Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Tây Hồ:

Chống tham nhũng cần quyết liệt và kiên trì

ANTĐ - Sáng 6-10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1, đã tiếp xúc cử tri 2 quận Ba Đình và Tây Hồ. Tại buổi tiếp xúc, các vấn đề mà cử tri phản ánh, kiến nghị nhiều nhất tập trung vào chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, công tác cán bộ.
Chống tham nhũng cần quyết liệt và kiên trì ảnh 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại Hà Nội 

Cử tri luôn theo dõi sát tình hình 

Mở đầu ý kiến kiến nghị của cử tri 2 quận về lĩnh vực chống tham nhũng, cử tri Nguyễn Hồng Toán, Chủ tịch Hội luật gia quận Tây Hồ nhận xét, công tác chống tham nhũng thời gian qua đã được thực hiện rất quyết liệt, với nhiều vụ án lớn được làm sáng tỏ và xét xử nghiêm khắc. Điều này phản ánh rõ quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc quét sạch nạn tham nhũng, tiêu cực, đồng thời cũng góp phần củng cố lòng tin của nhân dân, bởi cử tri và nhân dân ta luôn giám sát, theo dõi chặt chẽ công tác chống tham nhũng. Mặc dù vậy, từ 2 vụ án lớn xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng thời gian vừa qua cho thấy, việc quản lý vốn, nợ công, tín dụng… hiện chưa thật sự chặt chẽ, khiến tội phạm phát sinh. 

Cử tri Nguyễn Phú Nho (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) đặt vấn đề, tình hình tham nhũng, lãng phí hiện vẫn còn phổ biến ở nhiều lĩnh vực. Vậy nhưng khi tổng kết hay báo cáo về nội dung này, đa số các đơn vị thường chỉ thấy nói đến “chúng ta” mà chưa nói cụ thể đến cái “ta”, cái “tôi”, không quy trách nhiệm cá nhân rõ ràng. Cử tri Nguyễn Phú Nho kiến nghị: “Muốn hạn chế được tham nhũng, tiêu cực, cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu và xử lý nghiêm minh. Nên chống tham nhũng song song với biểu dương gương tốt”. Đồng tình với quan điểm này, cử tri Nguyễn Võ Liễu (phường Thành Công, quận Ba Đình) góp ý thêm, chống tham nhũng phải chống cả tập thể và cá nhân liên quan...

Ngoài ra, các cử tri cũng phản ánh, góp ý và kiến nghị nhiều nội dung khác còn đang tồn tại nhiều vấn đề phức tạp hoặc hạn chế như: tình trạng giao thông và văn hóa tham gia giao thông của người dân; tiến độ tái cơ cấu kinh tế; vấn đề luân chuyển cán bộ; chính sách đào tạo nghề, chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn…

Chống tham nhũng là chủ trương nhất quán

Hoan nghênh và tiếp thu những ý kiến đóng góp rất “sát thực”, “rất trúng” của cử tri 2 quận Ba Đình, Tây Hồ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng thông báo đến các cử tri một số nội dung chính của kỳ họp thứ tám – Quốc hội khóa XIII sắp diễn ra. Theo Tổng Bí thư, đây là kỳ họp cuối năm, chương trình dự kiến rất nhiều. Quốc hội vừa nghe báo cáo để nhìn lại tình hình phát triển kinh tế xã hội cả năm 2014, vừa phải xem xét thông qua khoảng 20 luật, cho ý kiến lần đầu 12 dự án luật; đặc biệt tại kỳ họp này còn lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu…

Về những góp ý của cử tri liên quan đến công tác chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định, đây là chủ trương nhất quán của Đảng, hiện đã, đang và sẽ tiếp tục làm cương quyết. Dù vậy, chống tham nhũng là công tác rất khó và phức tạp, thậm chí nếu không cẩn thận có thể xảy ra oan sai, do đó cần quyết liệt nhưng cũng phải kiên trì, tỉnh táo, làm lâu dài, bằng nhiều biện pháp. “Trước hết phải kiên trì bằng việc hoàn thiện cơ chế luật pháp cho thật chặt chẽ để người ta muốn tham nhũng cũng không tham nhũng được. Đồng thời phải kiên quyết đấu tranh, phát hiện cho được các vụ tham nhũng, cá nhân tham nhũng và xử lý thật nghiêm, để không ai còn dám tham nhũng nữa” – Tổng Bí thư chia sẻ với cử tri.

Tiếp tục giải đáp một số thắc mắc của cử tri, Tổng Bí thư cho biết, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ là vấn đề gốc của Đảng, luôn được Đảng hết sức coi trọng. 

Phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp bảo vệ chủ quyền quốc gia

Về những quan tâm của cử tri đến vấn đề kinh tế biển đảo, Tổng Bí thư chia sẻ, kinh tế biển kết hợp với quốc phòng an ninh trên biển là vấn đề chiến lược được Trung ương luôn quan tâm. Từ hơn 10 năm trước, chúng ta có Nghị quyết chuyên đề, chiến lược tổng thể về kinh tế biển, trong đó chú trọng đến đầu tư phát triển mạnh kết hợp với bảo vệ chủ quyền quốc gia. Chính vì thế khi xảy ra sự cố căng thẳng trên Biển Đông, chúng ta có cơ sở đấu tranh về nhiều mặt.