Chớ coi thường chuyện “vặt”

ANTĐ - Mấy năm nay “bỗng dưng” xuất hiện trên báo chí và trên miệng người dân cụm từ “tham nhũng vặt”.

- Chắc là từ câu cửa miệng: “Ngủ ngày quen mắt, ăn vặt quen mồm”. Nhưng từ “ăn vặt” đến ăn cắp vặt và tham nhũng vặt đã được nâng lên “trình độ” cao hơn hẳn. 

- Tham nhũng vặt được “xếp hạng” ở hai cấp độ. Quy mô tham nhũng tuy nhỏ nhưng rải rác khắp nơi như vào bệnh viện phải “phong bì” bồi dưỡng; xin cho con học phải “lót tay”; qua cửa công quyền cũng “bôi trơn”…

- Chuyện đó thì rõ rồi, khỏi phải kể lể. Vậy còn cấp độ hai là gì?

- Cấp độ này rất đáng báo động: người dân cảm thấy tham nhũng đã trở thành chuyện vặt vãnh đến mức như một thói quen hiển nhiên. Nói cách khác, khi đó tham nhũng phổ biến đến mức người ta không thấy lạ, không bức xúc, lên án mà sẵn sàng chấp nhận. 

- Kết quả khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh vừa công bố gần đúng như thế: 42% người dân cho rằng phải hối lộ khi đi khám chữa bệnh, 30% phải lo lót khi làm thủ tục về đất đai…

- Có nhiều người đổ tội cho mặt trái kinh tế thị trường “cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng nhiều tiền”.

- Theo tôi, không nên coi thường tham nhũng vặt, vì từ “vặt” sẽ dẫn đến tham nhũng lớn. Không có cái “vặt” thì làm sao “đẻ” ra cái lớn được.