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải cho 60-90% nhân sự nghỉ việc không lương.

Với địa điểm thử nghiệm ban đầu tương đối biệt lập như Phú Quốc, hình thức tour thử nghiệm đón khách quốc tế mang “hộ chiếu vaccine” như tour golf, tour nghỉ dưỡng thường diễn ra trong không gian thoáng, ít tiếp xúc nhiều người nên nguy cơ lây nhiễm dễ kiểm soát hơn. Nếu thử nghiệm thành công và an toàn để mở rộng ra các điểm du lịch khác, Việt Nam sẽ có cơ hội đón khách quốc tế, phục hồi du lịch nhanh hơn hoặc ít nhất là không bị tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Nhật Bản…

Có thể thấy rằng hơn lúc nào hết, Việt Nam đang tập trung mọi nỗ lực nhằm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, song song với đó là phục hồi kinh tế và khôi phục lại nhịp sống bình thường của người dân.