Chợ tây, chợ tem

ANTĐ - Trong tôi, Hà Nội nổi tiếng vì có nhiều chợ. Chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Bưởi, chợ Ninh Hiệp… đã từng đi vào ca dao, tục ngữ. Nhưng trước sự phát triển, Hà Nội cũng ngày càng nhiều… chợ. Có cái khiến người ta ái ngại như chợ cóc lấn chiếm vỉa hè lòng đường, tiện cho một số người nhưng lại làm xấu thành phố, vô tình trở thành hình ảnh “tiếp thị” về một điều dị biệt trong mắt người nước ngoài.

Nhưng Hà Nội cũng còn có những phiên chợ độc đáo mới xuất hiện đã góp thêm một nét đẹp cho Thủ đô. Đó là những phiên chợ tuần chỉ họp một lần. Tôi muốn kể bạn nghe về “chợ Tây” và “chợ Tem” giữa lòng Hà Nội.

Chợ Tây họp sáng thứ bảy, từ 9-12h30. Nếu không quen đường, hoặc cầm sẵn trên tay tờ giấy ghi địa chỉ rất cụ thể, bạn sẽ khó tìm đến phiên chợ này. Bởi nó nằm sâu trong ngách nhỏ, ngoắt nghéo của đường Tô Ngọc Vân. Phải mất rất nhiều thời gian vòng vèo tìm kiếm, định bỏ cuộc thì may sao, khi hỏi bâng quơ chị bán bánh mì bên đường lại được chị chỉ tận tình. Xe đạp và xe máy có người hướng dẫn chỗ để hẳn hoi, lại không mất phí trông xe. Nói là chợ nhưng không có bãi đất rộng, không có những hình ảnh lem nhem, nhếch nhác mà ta thường gặp. Chợ Tây nằm lọt thỏm vào 2 khoảnh sân, đối diện nhau, phương tiện giao thông đi ở giữa.

Những quầy hàng bày biện đẹp mắt, sạch sẽ tinh tươm, với âm nhạc vui vẻ. Tuy vậy, đây vẫn là chốn bán mua khá rôm rả. Người bán, người mua đa phần là Tây. Người Anh, Nga, Pháp, Đức, Italia... đều có cả. Bán từ hàng lưu niệm, mĩ phẩm, quần áo, hàng thủ công mĩ nghệ đến rau xanh, thịt gà, trứng, phomat, bánh mì, pizza, hoa quả khô, đồ uống như trà, rượu, nước hoa quả, đồ gia vị… Điều quan trọng, mọi thứ ở đây đều phải sạch và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng mới được bày bán. Giá có cao hơn, nhưng khoảng 30 quầy hàng trong chợ không ai nói… thách. Đến chợ Tây còn bắt gặp một “quầy sách” nho nhỏ. Ở đây bạn có thể bắt gặp những cuốn sách nước ngoài của những tác giả nổi tiếng, nhiều cuốn đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Chủ cửa hàng cho biết, họ sẵn sàng đổi hoặc nhận bán hộ các gia đình “Tây” sống trong khu vực này những cuốn sách mà họ đã đọc xong.

Nhưng chợ Tây không chỉ mở cho khách Tây để buôn bán, giao lưu, tận dụng những món hàng cũ, hàng handmade để ôn lại những kỉ niệm, tập thói quen quý trọng đồng tiền mà còn có cả khách ta. Có khách ta thì lại có luôn người bán hàng ta. Nhiều người đến để mua bán. Nhiều người đến để dạo chơi. Nhiều người đến để thưởng thức ẩm thực trên thế giới. Nhưng cũng nhiều người như tôi, đến để học một vài tác phong rất văn minh. Chẳng hạn như người bán hàng từ ta đến tây đều rất ân cần, niềm nở. Cho dù bạn có đứng cả tiếng đồng hồ, mặc cả lên mặc cả xuống vài nghìn đồng thì vẫn nhận được những lời từ chối rất nhẹ nhàng, những tiếng cười đùa thân mật hoặc sự đồng ý rất lịch sự chứ không hề bị mắng té tát, bị dằn hắt hay bị quẳng vào mặt theo kiểu ban ơn. Điều này, có vẻ như là rất hiếm hoi, từ lâu đã không còn tồn tại trong suy nghĩa của người Tràng An...

Trong khi đó, nhiều người rất ngạc nhiên về một anh chàng dáng thấp đậm, giới thiệu sản phẩm mật ong rừng, trêu đùa khách, vặn vẹo khách bằng thứ tiếng Việt tự nhiên, sâu sắc đến mức thú vị. Hỏi ra mới biết, anh là Alain Fiorucci, người Pháp gốc Italy, một tiến sĩ nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Là một trong những người đầu tiên tham gia mở khu chợ với mục đích mô phỏng chợ phiên cuối tuần ở châu Âu, đến nay cửa hàng “Tự nhiên Việt Nam” (Naturally Vietnam) đã có nhiều sản phẩm như rau, trứng, mật ong, đường... để phục vụ khách hàng.

Cũng “mở” vào lúc 9 giờ sáng như “chợ Tây”, nhưng “chợ Tem” mở vào sáng chủ nhật hàng tuần, trên vỉa hè phố Triệu Việt Vương. Vỏn vẹn vài chiếc bàn, mươi cái ghế nhựa xanh đỏ, và… mươi người đàn ông, cùng những con tem các loại vậy là thành cái chợ có một không hai ở Hà Nội, thậm chí “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam - như ông Phạm Hào, chủ nhà số 160 Triệu Việt Vương tự hào về điều đó.

Gọi là chợ, nhưng chợ tem ở phố Triệu Việt Vương nhỏ và trật tự hơn chợ Tây rất nhiều. Ôtô của những người đi uống cà phê vẫn đậu kín ven đường, che khuất cả những người chơi tem đang tụ lại xem một con tem “độc”. Tiếng xe cộ vẫn chạy qua ầm ào, còn người chơi tem thì đến đây trao đổi, giao lưu về tem. Ông Phạm Hào là người có công “khai sinh” ra cái chợ tem độc đáo này. Ông bảo, bất cứ sáng chủ nhật nào, bất kể mưa hay nắng, thậm chí kể cả chủ nhật rơi vào đúng sáng mùng 2 Tết, chợ tem vẫn mở.

Chợ lặng lẽ nhưng không kém phần nồng nhiệt, quyết liệt. Bởi, để mua được một con tem đúng ý, có khi khách phải bỏ công cả tháng trời để tìm kiếm hoặc thuyết phục người bán. Cũng có khi, "sự tích" về một con tem nào đó khiến bạn phải giật mình về niên đại, về xuất xứ, về sự quý hiếm độc nhất vô nhị của nó. Người chơi tem có khi còn đang học tiểu học, cũng có khi râu tóc đã bạc hết cả. Cái chợ tem này dù tự phát, nhưng ẩn dưới những tàng cây, thu hẹp trên vỉa hè nhỏ bé mà lại mang trong mình một nét văn hóa rất đặc sắc của Hà Nội. Ở đó, sự xô bồ ồn ào mua bán không hẳn là quan trọng nhất. Người ta đến vì sự đam mê, vì những nhu cầu sẻ chia, vì ham muốn hiểu biết và bày tỏ những kiến thức mà mình dày công bồi tụ.

Những cái chợ nhỏ như thế này góp thêm những địa điểm thú vị cho người Hà Nội, cũng đã mang đến một nét mới cho Kẻ Chợ thời hiện đại.