Chủ động ngăn chặn dịch từ sớm, từ xa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù nguy cơ lây lan ra cộng đồng được đánh giá là thấp, song việc phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại nước ta và nhất là trong bối cảnh đã dỡ bỏ mọi hạn chế và khách du lịch quốc tế vào nước ta ngày càng nhiều khi dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp thì không thể chủ quan, cần chủ động có biện pháp ngăn ngừa dịch từ sớm, từ xa.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới, Việt Nam đã chủ động có các biện pháp ứng phó để ngăn chặn từ sớm, từ xa

Trước diễn biến phức tạp của bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới, Việt Nam đã chủ động có các biện pháp ứng phó để ngăn chặn từ sớm, từ xa

Khó lây lan ra cộng đồng

Bộ Y tế xác nhận, nước ta đã ghi nhận bệnh nhân đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ. Bệnh nhân là nữ giới, 35 tuổi, thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh, có dấu hiệu khởi phát bệnh khi đang đi du lịch tại Dubai, Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất

Theo cơ quan y tế, bệnh nhân khởi phát bệnh ngày 18-9 vừa qua khi đang du lịch tại Dubai (bệnh nhân đi từ tháng 7-2022 đến ngày 22-9-2022 về Việt Nam) với triệu chứng sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt. Ngay sau khi về Việt Nam, ngày 23-9, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Từ Dũ và nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, được chuyển sang Bệnh viện Da liễu thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, bác sĩ thăm khám, nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ. Bệnh nhân lập tức được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán (xét nghiệm Real time PCR tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh).

Ngày 25-9, bệnh nhân có kết quả ban đầu dương tính với bệnh đậu mùa khỉ và được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh để tiếp tục cách ly, điều trị và lấy mẫu giải trình tự gene tại Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của trường đại học Oxford hợp tác với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Kết quả xét nghiệm giải trình tự gene khẳng định bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ chủng Monkeypox virus thuộc clade IIb.

Như vậy, người phụ nữ 35 tuổi thường trú tại thành phố Hồ Chí Minh là bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận đầu tiên tại Việt Nam. Hiện tại, bệnh nhân sức khỏe ổn định, không sốt, đang được tiếp tục cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Với những thông tin khai thác được qua điều tra dịch tễ, cùng với kết quả xét nghiệm Real time PCR, giải trình tự gene, Bộ Y tế nhận định, ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được ghi nhận ở Việt Nam có nguồn lây từ nước ngoài. Các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân tại Việt Nam ngay từ khi về nước đều được giám sát, theo dõi theo quy định và hiện chưa phát hiện trường hợp nghi nhiễm.

Ngay từ khi nhận được thông tin bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế đã đề nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, khẩn trương làm xét nghiệm giải trình tự gene và tiếp tục điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch, cách ly, điều trị bệnh nhân theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Sở Y tế TP.HCM cũng khoanh vùng xử lý. Các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, gồm người trong gia đình, cán bộ y tế đã được theo dõi ngay từ đầu.

Kết quả xét nghiệm giải trình tự gene cho thấy, ca đậu mùa khỉ đầu tiên của nước ta nhiễm chủng Tây Phi, giống như hầu hết các ca mắc ghi nhận ở bên ngoài châu Phi trong thời gian gần đây. Theo cơ quan chuyên môn, ca mắc chủng Tây Phi thường có biểu hiện bệnh nhẹ hơn trường hợp mắc chủng Trung Phi. Đại diện Bộ Y tế đánh giá, với việc phát hiện sớm và khoanh vùng, xử lý kịp thời, ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở Việt Nam khó có khả năng dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Đã sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh

Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ghi nhận tại nước ta khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên khắp thế giới. Theo các chuyên gia, biểu hiện của bệnh đậu mùa khỉ có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như bệnh đậu mùa, các triệu chứng thường thấy là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.

Bệnh đậu mùa khỉ có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to kéo dài 2-3 tuần. Bệnh thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch. Thời gian ủ bệnh từ 5-21 ngày. Các biến chứng có thể gồm nhiễm trùng thứ phát, viêm phế quản phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não và nhiễm trùng giác mạc kèm theo mất thị lực...

Bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện đầu tiên vào năm 1958 từ những con khỉ trong phòng thí nghiệm. Bệnh tiềm ẩn thời gian qua nhưng bùng phát mạnh từ tháng 5 vừa qua, đến nay đã ghi nhận các ca bệnh tại 106 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với gần 70 nghìn trường hợp mắc bệnh. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào ngày 23-7-2022 đã công bố dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế.

Tuy ca bệnh đầu tiên tại nước ta được đánh giá khó có nguy cơ lây lan ra cộng đồng, song không phải vì thế mà có thể lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Với việc, hiện nay bệnh đậu mùa khỉ đã ghi nhận ở 106 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có những nước và vùng lãnh thổ trong khu vực có Việt Nam, cũng như việc giao lưu đi lại không hạn chế như hiện nay thì nguy cơ xâm nhập, lây lan vào nước ta là hiện hữu.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới và tại một số nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có nước ta, để chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, kiểm soát dịch kịp thời không để bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ, dịch chồng dịch, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đã đưa ra các biện pháp tăng cường phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm này.

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 1-8-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ và các hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo đó, giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ; chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người; phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đậu mùa khỉ.

Các địa phương trên cả nước sẵn sàng công tác phòng, chống dịch bệnh, trong đó đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến; Đảm bảo việc thu dung, phân luồng, điều trị người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh và phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở xét nghiệm, y tế. Đồng thời, rà soát cập nhật kế hoạch, kịch bản đáp ứng, diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí…

Với sự chủ động, biện pháp ứng phó từ sớm, từ xa như vậy, tin rằng chúng ra sẽ ngăn chặn hiệu quả bệnh dịch đậu mùa khỉ.