Chính trường Ai Cập thêm bế tắc

ANTĐ - Phó Tổng thống phụ trách đối ngoại của Ai Cập M. El Baradei đã đệ đơn từ chức sau khi hàng trăm người bị thiệt mạng trong vụ cảnh sát giải tán 2 cuộc biểu tình ngồi của những người ủng hộ Tổng thống bị phế truất M. Morsi.

Chính trường Ai Cập thêm bế tắc ảnh 1
Cảnh đối đầu giữa người biểu tình và cảnh sát tại Thủ đô Cairo


Trong bức thư gửi Tổng thống lâm thời A. Mansour, ông El Baradei giải thích: “Thật khó khăn cho tôi phải gánh trách nhiệm về các quyết định mà tôi không ủng hộ và đã cảnh báo hậu quả”. Cựu Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và là người từng giành giải Nobel Hòa bình nhấn mạnh: “Bạo lực sẽ đẻ ra bạo lực và các nhóm cực đoan là đối tượng duy nhất được hưởng lợi từ những gì xảy ra trong ngày 14-8”.

Đây không phải là quyết định bất ngờ mà là một bằng chứng nữa cho thấy Ai Cập đang rơi vào tình thế không lối thoát. Tuần trước, Tổng thống lâm thời Ai Cập A. Mansour đã phải thừa nhận rằng tất cả các nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế nhằm khai thông thế bế tắc chính trị ở nước này kể từ cuộc chính biến ngày 3-7 đều đã thất bại.

Không khó khăn gì để lý giải thế bế tắc hiện nay. Vẫn như trước đây, Tổ chức Anh em Hồi giáo - lực lượng xuất thân của Tổng thống bị lật đổ M. Morsi - cho biết sẽ không tham gia các cuộc đối thoại hòa giải dân tộc sắp tới theo lời kêu gọi của Tổng thống lâm thời A. Mansour bởi đây là chính quyền không hợp hiến. Yêu sách tiên quyết của MB là phải để ông M. Morsi trở lại nắm quyền.

Trong bối cảnh chưa tìm được giải pháp tháo ngòi nổ xung đột, lực lượng quân sự thực hiện cuộc chính biến lại liên tiếp có những hành động mà dư luận đánh giá là “đổ thêm dầu vào lửa”. Ngày 25-8 tới, chính quyền Ai Cập sẽ mở phiên xét xử 6 nhà lãnh đạo của Tổ chức Anh em Hồi giáo bị buộc tội kích động sát hại người biểu tình. Trong số những người bị xét xử có lãnh tụ tinh thần tối cao Mohamed Badie và cấp phó của ông là Khairat      El-Shater.

Chưa dừng lại ở đó, chính quyền quân sự Ai Cập còn dự định sẽ đưa ông M. Morsi xét xử với cáo buộc ông và Tổ chức Anh em Hồi giáo tham gia các hoạt động gián điệp, âm mưu thông đồng với lực lượng Hamas Palestine và Hezbollah ở Lebanon, kích động giết người biểu tình, gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng và tiếp tay tội phạm bỏ trốn khỏi nhà tù vào thời điểm các sự kiện năm 2011.

Một điều chắc chắn là bất kỳ phán quyết nào, dù nhẹ hay khắc nghiệt, đối với số phận ông M. Morsi và các nhà lãnh đạo Tổ chức Anh em Hồi giáo đều khoét sâu hơn chia rẽ trong xã hội cũng như giữa các tầng lớp chính trị Ai Cập. Dù thế của Tổ chức Anh em Hồi giáo lúc này chưa đủ mạnh để lật ngược ván bài nhưng giới quân sự cũng chưa ở thế thượng phong. 

Trong một tuyên bố trên nhật báo “Almasry Alyoum”, một quan chức trong chính phủ lâm thời Ai Cập cho biết lực lượng cảnh sát nước này “thừa khả năng” giải tán các cuộc biểu tình ngồi của những người ủng hộ ông M. Morsi chỉ trong vòng một giờ đồng hồ. Không ai phủ nhận điều đó nhưng cũng có một thực tế rõ ràng là với đầy đủ sức mạnh của vũ khí, giới quân sự vẫn không buộc được lực lượng của Tổ chức Anh em Hồi giáo phải quy thuận. 

Bộ Y tế Ai Cập cho biết, ít nhất 525 người đã thiệt mạng trong chiến dịch giải tán hai địa điểm biểu tình ngồi của những người ủng hộ ông M. Morsi nhưng tình hình vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát. Không biết tương lai thế nào, chỉ thấy không chỉ ông El Baradei từ chức mà hai Phó Thủ tướng Ziad Bahaa và Hossam Eissa cũng có ý định ra đi.