Chính phủ đề xuất cho Thanh Hoá 8 chính sách đặc thù tương đương thành phố lớn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chính phủ đề xuất cho Thanh Hoá thí điểm nhiều cơ chế đặc thù như nâng hạn mức dư nợ vay từ 20% lên 60%, hay được ngân sách bổ sung 70% số tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu qua cảng biển Nghi Sơn...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày dự thảo Nghị quyết tại phiên họp

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày dự thảo Nghị quyết tại phiên họp

Sáng nay, 16-9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.

Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tại phiên họp, Chính phủ đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; Quản lý đất đai; Quản lý, sử dụng rừng... để phát triển Thanh Hoá thành một cực phát triển mới của khu vực và cả nước.

Cụ thể, dự thảo Nghị quyết quy định tỉnh Thanh Hóa được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp.

Hiện tại, theo quy định tại Luật Ngân sách thì tỉnh Thanh Hóa được áp dụng mức dư nợ vay không quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu nâng hạn mức dư nợ vay 60% thì mức dư nợ vay tối đa của tỉnh là 7.909 tỷ đồng, mới đáp ứng đủ nhu cầu huy động trước nguồn lực để đầu tư phát triển của tỉnh.

“Quốc hội đã cho phép thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội áp dụng cơ chế đặc thù này, với mức dư nợ vay không vượt quá 90%” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Dự thảo Nghị quyết cũng đề xuất quy định hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thanh Hóa không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành việc di dân, tái định cư trong Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo quỹ đất sạch cho việc thu hút đầu tư các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Dự thảo cũng đề xuất cơ chế, ngân sách tỉnh Thanh Hóa được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của tỉnh (khoảng 443 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, ngân sách tỉnh Thanh Hóa được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí trên để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách tỉnh…

Cơ quan thẩm định dự thảo Nghị quyết này là Uỷ ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội nêu rõ, các cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách được đề xuất áp dụng cho Thanh Hóa về cơ bản tương đồng so với các chính sách đặc thù đang áp dụng cho một số địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng….

Qua thảo luận, đa số ý kiến tại phiên họp cũng đồng tình với các nội dung dự thảo trình, và hiệu lực áp dụng từ 1/1/2022, thực hiện trong 5 năm.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc trình Quốc hội ban bành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa là hoàn toàn có đủ cơ sở chính trị và pháp lý. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của dự thảo có thể rộng hơn, điều chỉnh cả về tổ chức bộ máy.

Dự thảo nghị quyết sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định.