Choáng ngất, xử trí thế nào?

(ANTĐ) - Theo từ điển y học Medilexicon, bất tỉnh là trạng thái mất ý thức hoặc chùng xuống của cơ thể do giảm máu lên não. Đôi khi choáng ngất không mang ý nghĩa quan trọng về mặt sức khỏe nhưng một vài trường hợp, nó có thể do bị bệnh nghiêm trọng. Cấp cứu kịp thời trước khi tìm ra nguyên nhân chữa trị là điều cần thiết.

Choáng ngất, xử trí thế nào?

(ANTĐ) - Theo từ điển y học Medilexicon, bất tỉnh là trạng thái mất ý thức hoặc chùng xuống của cơ thể do giảm máu lên não. Đôi khi choáng ngất không mang ý nghĩa quan trọng về mặt sức khỏe nhưng một vài trường hợp, nó có thể do bị bệnh nghiêm trọng. Cấp cứu kịp thời trước khi tìm ra nguyên nhân chữa trị là điều cần thiết.

Tìm hiểu triệu chứng và nguyên nhân có thể phòng tránh hữu hiệu hơn
Tìm hiểu triệu chứng và nguyên nhân có thể phòng tránh hữu hiệu hơn

Triệu chứng và cơ chế

Nếu tỷ lệ oxy trong áp suất không khí giảm xuống dưới 16%, phần lớn con người bị choáng ngất vì thiếu oxy huyết. Tỷ lệ này chưa đầy 11%, người ta sẽ chết vì nghẹt thở. Thông thường, khi bất tỉnh, ai đó có thể nhớ đến cảm giác hoa mắt, không nhìn thấy gì nhưng không nhớ bị ngã khi nào. Nhìn chung, dấu hiệu sớm của hiện tượng choáng ngất bao gồm: Thấy nặng chân, nhìn mọi vật mờ mờ, nhầm lẫn, cảm thấy nóng lạnh bất thường, đau đầu, chóng mặt, cảm giác bồng bềnh, buồn nôn, toát mồ hôi, ngáp. Khi bất tỉnh, người ta có thể bị ngã, ngồi sụp xuống, tái nhợt bất thường, tụt huyết áp, mạch yếu.

Về mặt khoa học, bất tỉnh là một cơ chế do não tạo ra để tồn tại. Nếu lượng oxy và máu lên não giảm xuống mức đáng kể, não lập tức ngừng hoạt động tất cả các bộ phận ít quan trọng của cơ thể để bảo toàn hoạt động cho những cơ quan hàng đầu khác.

Cụ thể, khi não phát hiện oxy huyết giảm, cơ thể sẽ thở gấp hơn, kèm theo nhịp tim tăng để đưa thêm oxy lên não. Điều này có thể dẫn đến tình trạng hạ huyết áp bởi phần não khi đó nhiều máu hơn so với các khu vực còn lại. Chứng thở quá nhanh cộng với chứng hạ huyết áp có thể dẫn đến tình trạng mất ý thức tức thời, nhão cơ rồi bất tỉnh.

Nhận biết một số dạng choáng ngất

Dựa theo nguyên nhân gây mất máu và oxy lên não, có thể chia ra một số dạng choáng ngất, bất tỉnh khác nhau:

Bất tỉnh do thiếu máu cục bộ cơ quan thần kinh trung ương: Xảy ra khi hệ thống thần kinh tự quản (ANS) gặp trục trặc tức thời. ANS ảnh hưởng đến nhịp tim, tiêu hóa, hô hấp, tuyến nước bọt, tuyến mồ hôi, đường kính đồng tử, đi tiểu… mỗi hoạt động là một mắt xích của chuỗi tự động.

Bất tỉnh do bệnh tim mạch. Đúng như tên gọi của nó, vấn đề liên quan đến tim là nguyên nhân gây ra thiếu cung cấp oxy và máu lên não, chủ yếu là yếu tố loạn nhịp tim, hẹp van tim, huyết áp thấp, đau tim…

Bất tỉnh theo tình huống. Là một trong những dạng phổ biến nhất, người ta có thể choáng ngất khi quá kinh hãi, bị xúc động mạnh, bị đặt vào tình huống, sự kiện vô cùng lúng túng, đứng quá lâu hay ở một nơi quá nóng và ngột ngạt trong thời gian dài. Ngoài ra, nghiêng về thể chất hơn là cảm xúc, tinh thần hay các yếu tố trừu tượng, còn có rất nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng choáng ngất này, đó là ho, đi ngoài, nâng vật nặng, hoạt động thể lực nặng, hắt hơi…

Bất tỉnh vì những nguyên nhân khác. Đầu tiên phải kể đến chứng xuống máu do tư thế đứng. Do máu dồn xuống chân, hệ thần kinh phản ứng bằng cách tăng nhịp tim và co bóp mạch máu mạnh hơn để ổn định huyết áp, kết quả là máu và oxy lên não giảm, dẫn đến choáng ngất.

Bên cạnh đó là tình trạng mất nước trầm trọng, do không được uống nước trong thời gian dài hay do bệnh nhân đái tháo đường nhưng không chữa trị, đi tiểu nhiều hơn thường lệ khiến cơ thể bị khử nước. Do ảnh hưởng của thuốc chữa bệnh, như thuốc lợi tiểu hay thuốc điều trị tăng huyết áp cũng có thể dẫn đến thiếu máu, oxy lên não. Những người uống quá nhiều rượu một lúc có khi gục đầu xuống tưởng là ngủ nhưng có thể đã bất tỉnh. Khi đi bơi, phải giữ hơi quá lâu trong nước cũng có thể dẫn đến choáng ngất.

Không dễ để phân biệt tình trạng bất tỉnh vô hại với nguyên nhân nghiêm trọng hơn. Đầu tiên là phải cấp cứu người bị nạn, sau đó việc chẩn đoán và chữa trị phải qua các xét nghiệm cùng với xem xét bệnh sử gia đình người bệnh.

Cách xử trí

Nếu bạn cảm thấy choáng ngất, đừng đứng dậy, tìm ai đó hay vịn vào nơi nào đó để ngồi hoặc nằm xuống. Khi ngồi xuống, nên đặt đầu vào giữa hai đầu gối, muốn đứng dậy phải thật chậm.

Nếu thấy ai đó bất tỉnh, đặt bệnh nhân nằm ngửa, kê chân sao cho cao hơn tim 30cm để máu lên não, nới lỏng quần áo và phụ kiện trên người, đừng để người bệnh quay người quá nhanh, tạo không khí thoáng đãng xung quanh. Tình trạng mất ý thức kéo dài hơn 1 phút, hãy sử dụng các biện pháp sơ cứu, giúp cầm máu nếu người bất tỉnh ngã bị thương, đồng thời kiểm soát sự thở, ho, cử động, nôn nếu có. Nên đi khám bác sỹ nếu người bệnh choáng ngất mất vài phút, sau khi bất tỉnh, người bệnh kêu đau ở ngực, bị loạn nhịp tim, không kiểm soát được bài tiết, có tiền sử bệnh tim…

Yến Chi

(Theo Medical News Today)