Cho vay bất động sản "ẩn" trong tín dụng tiêu dùng

ANTD.VN - Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, gần 50% tín dụng tiêu dùng liên quan đến bất động sản cho thấy có sự chuyển dịch cần được theo dõi, đánh giá.

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, năm 2016, tín dụng đầu tư và kinh doanh bất động sản tăng chậm, chỉ tăng 12,5% so với cuối năm 2015, thấp hơn nhiều so với mức tăng tới 28,3% của năm 2015. Tương ứng, tín dụng đầu tư và kinh doanh bất động sản chỉ chiếm 8,4% tổng tín dụng, giảm nhẹ so với tỷ trọng 8,8% trong năm trước.

Tín dụng đầu tư và kinh doanh bất động sản tập trung chủ yếu vào nhu cầu xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở, nhà để ở kết hợp với cho thuê (34,3%); xây dựng khu đô thị (19%); đầu tư kinh doanh bất động sản khác như nhà hàng, khách sạn để bán, cho thuê (21,8%).

Theo các chuyên gia, việc cho vay bất động sản tập trung chủ yếu vào nhu cầu sửa chữa nhà và mua nhà để ở là kết quả của việc các ngân hàng thương mại nỗ lực triển khai hàng loạt gói tín dụng trong lĩnh vực này, chú trọng ưu đãi lãi suất cũng như nới điều kiện để người dân tiếp cận gói vay mua và sửa chữa nhà ở. Điều đó có thể thấy qua các chương trình khuyến mãi rầm rộ của các ngân hàng đối với khách hàng vay mua, sửa chữa nhà.

“Thời gian vừa qua, người dân vay mua, sửa nhà nhiều là tín hiệu tích cực với thị trường bất động sản, không có gì đáng ngại vì việc vay như thế thì rất ít rủi ro”, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Cấn Văn Lực nhận định. Cho vay bất động sản mới chiếm 8,4% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng, trong khi thời kỳ đỉnh điểm chiếm khoảng 14-15%.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, trong khi tín dụng bất động sản tăng chậm lại thì tín dụng tiêu dùng lại tăng mạnh, trong đó gần 50% liên quan đến nhà ở cho thấy hình thái tín dụng bất động sản có sự chuyển dịch và cần được theo dõi, đánh giá.

Đồng tình với nhận định này, chuyên gia tài chính, TS Bùi Quang Tín cho rằng, có sự dịch chuyển từ cho vay bất động sản sang lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Lý giải điều này, ông Bùi Quang Tín cho rằng, theo Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước thì từ năm 2017, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng thương mại sẽ giảm từ 60% xuống 50% và tiến tới năm 2018 chỉ còn 40%; hệ số rủi ro kinh doanh bất động sản tăng từ 150% lên 200%.

Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng thương mại phải giảm cho vay bất động sản. Vì vậy, có thể ngân hàng đã dùng giải pháp kỹ thuật “giấu” cho vay bất động sản vào cho vay tiêu dùng. Đây là lý do Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đưa ra cảnh báo.

Theo TS Bùi Quang Tín, việc cảnh báo này là cần thiết vì những lo ngại về tín dụng bất động sản là không thừa, đặc biệt trong bối cảnh cung - cầu bất động sản vẫn còn “lệch pha” khi tỷ lệ bất động sản trung, cao cấp, nghỉ dưỡng vẫn áp đảo. 

Tuy nhiên, TS Bùi Quang Tín cũng cho rằng việc các ngân hàng đẩy mạnh cho vay mua, sửa chữa nhà ở là tín hiệu tích cực vì đây là khoản vay ít rủi ro và giúp kích thích thị trường bất động sản. Còn theo TS Cấn Văn Lực thì với tỷ lệ vay mua, sửa chữa nhà ở chiếm gần 50% tín dụng tiêu dùng cũng không phải là con số quá lo ngại, vì hiện tín dụng tiêu dùng mới chỉ chiếm hơn 8% tổng dư nợ.