Chính tài liệu lịch sử Trung Quốc đã bác bỏ đường 9 đoạn

ANTĐ - Báo chí thế giới gần đây đã đăng tải bài viết nói về quan điểm của ông Tiết Lý Thái, cựu chủ biên tờ Minh Báo, hiện đang là nghiên cứu viên Trung tâm An ninh và hợp tác quốc tế Đại học Stanford (Mỹ), cũng là người giữ chuyên mục “Tiết Lý Thái tung luận xuân thu” (Tiết Lý Thái bàn về thời cuộc) trên Đài truyền hình Phượng Hoàng (Hongkong). Mặc dù là người theo quan điểm của Bắc Kinh, ông Tiết cũng buộc phải thẳng thắn nhìn nhận: “Việc Trung Quốc giải thích về đường 9 đoạn như là đường quốc giới trên biển của mình, muốn được cộng đồng quốc tế công nhận, thật không dễ”.

Bài văn tế khao lề thế lính Trường Sa chứng minh từ triều Nguyễn,

Việt Nam đã lập đội hùng binh ghi nhận chủ quyền Tổ quốc


Nhận diện ý đồ độc chiếm Biển Đông

Đến bây giờ sau khi công bố những bản đồ do chính các chính phủ tiền nhiệm trước Trung Hoa dân quốc cho thấy lãnh thổ Trung Quốc đến đầu thế kỷ 20 không bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc chỉ còn cách trông chờ vào đường 9 đoạn, coi đó là chứng cứ pháp lý để bấu víu vào. Tiếc thay, cái sự tích đường 9 đoạn này do chính Trung Quốc đưa ra lại chẳng có một chút thuyết phục nào. Để làm rõ hơn vấn đề này, cũng từ chính các tài liệu của Trung Quốc chúng ta thử tìm hiểu nguồn gốc của đường 9 đoạn hay đường lưỡi bò, đường chữ U, để thấy rõ thái độ ăn không nói có, thấy rõ mưu đồ cũng như bộc lộ rõ bản chất bành trướng của Trung Quốc hòng độc chiếm Biển Đông.

Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ xuất hiện trong các địa đồ hay thư tịch của Trung Quốc cho đến nửa đầu thế kỷ 20. Các bản đồ đời nhà Thanh ấn hành từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 đều khẳng định điểm cực nam của Trung Quốc chỉ dừng ở phủ Quỳnh Châu tại vĩ tuyến 18,13 độ vĩ bắc. Trong khi quần đảo Hoàng Sa nằm ở vĩ tuyến 17,15 độ vĩ bắc và quần đảo Trường Sa ở từ vĩ tuyến 12 đến 8 độ vĩ bắc. Cũng cần phải khẳng định một điều: Cho đến năm 1945, cái gọi là “đường lưỡi bò” (hay đường chữ U, đường chín đoạn như ngày nay) chưa hề xuất hiện trong bất cứ tấm bản đồ nào. Vậy nó ra đời lúc nào?

Có thể thấy lịch sử của ý đồ xâm phạm chủ quyền các nước trong khu vực Biển Đông bắt đầu từ năm 1909. Tại thời điểm đó Việt Nam đã thực hiện quyền quản lý trên thực địa từ nhiều thế kỷ trước hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Nhưng phải đến năm 1917, lần đầu tiên trên tấm bản đồ là Trung Hoa Dân quốc tân khu vực đồ (1917) quy nạp quần đảo Hoàng Sa bằng cách vẽ thêm một khung vuông phụ trong bản đồ toàn quốc.

Tuy nhiên, bản đồ trên không có quần đảo Trường Sa. Tiếp đến, quần đảo Hoàng Sa tiếp tục bị Trung Quốc ngang nhiên thể hiện là điểm cực nam của nước này trong Trung Quốc địa lý các duyên đồ (1922), Trung Quốc tân hình thế đồ (1922) và Trung Hoa triết loại phân tỉnh đồ (1931), Trung Hoa dân quốc tân địa đồ (1934). Chưa dừng lại ở đó, Trung Hoa Dân quốc tiếp tục hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam bằng cách vẽ ra đường 11 đoạn ôm trọn biển Đông.

Điều này được thể hiện trong phụ đồ "Vị trí các đảo Nam Hải" của "Bản đồ khu vực hành chính Trung Hoa dân quốc" (1948). Đến năm 1953, Bắc Kinh tạo ra một biến thể quái thai khác từ bản đồ trên để vẽ nên đường 9 đoạn (còn gọi là đường lưỡi bò) rồi ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam. Sự thay đổi phi lý trong các bản đồ trên là bằng chứng chỉ ra quá trình Trung Quốc biến không thành có để thâu tóm các đảo trên biển Đông của Việt Nam. Ý đồ chiếm đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Trung Quốc cũng được nhiều nhà nghiên cứu, các nhà phân tích trên thế giới đã có bằng chứng chỉ ra là hoàn toàn do Trung Quốc vẽ thêm vào các bản đồ của nước mình từ khi Trung Quốc có ý định xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa. Điều đó chẳng khác nào kẻ ăn vụng nhưng không biết… chùi mép.

Chủ quyền đã xác định

Trên thực tế, ngay từ thế kỷ 17, các nhà nước Việt Nam đã thực sự quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hàng năm các nhà nước phong kiến Việt Nam vẫn cử những đoàn thuyền tuần tra và thu những nguồn lợi từ hai quần đảo này. Trong lúc các bản đồ và tài liệu địa chí Trung Hoa còn chưa đề cập đến hai quần đảo này thì các bản đồ và sách địa chí của Việt Nam đã mô tả tỉ mỉ cả về vị trí và những điều kiện thủy văn và nguồn lợi. 

Sau này, khi nhận thấy âm mưu xâm chiếm của Trung Quốc và sự manh nha xuất hiện của người Nhật trên tuyến đường biển quan trọng “nối liền giữa Hong kong và Sài Gòn”, liên tiếp từ năm 1925-1930 Pháp  (lúc đó đại diện cho quyền lợi của Việt Nam) đã có những động thái khẳng định chủ quyền không chỉ ở Hoàng Sa mà còn cả ở Trường Sa. Trước hết, đầu tháng 3-1925 toàn quyền Đông Dương Pasquier đã ra tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc lãnh thổ của Pháp (tức thuộc về An Nam đang là thuộc địa của Pháp lúc bấy giờ).

Tiếp đến ngày 13-4-1930, Pháp đã cho tàu La Malicieuse ra Trường Sa để treo quốc kỳ Pháp. Mười ngày sau đó, Chính phủ Pháp đã tuyên bố thực thi chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. Trước đó ngày 20-3-1930, toàn quyền Đông Dương đã yêu cầu Bộ thuộc địa Pháp “Cần thừa nhận lợi ích của nước Pháp ẩn chứa trong việc thay mặt An Nam thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa”. Sau đó năm 1938-1939, theo Nghị định số 3282 do toàn quyền Đông Dương Brievie ký, Pháp đã triển khai quân binh đến đảo Hoàng Sa xây dựng trạm hải đăng, trạm vô tuyến TFS và trạm khí tượng, song song đó cũng xây dựng thêm một trạm khí tượng khác trên đảo Phú Lâm.

Tại cực nam biển Đông, tháng 3-1933, Pháp đã điều bốn tàu Lamalicieuse, tàu chiến Alerte, hai tàu thủy văn Astrobale và De Lanessan đến Trường Sa. Sau khi đổ bộ lên các đảo ở đây, người Pháp ngay lập tức soạn thảo một văn bản, sau đó thảo ra 11 bản và thuyền trưởng của các tàu cùng bút ký. Sau đó, các văn bản này được đóng kín trong một cái chai rồi đem đến mỗi đảo ở Trường Sa gắn chặt vào một trụ ximăng xây cố định thêm một lần nữa xác định chủ quyền ở đảo Trường Sa.

Trước đó, trong bản ghi chú gửi cho Vụ châu Á đại dương, Bộ Ngoại giao Pháp đã viết: “Việc chiếm đóng quần đảo Trường Sa (Spratley) mà Pháp thực hiện trong hai năm 1931-1932 là nhân danh hoàng đế An Nam”. Đến năm 1938, Pháp tiếp tục cho xây dựng bia chủ quyền, hải đăng, trạm khí tượng thủy văn và một trạm vô tuyến trên đảo Ba Bình (Itu-Aba). Như vậy, tính từ năm 1930-1938, chính quyền thực dân Pháp đã nhân danh An Nam (Việt Nam lúc bấy giờ) xác lập chủ quyền rõ ràng ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhố nhăng đường 9 đoạn

Những diễn biến dồn dập xảy ra trong hai năm 1946-1947 trực tiếp đẩy nhanh các kế hoạch xâm chiếm hai quần đảo quan trọng của Việt Nam trên Biển Đông. Sau khi Nhật đầu hàng quân đồng minh, tháng 2-1946, Quốc dân đảng đã ký với Pháp hiệp ước Trùng Khánh chấm dứt vai trò giải giáp quân Nhật tại Đông Dương. Cuối năm 1946, quân đội Trung Hoa dân quốc đưa bốn tàu chiến do tướng Lâm Tuân dẫn đầu xuôi biển Đông để đến Hoàng Sa và Trường Sa, mà theo luận điệu hết sức vô lý là “giải giáp tàn quân Nhật”, dù thời gian giải giáp đã hết từ lâu. 

Tư liệu do tuần báo Phượng Hoàng (Hong kong) trong cuộc gặp gỡ những người liên quan đến chuyến đi của Lâm Tuân đang sống ở Đài Loan lại cho biết người vẽ bản đồ “11 đoạn” không phải Lâm Tuân mà chính là giám đốc Sở Phương vực Phó Giác Kim. Ông này đã căn cứ trên những tư liệu sơ sài của Lâm Tuân, Trịnh Tư Duyệt và Tào Hi Mãnh để vẽ bản đồ trên.

Trong cuộc họp ngày 14-4-1947, Bộ Nội chính Trung Hoa dân quốc đã triệu tập hội nghị xác định phạm vi và chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hội nghị quyết định lấy vĩ tuyến 4 độ vĩ bắc, với chót điểm là bãi đá ngầm James ở gần Malaysia làm cực nam của bản đồ “đường 11 đoạn”. Đây chính là tiền thân của “đường lưỡi bò” ngày nay, cái mà Trung Quốc gọi là “đường chữ U” hay “đường 9 đoạn”. Đến đầu năm 1949, chính quyền Quốc dân Đảng dần rút khỏi Trung Quốc và tháo chạy về Đài Loan, những tưởng đường 11 đoạn đã tiêu tùng. Tuy nhiên, lòng tham và mưu đồ “liếm” trọn biển Đông đã được “kế thừa”.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, sau khi đuổi Quốc dân Đảng ra khỏi đại lục, năm 1953 Chính phủ CHND Trung Hoa đã phê duyệt cắt bỏ hai đoạn ở vịnh Bắc bộ của Việt Nam để biến “đường 11 đoạn” thành “đường 9 đoạn” nhưng không nêu rõ lý do. “Đường 9 đoạn” này cơ bản giống với “đường 11 đoạn” của Trung Hoa dân quốc, chỉ có điều là nó tham lam hơn, “liếm” sát Việt Nam, Malaysia và Philippines hơn.

Tờ báo này thừa nhận Chính phủ Trung Quốc từ trước tới nay chưa hề “giải thích” hay nói rõ cho cộng đồng quốc tế về sự tồn tại của “đường 9 đoạn”. Điều này đồng nghĩa với việc Bắc Kinh đã thừa nhận tính vô pháp lý của cái gọi là “đường lưỡi bò” trên trường quốc tế. Thế mà giờ đây họ cứ đem cái “sản phẩm  tượng trưng” này ra để làm bằng chứng “thuyết phục” về yêu sách chủ quyền vô lý của họ ở biển Đông.

Như vậy căn cứ pháp lý cuối cùng mà Trung Quốc viện dẫn của đường 9 đoạn đã bị thực tế và chính những tài liệu của họ bác bỏ. Chỉ còn bộ mặt thật của những kẻ âm mưu bành trướng dùng mọi thủ đoạn từ lừa dối đến trắng trợn để chiếm đoạt lãnh thổ của Việt Nam. Nhưng cũng chính lịch sử hàng nghìn năm qua đã khẳng định: Không có kẻ thù nào có thể khuất phục được dân tộc Việt Nam anh hùng.

Mỹ có lợi ích quốc gia trong khu vực biển Đông

Sáng 3-8, Thượng viện Mỹ đã chính thức thông qua Nghị quyết về tình hình Biển Đông nhằm thể hiện phản ứng trước những động thái mới đây của Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ John Kerry đã cùng một số thượng nghị sĩ Mỹ khác giới thiệu Nghị quyết này lên Thượng viện. "Không còn nghi ngờ gì về việc Mỹ đã cam kết đảm bảo sự hiện diện lâu dài và thúc đẩy các mối quan hệ đối tác trong khu vực. Chúng tôi có một lợi ích rõ ràng trong an toàn và hành xử hợp pháp của tất cả mọi người trong hoạt động hàng hải chung của châu Á. Chúng tôi có lợi ích to lớn trong giải pháp hòa bình cho tất cả các vấn đề ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế và thông qua tiến trình ngoại giao đa phương", ông Kerry khẳng định. "Chúng tôi có những mối quan tâm lớn về tự do hàng hải và tự do thương mại. Đó là những nguyên tắc mà tất cả các nước trong khu vực nên ủng hộ". 

Liên quan tới các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, ngày 3-8 Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố, bày tỏ sự quan ngại đối với việc Trung Quốc thành lập bộ máy chính quyền và triển khai quân đồn trú thuộc cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm của Việt Nam - "Việc Trung Quốc nâng cấp hành chính với “Tam Sa” và thiết lập đơn vị đồn trú mới ở Biển Đông đã đi ngược lại những nỗ lực ngoại giao hợp tác để giải quyết các bất đồng và gây ra nguy cơ leo thang căng thẳng trong khu vực”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell nói.

Trong diễn biến khác, Lầu Năm Góc đang lập ra những kế hoạch mới để chuẩn bị cho một cuộc chiến trên không và trên biển ở châu Á, trong nỗ lực thực hiện chiến lược “trục xoay” châu Á - Thái Bình Dương mà chính quyền của Tổng thống Obama công bố đầu năm nay.